Tại Chỉ thị số 7/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách” đã xác định truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách. Điểm nổi bật của Chỉ thị này là đã xác định rõ truyền thông chính sách là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan này phải có nhân sự, nguồn lực làm truyền thông chính sách…
Trước đó, ngày 30/03/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) giai đoạn 2022 - 2027”.
Đây được coi là những “cú hích” quan trọng để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện từ sớm, từ xa, ngay từ khi lập đề nghị xây dựng VBQPPL, bảo đảm đồng bộ, bài bản, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội và là tiền đề thuận lợi cho việc tổ chức thi hành pháp luật sau khi văn bản được ban hành.
Sau một thời gian triển khai Đề án và Chỉ thị nêu trên, công tác truyền thông chính sách tại các bộ, ngành, địa phương đã bước đầu đạt kết quả. Riêng đối với Bộ Tư pháp, công tác truyền thông chính sách được đặc biệt chú trọng từ khâu lập đề nghị xây dựng VBQPPL đến khâu thẩm định dự thảo VBQPPL, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt VBQPPL mới được ban hành. Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan thông tin, báo chí xây dựng Chương trình, nội dung truyền thông về một số dự thảo VBQPPL có tác động lớn như: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản…
Truyền thông chính sách là một trong những kênh quan trọng và bảo đảm việc thực hiện quyền làm chủ của người dân trong tham gia xây dựng pháp luật. Chính vì vậy, truyền thông chính sách có ý nghĩa rất quan trọng nhằm củng cố và xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước về mỗi chủ trương, chính sách mới được ban hành. Trong đó, báo chí đóng vai trò là kênh truyền thông chính sách quan trọng nhất.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách cần tiếp tục được chú trọng. Theo đó, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin truyền thông từ Trung ương tới địa phương nhằm định hướng thông tin truyền thông chính sách của toàn bộ các cơ quan báo chí trên cả nước được xuyên suốt, thống nhất.
Đặc biệt, cần có các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và báo chí. Để công tác phối hợp này có hiệu quả, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thông tấn báo chí cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác truyền thông dự thảo chính sách pháp luật.
Đối với cơ quan chủ trì soạn thảo thì cần phải có kế hoạch truyền thông về dự thảo văn bản một cách cụ thể, rõ kênh báo chí thông tin hoạt động, rõ nội dung, thời điểm cũng như nguồn kinh phí thực hiện. Quan trọng hơn, cơ quan soạn thảo cần chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời về nội dung cần truyền thông, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; tiến hành biên soạn tài liệu nguồn để cung cấp cho cơ quan báo chí thực hiện truyền thông.
Về phía cơ quan báo chí, cần chủ động phối hợp nắm bắt các kế hoạch, chương trình xây dựng VBQPPL của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của bộ, ngành, địa phương trong từng năm hoặc cả giai đoạn, để có kế hoạch truyền thông một cách phù hợp, không thụ động chờ cơ quan chức năng mới thực hiện. Đặc biệt cần lưu ý truyền thông chính sách không phải là minh họa chính sách mà còn là phản biện để xây dựng và hoàn thiện chính sách, chú trọng vào những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề “sát sườn” với đời sống người dân.
Để làm được điều này, các nhà báo cũng cần chủ động trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực, trình độ và rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức người làm báo. Cùng với đó, các cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan báo chí cũng cần quan tâm thảo đáng đến việc bố trí nguồn kinh phí để phục vụ công này đạt hiệu quả một cách tốt nhất.