…Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, tinh thần cách mạng Tháng Tám, là một Hải Phòng “Trung dũng, Quyết thắng”, là “pháo đài thép” bên bờ biển Đông, là lá chắn của Thủ đô Hà Nội, 65 năm qua, phát huy cao độ tinh thần cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9 -1945, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng ra sức phấn đấu giành được nhiều thành tựu to lớn, đó là:
- Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hải Phòng bước vào cuộc chiến đấu 300 ngày, đập tan ý đồ phá hoại Hiệp định Giơnevơ của thực dân Pháp, bảo vệ, giữ không cho địch đập phá, di chuyển máy móc vào miền Nam. Ngày 13 -5 -1955, thành phố được hoàn toàn giải phóng.
- Giai đoạn 1955-1975, sau ngày giải phóng, thành phố thực hiện thắng lợi công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; chiến đấu, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc XHCN; chi viện sức người, sức của đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Giai đoạn 1975 – 1986, trước những năm đổi mới, là địa phương đi đầu thực hiện cơ chế “khoán sản phẩm” trong nông nghiệp, góp phần đưa nông nghiệp cả nước thoát khỏi khủng hoảng.
- Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng từ năm 1986 đến nay, nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế với các chính sách đổi mới, mở cửa, Hải Phòng có sức bật mới. Kinh tế thành phố vượt qua suy thoái, từng bước phục hồi, trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, cửa chính ra biển của khu vực phía Bắc.
Đặc biệt từ năm 2000 đến nay, trong 10 năm, liên tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, GDP đạt tốc độ bình quân trên 11,5%/năm, gấp 1,5 lần mức tăng bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ chiếm 90% trong GDP, trong đó dịch vụ chiếm trên 52%. Sản lượng hàng hoá qua cảng không ngừng tăng nhanh, vượt xa so với dự báo (năm 2006 đạt 17,37 triệu tấn, năm 2009 tăng gần gấp đôi, đạt 33,3 triệu tấn, năm 2010 là 37 triệu tấn, quy hoạch đến năm 2010 là 8,5 triệu tấn). Hải Phòng trở thành trung tâm đóng tàu, sản xuất thép, xi măng, da giày, dệt may, sản xuất điện, vật liệu xây dựng của cả nước. Năng lực cạnh tranh (PCI) được nâng lên. Y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ đạt nhiều thành tựu quan trọng. Môi trường sống được quan tâm, chất lượng sống từng bước cải thiện. Công tác phòng, tránh và khắc phục hậu quả thiên tai có nhiều kết quả. Chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu được chủ động triển khai thực hiện. Quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường đồng bộ, có những đổi mới, đạt hiệu quả rõ nét...
Đóng góp vào sự tăng trươngr và phát triển đó có sự đóng góp tích cực và quan trọng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (với 286 dự án FDI, tổng mức vốn đăng ký hơn 4,3 tỷ đôla Mỹ).
Công trình Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ đang được khẩn trương xây dựng Ảnh: Duy Lân |
Hải Phòng đang có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt thành phố chúng ta trước những cơ hội và thách thức mới, nhất là giai đoạn sau khủng hoảng kinh tế- tài chính năm 2009 vừa qua:
- Tác động từ yếu tố bên ngoài: Tác động của toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế liên quan đến những vấn đề luật pháp, thông lệ quốc tế. Nhiều vấn đề mang tính toàn cầu như: an ninh lương thực, an ninh năng lượng; biến đổi khí hậu và nước biển dâng; cạnh tranh giữa các quốc gia, các tập đoàn đầu tư xuyên quốc gia, các doanh nghiệp... Hội nhập, chúng ta phải đối mặt với các dòng đầu tư, dòng nhập cư, dòng văn hoá, dòng tội phạm, dòng ô nhiễm, dòng hàng hoá... du nhập từ nước ngoài. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt, với âm mưu diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ, lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước ta về mở cửa hội nhập.
- Tác động và những yêu cầu khách quan từ bên trong nội tại cơ cấu kinh tế thành phố: Một là, chất lượng tăng trưởng chưa thực sự bền vững, chưa có sự phát triển cân đối cơ cấu giữa các ngành, lĩnh vực. Năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn còn nhiều hạn chế; số đơn vị đạt tiêu chuẩn chất lượng, môi trường quốc tế (ISO, TQM, HACCP…) chưa nhiều. Môi trường đầu tư còn nhiều bất cập, thiếu mặt bằng sạch đủ kết cấu hạ tầng, việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động còn lúng túng về cơ chế chính sách về vốn, về đất đai và các chính sách khác; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Hai là, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ, đường sắt, đường bộ đang là những tắc nghẽn lớn đối với thành phố. Cải cách thủ tục hành chính cắt giảm 80% số thủ tục, tuy đứng thứ 3 cả nước, nhưng qua 4 năm hội nhập kinh tế quốc tế vẫn còn một số hạn chế: cải cách hành chính chậm hơn tốc độ đổi mới kinh tế; cải cách thủ tục chậm hơn yêu cầu thực tiễn; các cơ chế chính sách luôn bất cập chậm sửa đổi, điều chỉnh. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa thực sự tận tụy, công tâm, thạo việc, bệnh hành chính rất nặng, không theo kịp yêu cầu cuộc sống thực tiễn đang đặt ra.
Ba là, phát triển bền vững gắn với công tác bảo vệ môi trường đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như: sự cố tràn dầu, ô nhiễm môi trường biển, cảng, môi trường đô thị, nông thôn. Việc khai thác không theo quy hoạch làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất. Trình độ công nghệ của đa số doanh nghiệp công nghiệp lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất đầu vào cao ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả của sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, trật tự xã hội, an ninh nông thôn vẫn tiềm ẩn nhân tố mất ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở, chưa thật sự ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ....
Từ những kinh nghiệm quý báu và thành tựu giành được trong 65 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và căn cứ điều kiện, yêu cầu thực tiễn, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố là: Phát huy toàn diện, đồng bộ các yếu tố tiềm năng, lợi thế của thành phố Cảng, tập trung cao mọi nguồn lực đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tạo bước phát triển đột phá; phấn đấu để Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020 từ 2 đến 3 năm.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, toàn Đảng bộ, quân và dân thành phố tập trung thực hiện có hiệu qủa một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
1- Tiếp tục đổi mới và điều chỉnh cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển bền vững;
2- Xây dựng và phát triển đô thị Hải Phòng theo hướng đô thị cảng biển, vươn ra biển, văn minh, hiện đại, có giá trị. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa khu vực nông thôn. Đẩy mạnh công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng không gian kinh tế, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại;
3- Đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa-xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tiếp tục xây dựng văn hoá là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội;
4- Tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Củng cố và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ…
....................
(*) Đầu đề của
Báo Hải Phòng