Những bãi biển như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vũng Tàu.... chật ních người dịp nghỉ lễ vừa qua hay biển người đổ về các trung tâm du lịch cho thấy tâm lý chủ quan vẫn tồn tại. Chúng ta lại bước vào một “trận chiến” mới với đại dịch Covid-19, tình hình trở nên phức tạp hơn khi dịch bệnh xuất hiện tại nhiều địa phương, tình trạng nhập cảnh trái phép liên tục bị phát hiện.
Hà Nội và một số tỉnh đã buộc phải cho học sinh nghỉ học, chờ thông báo mới. Nhiều địa phương tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ lây lan dịch trên địa bàn.
Phải nói rằng, thời gian qua Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc kịp thời, nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp đã được triển khai. Đến nay, chúng ta vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, xuất hiện tình huống xấu và khó lường. Điều này, Chính phủ tái nhận định trong Công điện mới nhất ngày 2/5 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều địa phương không chỉ thực hiện thông điệp “5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế” của Bộ Y tế để phòng chống dịch Covid-19 mà còn tăng cường thêm “1K – Kiểm soát”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Đà Nẵng đã đề nghị địa phương này phải thức hiện thêm “1 K” nữa, đó là “Không xâm nhập trái phép và khai báo y tế không rõ ràng”.
Kinh nghiệm các đợt dịch bùng phát ở Việt Nam vừa qua và hiện nay cho thấy, không thể coi phòng, chống dịch là việc riêng của Chính phủ và chính quyền các cấp; mà đó là trách nhiệm công dân của mỗi người.
Cảnh giác cao độ, nhưng không vì thế mà mất bình tĩnh. Tại Công điện 570/CĐ-TTg ngày 2/5/2021 về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, có yêu cầu “Cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không gây tâm lý hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh, nhất là gây mất ổn định và hoảng loạn trong xã hội”.
Chống Covid-19 không phải là cuộc chiến của riêng lãnh đạo Chính phủ, của ngành y tế hay của một nhóm người nào cả mà phải là cuộc chiến “toàn dân, toàn diện” và trường kỳ. Bởi vậy, mỗi cá nhân phải tự thấy và ghé vai gánh vác lấy trách nhiệm của mình. Chỉ khi nào mỗi người dân sống có trách nhiệm, chúng ta mới có thể xây nên thành trì chống Covid-19, kết quả phòng, chống Covid-19 mới bền vững.