Phát huy vai trò quần chúng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự năm 2011

Bước vào năm 2011, với khí thế năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, cũng là năm tiến hành bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, công tác đảm bảo ANTT, trong đó có việc phát động phong trào quần chúng tham gia bảo đảm ANTT càng trở nên quan trọng hơn bởi vì thời cơ bao giờ cũng đi kèm với thách thức.
Cảnh sát khu vực Công an phường Thống Nhất (TP Nam Định) phối hợp với tổ bảo vệ dân phố bàn biện pháp giữ gìn ANTT trên địa bàn.
Ảnh: Dương Đức

Sinh thời, Bác Hồ từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng qua” để khẳng định sức mạnh của quần chúng nhân dân tham gia giải quyết những nhiệm vụ của đất nước. Lịch sử xây dựng và phát triển của ngành Công an nói chung và công an Nam Định nói riêng đều ghi đậm dấu ấn vai trò của quần chúng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các loại tội phạm nhằm bảo vệ an ninh chính trị và TTATXH. Trong quá trình thực hiện đổi mới, tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp; bên cạnh những thuận lợi, còn không ít khó khăn, thách thức tác động đến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương. Ở tỉnh ta, công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nhiều năm qua đã xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tiên tiến đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm địa bàn, phục vụ thiết thực lợi ích của nhân dân, điển hình như các mô hình phong trào: “Toàn dân tham gia giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại địa bàn dân cư”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hoà thuận” ở khu vực nông thôn, “xây dựng cơ quan, doanh nghiệp an toàn”, “Tổ dân phố tự quản, gia đình tự phòng” ở thành phố; “Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình giáo dân gương mẫu”, “Tâm sáng, hướng thiện” ở vùng đồng bào theo các tôn giáo… đã thu hút đông đảo quần chúng tích cực tham gia và được phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng, tổ chức thực hiện ở nhiều địa phương trong cả nước. Gần đây nhất là 2 mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, “3 giỏi, 2 vững mạnh” về an ninh trật tự ở cơ sở nhằm phát huy vai trò của các chủ thể chủ động trông coi, đề ra những giải pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống lại những hành vi trái chuẩn mực xã hội và các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước xã hội hoá công tác an ninh trật tự và nâng cao chất lượng lực lượng nòng cốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đây là 2 mô hình có mối quan hệ chặt chẽ hỗ trợ lẫn nhau. Khi lực lượng nòng cốt vững mạnh, thì phong trào phát triển mạnh và ngược lại phong trào mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng lực lượng nòng cốt vững mạnh. Mặt khác, những mô hình này được lồng ghép với các hoạt động khác trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào cách mạng, làm cho phong trào phát triển toàn diện, có sức sống mới, đạt hiệu quả cao, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ANTT, giữ vững sự ổn định chính trị, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.

Bước vào năm 2011, với khí thế năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, cũng là năm tiến hành bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, công tác đảm bảo ANTT, trong đó có việc phát động phong trào quần chúng tham gia bảo đảm ANTT càng trở nên quan trọng hơn bởi vì thời cơ bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Trên cơ sở tổng kết phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2010, triển khai Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và nhiệm vụ ANTT năm 2011 theo chỉ đạo của Bộ Công an, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tới cấp uỷ, chính quyền các cấp, thủ trưởng các địa phương, đơn vị, cán bộ và nhân dân, trong năm cần tiếp tục triển khai thường xuyên, liên tục các phong trào quần chúng đã có, đồng thời tập trung xây dựng mô hình phong trào “Ba an toàn” (an toàn địa bàn, an toàn về người và an toàn tài sản) về ANTT. Trên nền tảng những kết quả đã đạt được của “3 tự” (Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ) xây dựng phong trào “3 an toàn” để giữ yên ổn địa bàn, tránh thiệt hại về người, tài sản; nhằm từng bước thực hiện “3 giảm” giảm mâu thuẫn khiếu tố, giảm tội phạm, giảm ma túy, giảm tai tệ nạn xã hội và giảm vi phạm pháp luật về môi trường, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát động phong trào thi đua đuổi kịp và vượt các điển hình tiên tiến  giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới “Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn” giai đoạn 2010-2015, góp phần hiện thực hóa quan điểm chiến lược “tam nông” nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng. Tiếp tục vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện, giữ gìn TTATGT, phòng chống cháy nổ, quản lý, sử dụng pháo… Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới; duy trì và đẩy mạnh các mô hình phong trào “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội”, “thôn, xóm không có tội phạm, ma tuý, tai tệ nạn xã hội”, “An toàn trường học”, “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng đồng bào theo các tôn giáo”… giai đoạn 2011-2015. Phát huy kết quả phong trào “3 giỏi, 2 vững mạnh” về ANTT ở các đơn vị, địa phương, nâng cao vai trò của bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, xóm; công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp giỏi về an ninh, trật tự.

Quá trình hội nhập với những cơ hội phát triển kinh tế đang mở ra trước mắt, cũng kéo theo những vấn đề về ANTT diễn biến, biểu hiện ngày càng phức tạp, sự xuất hiện của các loại tội phạm mới, những thủ đoạn tinh vi hơn đòi hỏi không chỉ lực lượng chức năng mà mỗi người dân cần nêu cao tinh thần tự giác, thái độ tích cực trong công tác đảm bảo ANTT, phối hợp với lực lượng công an nhằm tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm TTATXH. Có như thế chúng ta mới có thể bảo đảm sự phát triển, bền vững, góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội - ANQP trên địa bàn tỉnh./.

Phùng Hữu Văn (Công an tỉnh)

Đọc thêm