Cơn sốt hết sức “trong lành”
Theo tìm hiểu, cây cảnh bỏ túi là những cây thật nhưng kích cỡ siêu nhỏ, được trồng bên trong “nhà kính sinh học”. Đáng nói, hình hộp chữ nhật được xem là “nhà kính sinh học” này cũng tí hon không kém, với kích thước vỏn vẹn 4,2cm x 1,7cm.
Có cả thảy 13 loại cây khác nhau, từ xương rồng đến hồng đá… giá mỗi cây từ 5-9 USD. Cha đẻ của sản phẩm đang làm mưa làm gió trên thị trường trong nước và quốc tế này chính là Jason Trịnh. Chàng trai gốc Việt 24 tuổi này đang học marketing tại Đại học Ryerson (Canada). Nếu hỏi thứ gì có thể chiếm lĩnh tâm trí anh suốt 24 giờ một ngày, câu trả lời của anh sẽ là “cây cảnh bỏ túi”.
Điểm cộng để “cây cảnh bỏ túi” trở nên thu hút hơn bao giờ hết đó chính là người mua có thể đem theo bên mình bất kể đi đâu. Điều này không có gì khó khăn vì những hộp kính có thể dùng như một vật trang trí, làm móc chìa khóa hoặc dây đeo điện thoại. Đến khi cây trưởng thành và mọc nhô ra ngoài thì người trồng có thể chiết nó sang chậu cây và trồng như một cây cảnh bình thường.
Cây cảnh bỏ túi gợi nhắc những bạn trẻ yêu sinh vật cảnh nhớ tới Tamagotchi – “con gà ảo” của Nhật từng gây sốt trong giới trẻ rất lâu trước đó. Tuy nhiên, cây cảnh bỏ túi cần tới hành động nuôi dưỡng thật sự.
Trước khi sản phẩm về đến Việt Nam và đang làm “điên đảo” giới trẻ thì Jason Trịnh đã từng nói: “Cây sẽ chết nếu không được tưới nước và nhận được sự yêu thương, nâng niu từ người trồng. Đối với giới trẻ, đây là một sản phẩm rất thú vị và dễ thương, hoàn toàn thay thế được gà ảo. Tại sao phải nuôi một con vật ảo trong khi bạn có thể chăm sóc một thứ rất thật?”.
Và việc cần phải chăm sóc một thứ mình luôn mang theo bên mình giống như một trò chơi thách thức người trẻ Việt. Tuy nhiên, dù “sốt” và có một dấu ấn rất riêng trong hàng loạt trào lưu thu hút giới trẻ hiện nay, nhưng không phải ai cũng có thể “bén duyên” với cây cảnh bỏ túi và cũng không phải ai cũng thành công khi quyết định sắm “cây cưng” để mang theo bên người.
Cần một sự chăm sóc tỉ mỉ
Theo đó, giá của một lọ cây cảnh bỏ túi giao động từ 5 – 9 USD (tương đương với 110 – 200 nghìn VNĐ), cũng khá là “vừa vặn” với một sản phẩm bỏ túi. Tuy nhiên, không giống như vật trang trí hay móc khóa thông thường khác bởi nếu đã chơi cây cảnh bỏ túi thì người mua phải chăm sóc sản phẩm tỉ mỉ giống như làm với thú cưng của mình.
Ngoài làm sao để cho cây quang hợp tốt, tưới bao nhiêu nước là vừa và khi cây trưởng thành thì chiết ra chậu cảnh sao cho cây không chết đi… khiến mỗi người chơi cây cảnh bỏ túi phải sắm cho mình một cuốn sách hướng dẫn hết sức chi tiết và cụ thể.
Hơn nữa, với đặc trưng thời tiết khắc nghiệt ở Việt Nam, việc nuôi theo hiệu ứng nhà kính (ở đây là hộp thủy tinh) nếu người dùng không nắm rõ đặc điểm sinh học “cây cưng” của mình thì nó có thể bị khô héo và chết bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, do đặc thù sản phẩm bỏ túi nên tưới cây cũng đòi hỏi người chơi phải thật khéo léo bởi miệng lọ thủy tinh thường rất bé. Tưới nhiều quá lượng đất trong lọ không kịp thẩm thấu, tưới ít nước quá thì môi trường kín cây dễ bị thiếu nước, may mắn thì nó vẫn sống nhưng còi cọc, dần dần sẽ khô héo.
Bạn Nguyễn Trọng Đạt ( 155 Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: “Chơi cây cảnh bỏ túi ngày bỏ ra ngắm không biết bao nhiêu lần. Nó khá là “kén cá chọn canh” nên khi chơi mình phải xem hướng dẫn chăm sóc trên youtube và theo dõi nó thường xuyên. Phải đến cây thứ 3 mình mới chăm sóc nó đúng chuẩn được”.
Nói tóm lại, chơi cây cảnh bỏ túi giống như chăm một con thú cưng. Ngoài tình yêu dành cho cây cảnh đó, người chơi còn phải có kiến thức để chăm sóc sao cho hợp lý và mang lại kết quả tốt đẹp. Việc chăm sóc một cây cảnh to đã khó, bây giờ giới trẻ lại thách thức mình với cây cảnh “bỏ túi” dù rất thú vị nhưng ắt hẳn sẽ là một chặng đường gian nan để gặt hái thành quả.
Dù sao cảm nhận rõ được sự lớn lên từng ngày của một loài cây cảnh cũng là động lực để nhiều người yêu sinh vật cảnh tìm tới thú chơi tỉ mỉ này.