Chương trình nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam 9/11, góp phần tạo sự lan tỏa, thúc đẩy việc học tập, tìm hiểu pháp luật trở thành công việc tự thân hằng ngày của đoàn viên, thanh niên.
Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” và tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, buổi giao lưu trực tuyến tổ chức với mục đích tạo diễn đàn để các cán bộ, đoàn viên thanh niên trao đổi các kinh nghiệm, những mô hình hay, cách làm sáng tạo, những giải pháp nhằm phát huy vai trò thanh niên trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Khách mời tham dự giao lưu gồm có ông Nguyễn Sơn Tùng – Phó Trưởng Phòng Công tác sinh viên, giảng viên Bộ môn Luật Tố tụng dân sự, Bí thư Đoàn thanh niên Trường Đại học Luật Hà Nội; Thiếu tá Đỗ Xuân Chi – Phó Bí thư Đoàn Công an Thành phố Hà Nội và ông Nguyễn Sơn Hải –Phó Bí thư Chi đoàn Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Bộ Tư Pháp.
Ông Trần Đức Vinh - Phó Bí thư Đảng ủy; Phó Tổng Biên tập Thường trực cùng Đoàn cơ sở Báo PLVN tặng hoa khách mời tham dự chương trình |
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát từ cuối năm 2019, riêng tại Việt Nam, đợt dịch lần này là đợt thứ 4 với những diễn biến ngày càng phức tạp. Bạn có thường theo dõi, có suy nghĩ và cảm nhận như thế nào về dịch bệnh? Đồng thời, dịch bệnh đã tác động (ảnh hưởng) gì đến sinh hoạt, công việc của bạn?
- Đồng chí Nguyễn Sơn Hải – Phó Bí thư Chi đoàn TNCS Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp): Bản thân tôi cũng thường xuyên quan tâm, theo dõi, cập nhật vì liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, công việc được phân công ở cơ quan. Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính được Bộ phân công phụ trách mảng Pháp luật về Y tế. Việc theo dõi diễn biến dịch bệnh liên quan trực tiếp đến quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống dịch nói chung.
Những ngày đầu khi nghe tin dịch bệnh từ Trung Quốc bản thân tôi còn cảm thấy còn rất mơ hồ xa xôi, nhưng đến khi dịch bệnh lây lan sang Việt Nam, cũng như nhiều công dân khác, tôi dần cảm thấy sự nguy hiểm của dịch bệnh này. Như nhiều người, dịch bệnh khiến cuộc sống của tôi có nhiều đảo lộn, tôi cũng như nhiều người không được về quê thường xuyên, phải làm việc online tại nhà. Để phòng ngừa dịch bệnh, tôi luôn thực hiện tốt quy định 5K, giãn cách.
Là Bí thư Trường Đại học Luật Hà Nội, thầy có thể làm rõ vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với đại dịch COVID-19, thưa thầy Nguyễn Sơn Tùng?
Ông Nguyễn Sơn Tùng – Phó Trưởng Phòng Công tác sinh viên, giảng viên Bộ môn Luật Tố tụng dân sự, Bí thư Đoàn thanh niên Trường Đại học Luật Hà Nội tham gia giao lưu. |
- Ông Nguyễn Sơn Tùng, Phó trưởng Phòng công tác sinh viên - Giảng viên Bộ môn luật Tố tụng dân sự, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Luật Hà Nội: Đoàn viên, sinh viên cần ý thức được trách nhiệm của mình với chính bản thân cũng như cả cộng đồng. Trước hết, mỗi thanh niên cần tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của Chính phủ, địa phương và nơi mình học tập, làm việc; đặc biệt là quy định về 5K; từ đó có thể bảo vệ chính mình và những người xung quanh.
Bên cạnh đó, thanh niên tham gia tích cực vào các hoạt động, phong trào phòng, chống dịch ở địa phương, nơi học tập với vai trò tình nguyện viên tùy vào sở trường, năng lực của mình. Mỗi thanh niên cũng cần góp phần lan tỏa tinh thần lạc quan, tích cực trong phòng, chống dịch; đấu tranh chống những quan điểm sai lệch về công tác phòng, chống dịch của nước ta.
Được biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thời gian qua lực lượng Công an Thủ đô đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Qua công tác kiểm soát của lực lượng Công an TP, đồng chí đánh giá như thế nào về ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của các đoàn viên thanh niên?
Thiếu tá Đỗ Xuân Chi, Phó Bí thư Đoàn Công an TP Hà Nội |
- Thiếu tá Đỗ Xuân Chi, Phó Bí thư Đoàn Công an TP Hà Nội: Như các bạn đã biết, lực lượng Công an Thủ đô là 1 trong những lực lượng nòng cốt tham gia công tác phòng, chống và xử lý các vi phạm liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Qua thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2021, Công an TP đã tiến hành xử phạt hơn 47.000 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó khởi tố 9 vụ việc với 9 bị can. Tổng số tiền phạt trên 66 tỷ đồng.
Các lỗi bị phạt chủ yếu là: Người không đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tập trung đông người quá quy định hoặc ra đường không có lý do chính đáng… Trong số những người bị khởi tố và xử phạt, có nhiều trường hợp là thanh niên. Đánh giá về ý thức của các thanh niên này thì cũng có rất nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như nhận thức về mức độ nghiêm trọng của đại dịch đối với bản thân và gia đình, cộng đồng còn nhiều hạn chế, dẫn đến tâm lý chủ quan, từ đó vi phạm pháp luật.
Từ những kết quả mà Đoàn Thanh niên Công an TP Hà Nội đã đạt được, trong thời gian tới các đoàn viên thanh niên ngành công an Thủ đô tiếp tục phát huy tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, chung tay cùng các lực lượng đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng, Đoàn Thanh niên và các đoàn viên, thanh niên cần thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong mọi mặt trận cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó trọng tâm làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu và cùng tham gia công tác phòng, chống dịch. Chỉ có huy động sức mạnh của toàn dân thì đại dịch COVID-19 mới sớm được đẩy lùi.
Những hậu quả, tác động của COVID-19 gây ra đối với xã hội rất lớn, theo bạn thì vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên – lực lượng xung kích trong “trận tuyến” này như thế nào, Phó Bí thư Chi đoàn TNCS Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Nguyễn Sơn Hải?
Ông Nguyễn Sơn Hải – Phó Bí thư Chi đoàn TNCS Vụ Pháp luật Hình sự - Hành Chính (Bộ Tư pháp) |
- Đồng chí Nguyễn Sơn Hải – Phó Bí thư Chi đoàn TNCS Vụ Pháp luật Hình sự - Hành Chính (Bộ Tư pháp): Bản thân tôi nhận thấy rằng, đoàn viên, thanh niên tùy thuộc vào vị trí công việc, nhiệm vụ, điều kiện, hoàn cảnh sẽ có những đóng góp, vai trò khác nhau… Tuy nhiên, tựu chung lại, thanh niên có những vai trò như sau: Gương mẫu chấp hành quy định của pháp luật về chống dịch, khuyến cáo của cơ quan y tế; Tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè, lan tỏa, truyền tải những thông điệp tích cực; Tham gia vào các lực lượng tình nguyện, xung kích; tham gia hỗ trợ, đóng góp…
Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Luật Hà Nội đã có những hoạt động gì để hưởng ứng lời kêu gọi “chung tay đẩy lùi dịch bệnh” của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19?
- Thầy Nguyễn Sơn Tùng, Phó trưởng Phòng công tác sinh viên - Giảng viên Bộ môn luật Tố tụng dân sự, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Luật Hà Nội: Là một tổ chức chính trị xã hội thuộc trường, Đoàn Thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp với các đơn vị thuộc Trường để triển khai các hoạt động chung trong phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là thành lập các tổ xung kích giúp việc Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của Trường.
Ngoài ra, Đoàn Trường có những hoạt động thiết thực như thường xuyên tuyên truyền về chính sách phòng chống dịch bệnh, kêu gọi sinh viên hưởng ứng các quỹ ủng hộ của nhà nước, hỗ trợ các sinh viên ở trọ tại Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức các diễn đàn khoa học về hộ chiếu vaccine…
Những việc làm, kết quả cụ thể mà Đoàn Vụ Hình sự - Hành chính đã làm được trong việc phòng, chống dịch COVID-19?
- Đồng chí Nguyễn Sơn Hải – Phó Bí thư Chi đoàn TNCS Vụ Pháp luật Hình sự - Hành Chính (Bộ Tư pháp): Các đoàn viên Chi đoàn trực tiếp tham gia vào công tác thẩm định, góp ý, cho ý kiến hoặc chuẩn bị ý kiến cho Lãnh đạo Bộ tham dự các cuộc họp có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, như:
Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng, trình Quốc hội Nghị quyết có nội dung liên quan đến việc quyết định các vấn đề phát sinh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp; Góp ý Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19;
Góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất, tổ chức tiêm vắc - xin phòng COVID-19 và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện; Góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ mua vắc - xin Sputnik V của Liên Bang nga;
Tham gia ý kiến đối với yêu cầu rà soát pháp luật về thẩm quyền đăng ký lưu hành thuốc làm cơ sở cho việc nghiên cứu, ban hành Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành thuốc trong trường hợp cấp bách đối với Vắc – xin COVID-19; Góp ý dự thảo quy định về quản lý, sử dụng hệ thống camera để giám sát tại các cơ sở cách ly y tế tập trung phòng, chống dịch COVID-19;
Tham gia phối hợp cho ý kiến thành viên Chính phủ đối với Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19...
MC Phương Mai ( Đoàn cơ sở Báo PLVN) giao lưu cùng khách mời |
Thời gian qua, chương trình “Tuổi trẻ công an Thủ đô chung tay cùng cộng đồng vượt qua dịch bệnh COVID-19” của Đoàn Thanh niên Công an TP Hà Nội đã hỗ trợ được rất nhiều những người dân yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, góp phần tạo nên sức mạnh và niềm tin để Thủ đô vững vàng vượt qua đại dịch. Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn những kết quả mà Đoàn Thanh niên Công an Thành phố (CATP) Hà Nội đã thực hiện được qua chương trình “Tuổi trẻ công an Thủ đô chung tay cùng cộng đồng vượt qua dịch bệnh Covid-19”?
- Thiếu tá Đỗ Xuân Chi, Phó Bí thư Đoàn Công an TP Hà Nội: Được sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP, Đoàn Thanh niên CATP triển khai Chương trình “Tuổi trẻ Công an Thủ đô chung tay cùng cộng động vượt qua dịch bệnh COVID-19” với mục đích hỗ trợ những người dân thực sự khó khăn, tập trung vào những người là sinh viên, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.
Chương trình được triển khai hỗ trợ liên tục 10 đợt với hơn 157.7 tấn lương thực, nhu yếu phẩm và tiền mặt trị giá gần 3,9 tỷ đồng đến trong tháng 23.760 người dân yếu thế, người dân ngoại tỉnh bị mắc kẹt tại Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thủ đô.
Triển khai các hoạt động trong Chương trình “Thanh niên Công an Thủ đô đồng hành cùng cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19” giai đoạn 3 từ tháng 01/2020 tại 58 điểm với tổng trị giá trang thiết bị y tế, quà tặng, kinh phí hỗ trợ các suất ăn là 1,3 tỷ đồng và giai đoạn 4 từ tháng 5/2021 hỗ trợ 221.094 đầu mục vật tư y tế, nhu yếu phẩm với trị giá hơn 488,6 triệu đồng đến cán bộ, chiến sỹ tại 556 chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19, khu cách ly y tế trên địa bàn Thủ đô, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.
Triển khai các hoạt động của Câu lạc bộ Phản ứng nhanh hiến máu tình nguyện: Tổ chức huy động 30 lượt ĐVTN, CBCS đến trực tiếp Bệnh viện Việt Đức hiến 29 đơn vị máu hỗ trợ cấp cứu 7 bệnh nhân. Đôn đốc hoàn thành xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện và Thống kê số liệu thông tin, nhóm máu, sức khỏe các thành viên của Đoàn Thanh niên các đơn vị tổng cộng hoàn thành 50/65 đơn vị với tổng số 5.691 thành viên).
Thiếu tá Đỗ Xuân Chi, Phó Bí thư Đoàn Công an TP Hà Nội tham gia chương trình giao lưu. |
Ngoài chương trình trên, Đoàn Thanh niên Công an TP Hà Nội còn tổ chức hoạt động nào để chung tay phòng, chống đại dịch COVID-19 hay không, thưa đồng chí?
- Thiếu tá Đỗ Xuân Chi, Phó Bí thư Đoàn Công an TP Hà Nội: Ngoài hoạt động trên, trong thời gian diễn ra đại dịch, Đoàn Thanh niên CATP còn triển khai một số hoạt động khác như:
Triển khai các hoạt động trong Chương trình “Thanh niên Công an Thủ đô đồng hành cùng cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19” giai đoạn 3 từ tháng 01/2020 tại 58 điểm với tổng trị giá trang thiết bị y tế, quà tặng, kinh phí hỗ trợ các suất ăn là 1,3 tỷ đồng và giai đoạn 4 từ tháng 5/2021 hỗ trợ 221.094 đầu mục vật tư y tế, nhu yếu phẩm với trị giá hơn 488,6 triệu đồng đến cán bộ, chiến sỹ tại 556 chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19, khu cách ly y tế trên địa bàn Thủ đô, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.
Triển khai các hoạt động của Câu lạc bộ Phản ứng nhanh hiến máu tình nguyện: Tổ chức huy động 30 lượt ĐVTN, CBCS đến trực tiếp Bệnh viện Việt Đức hiến 29 đơn vị máu hỗ trợ cấp cứu đối với 07 bệnh nhân. Đôn đốc hoàn thành xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện và Thống kê số liệu thông tin, nhóm máu, sức khỏe các thành viên của Đoàn Thanh niên các đơn vị tổng cộng hoàn thành 50/65 đơn vị với tổng số 5.691 thành viên).
Tham mưu Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP tổ chức Hành trình “Giọt máu nghĩa tình - Chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19”: Trong 02 tháng (từ ngày 17/8 đến 16/10/2021), CATP đã triển khai 25 buổi hiến máu tại 21 điểm thuộc Trụ sở CATP, Công an các đơn vị, địa phương, các bệnh viện ngoài CATP; vận động được 3.512 cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện thu về 3.039 đơn vị máu an toàn (đạt 151,95% chỉ tiêu đề ra trong Hành trình).
Triển khai công trình thanh niên “Tuyên truyền, phòng ngừa vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trên không gian mạng”: Phối hợp 30 Quận, Huyện, Thị đoàn của Thủ đô đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn 1.223 quản trị viên của Đoàn cấp huyện, Đoàn Thanh niên Công an cấp huyện, Đoàn cấp xã, Chi đoàn Công an cấp xã tổ chức duy trì vận hành, tương tác hằng ngày trên hệ thống 579 nhóm cộng đồng dân cư cấp xã trên mạng xã hội Facebook với 672.230 thành viên là nhân dân, thanh thiếu niên. Tổ chức xây dựng, phê duyệt đăng tải 168.342 bài viết với 11.526.305 lượt xem của các thành viên trên toàn hệ thống. Nội dung các bài viết đã bám sát định hướng tuyên truyền của CATP, Đoàn cấp trên;
Đôn đốc các Tổ Biên tập của Đoàn cấp cơ sở hoàn thành xây dựng 6 nội dung tuyên truyền về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật chuyển về Đoàn Thanh niên CATP để phục tuyên truyền toàn hệ thống;
Tổ chức chiến dịch tuyên truyền 11 bài viết về những thành tích, chiến công của lực lượng Công an, mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, những tấm gương tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ bảo vệ an ninh Tổ quốc, công tác Đoàn, phong trào thanh niên CATĐ đồng loạt trên toàn hệ thống;
Hướng dẫn trình báo về các kênh tương tác của Công an thành phố Hà Nội và đồng thời chuyển nội dung 91 phản ánh của quần chúng nhân dân thông qua tài khoản quản trị tại các nhóm cộng đồng dân cư đến Đoàn Thanh niên các đơn vị có liên quan để chủ động tham mưu Cấp ủy, Chỉ huy đơn vị kiểm tra, xử lý theo quy định.
Thưa thầy Nguyễn Sơn Tùng, với vai trò là giảng viên bộ môn Luật Tố tụng Dân sự, đồng thời là Bí thư Đoàn Thanh niên, xin thầy cho biết thanh niên nói chung và học sinh sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng cần làm gì trước tình tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay?
- Thầy Nguyễn Sơn Tùng, Phó trưởng Phòng công tác sinh viên - Giảng viên Bộ môn luật Tố tụng dân sự, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Luật Hà Nội:
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, bên cạnh việc chấp hành tuyệt đối các quy định về phòng,chống dịch, mỗi thanh niên, sinh viên cần góp phần tích cực với một tư cách tình nguyện viên, tuyên truyền viên trong các phong trào, hoạt động chính thức, do các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức.
Ngoài ra, sinh viên cần nhận thức việc phải học trực tuyến cũng là một cách tham gia vào công cuộc phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, học tập tốt trong bối cảnh trực tuyến cũng đã là góp phần vào thành công chung của việc đẩy lùi COVID-19. Tôi rất mong nếu các bạn sinh viên đang cảm thấy thiệt thòi do phải xa mái trường, thầy cô, bạn bè thì các em hãy nhận thức rằng đó cũng chính là trách nhiệm của chúng ta để chiến thành dịch bệnh.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phong trào “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”, Đoàn Thanh niên Công an TP Hà Nội có rất nhiều đoàn viên tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô? Đồng chí cho biết đoàn viên thanh niên Công an Thủ đô đã trải qua những khó khăn, vất vả như thế nào?
- Thiếu tá Đỗ Xuân Chi, Phó Bí thư Đoàn Công an TP Hà Nội: Đã có hàng vạn lượt đoàn viên thanh niên Công an Thủ đô tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cùng 1 lúc chúng tôi phải thực hiện 3 nhiệm vụ: 1 là thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, làm tốt công tác đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô; 2 là tham gia công tác chốt trực tại các chốt kiểm soát trên địa bàn thành phố; và nhiệm vụ thứ 3 là tổ chức các hoạt động chung sức tình nguyện vì cộng đồng, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ những người dân yếu thế, bị ảnh hưởng lớn do đại dịch COVID-19.
Nhiều đồng chí dài ngày không được về nhà với gia đình, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đã có 4 đoàn viên thanh niên CATP bị thương trong khi làm nhiệm vụ hoặc bị tai nạn khi đang trên đường ra chốt trực.
Ông Nguyễn Sơn Hải – Phó Bí thư Chi đoàn Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Bộ Tư pháp giao lưu với bạn đọc. |
Kế hoạch dự định trong thời gian tới của mà Đoàn Vụ Hình sự - Hành chính trong thời gian sắp tới để tham gia một cách tích cực, hiệu quả vào cuộc chiến chống đại dịch COVID – 19?
- Đồng chí Nguyễn Sơn Hải – Phó Bí thư Chi đoàn TNCS Vụ Pháp luật Hình sự - Hành Chính (Bộ Tư pháp): Trong thời gian tới, căn cứ trên nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Vụ phân công, đoàn viên chi đoàn Vụ sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thành tốt nhất công việc cấp trên giao phó…, đóng góp một phần nhỏ vào hoạt động phòng, chống dịch.
Chương trình giao lưu thành công. Đại diện Ban chấp hành Công đoàn Báo Pháp luật Việt Nam tặng hoa đại diện khách mời. |
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"