Trước thềm Đại hội đại biểu Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2014 – 2019, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng – Chi hội trưởng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về công tác của Chi hội trong thời gian qua.
Tham gia vào nhiều hoạt động quan trọng
Thưa Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, xin Thứ trưởng cho biết thời gian vừa qua, Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp đã tham gia những hoạt động gì để góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ?
- Có thể nói, Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp có đặc thù riêng, với đại đa số hội viên là những luật gia đang trực tiếp tham gia làm công tác pháp luật, tư pháp tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Thông qua hoạt động của các hội viên như tham gia soạn thảo, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, thi hành án dân sự…,
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng |
Chi hội đã có đóng góp tích cực với Bộ Tư pháp trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Cụ thể, từ năm 2001 đến hết năm 2013, Bộ Tư pháp đã trực tiếp soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 522 văn bản quy phạm pháp luật; thẩm định, tham gia ý kiến hàng chục nghìn văn bản.
Còn trong những lĩnh vực như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở thì sao, thưa Thứ trưởng?
- Trong các lĩnh vực này, các hội viên Chi hội cũng đã tham mưu cho Bộ Tư pháp nhằm xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước từ xây dựng thể chế cho đến tổ chức thực hiện.
Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hội viên Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp đã tham mưu, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án trên phạm vi cả nước, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân.
Thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, các hội viên Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp đã góp phần đưa công tác trợ giúp pháp lý trở thành cầu nối giữa chính quyền và nhân dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân. Về công tác hòa giải ở cơ sở, mặc dù không phải là lực lượng trực tiếp tham gia vào các vụ việc hòa giải, song với vai trò là những người tham mưu về thể chế và tổ chức thực hiện thể chế về công tác hòa giải ở cơ sở, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy Bộ Tư pháp, Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp đã góp phần vào việc phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, hạn chế số lượng lớn các vụ việc không phải đưa ra giải quyết tại Tòa án, các cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp cũng tham gia vào nhiều hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam, thường xuyên phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam trong việc xây dựng các đề án, văn bản do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì, như: Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý”; Văn kiện dự án: “Thúc đẩy các cơ hội tiếp cận pháp luật và tư pháp của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam”.
Đặc biệt là trong năm 2013, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Hội Luật gia Việt Nam trong việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 06/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc “thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Luật gia trong phạm vi cả nước.
Chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức, hội viên
Thứ trưởng có thể chia sẻ những băn khoăn của mình trong hoạt động của Chi hội thời gian vừa qua?
- Thẳng thắn mà nói rằng, bên cạnh một số việc làm được nêu trên, hoạt động của Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Đáng chú ý là công tác hội và kiện toàn tổ chức hội chưa được quan tâm thực hiện (một thời gian dài tồn tại Ban Chấp hành lâm thời), việc rà soát, kiện toàn, phát triển hội viên chậm, chưa được tiến hành thường xuyên. Ngoài ra, hoạt động của Chi hội mới được triển khai theo hướng lồng ghép vào hoạt động chuyên môn của Bộ, chưa tổ chức được các hoạt động độc lập để phát huy, đề cao được vai trò của Chi hội Luật gia và quảng bá hình ảnh của Hội Luật gia và các hội viên.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, theo Thứ trưởng, cần phải có những giải pháp gì?
- Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Chi hội Luật gia trong giai đoạn hiện nay, cần củng cố, kiện toàn tổ chức và phát triển hội viên của Chi hội; lựa chọn, bố trí các công chức của Bộ có phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm, nhiệt tình, tâm huyết tham gia Ban Chấp hành Chi hội; nghiên cứu đề xuất phương án tổ chức các bộ phận trực thuộc của Chi hội; tiếp tục tạo sự gắn kết, lồng ghép giữa việc thực hiện nhiệm vụ của Chi hội với việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, tích cực tham gia và thể hiện được vai trò đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam.
Quan trọng nữa là đổi mới phương thức hoạt động của Chi hội bằng việc xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng quý, hàng năm của Chi hội để triển khai hoạt động một cách toàn diện, hiệu quả.
Tôi tin tưởng rằng, trong nhiệm kỳ mới này (2014-2019), Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp sẽ bước sang chặng đường mới với nhiều khởi sắc xứng đáng trong tổ chức và hoạt động.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!