Phạt tiền tỉ hãng dược chi hoa hồng cho bác sỹ

Trong những năm gần đây, một loạt tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới đã bị buộc phải chi trả những khoản tiền phạt hàng tỉ USD vì các hành vi sai trái trong việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm và đặc biệt là hối lộ cho các bác sỹ. 
Trong những năm gần đây, một loạt tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới đã bị buộc phải chi trả những khoản tiền phạt hàng tỉ USD vì các hành vi sai trái trong việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm và đặc biệt là hối lộ cho các bác sỹ. 
Đầu tháng 7 vừa qua, hãng dược phẩm khổng lồ của Anh GlaxoSmithKline (GSK) đã đồng ý nhận các cáo buộc hình sự và nộp khoản tiền phạt 3 tỉ USD vì đã tiếp thị trên thị trường những loại thuốc chưa được cơ quan chức năng Mỹ cấp phép, che giấu những dữ liệu liên quan đến độ an toàn của các loại dược phẩm và hối lộ các bác sỹ. GSK bị cáo buộc đã liên tục hối lộ các bác sĩ bằng nhiều cách, như mời họ đi nghỉ mát ở Jamaica, Bermuda, đi săn ở châu Âu... để đổi lấy việc các bác sỹ thường xuyên kê toa cho bệnh nhân bằng các loại thuốc của GSK. Các loại thuốc này là Zofran, Imitrex, Lotronex, Flovent và Valtrex... 
Theo tờ Guardian, các bác sỹ tâm thần và đối tác của họ thường được GSK mời tới ở tại những khách sạn 5 sao, được mời đến dự các buổi diễn thuyết và với “phong bì” cầm về thường là 2.500 USD. Họ cũng được trả tiền để đi chăm sóc sắc đẹp tại các spa cao cấp, mua cho họ những chiếc vé vào nghe các buổi hòa nhạc sang trọng, đi câu cá và những thú vui xa xỉ khác.
Hãng dược phẩm này cũng bị cáo buộc đã trả tiền để được đăng những bài báo chứa đựng thông tin thổi phồng về công dụng của các sản phẩm của mình trên một số tạp chí y học và thuê một số bác sỹ “độc lập” chuyên quảng cáo cho các loại thuốc của hãng. Theo kết quả điều tra, một trong những diễn giả của GSK – tiến sỹ James Pradko - đã được hãng này trả gần 1,5 triệu USD trong 3 năm để quảng bá cho sản phẩm của GSK. Dưới sự tài trợ của hãng này, tiến sỹ Pradko thậm chí đã sản xuất một đĩa DVD nói về sản phẩm của GSK để trình chiếu hàng trăm lần cho các bác sỹ. 
Ngành dược phẩm đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng về chỉ số trung thực của TI.
Tiếp bước GSK, hãng dược phẩm Pfizer ngày 7/8 cũng đã phải nhận phán quyết nộp phạt 60 triệu USD vì hành vi hối lộ bác sỹ và các quan chức chính phủ của các nước ở Đông Âu, châu Á và Trung Đông để đổi lấy việc các sản phẩm của hãng được ưu ái tại các thị trường này. Bộ Tư pháp Mỹ trong phán quyết của mình cho biết, Pfizer thừa nhận đã hối lộ 2 triệu USD để tạo ra doanh số bán hàng 7 triệu USD trong giai đoạn từ 1997 đến 2006. Cụ thể, các nhân viên kinh doanh của Pfizer tại Bulgaria đã mời các quan chức trong ngành y đến nhiều địa điểm nghỉ mát tại Hy Lạp, “lại quả” 5% giá sản phẩm để các bác sỹ tại một số bệnh viện ở Nga kê đơn các sản phẩm của hãng…
Danh sách những “ông lớn” trong ngành công nghiệp dược phẩm đã bị phạt vì hành vi hối lộ bác sỹ còn có thể kể đến như: Johnson & Johnson, AstraZeneca, hãng dược hàng đầu thế giới về các sản phẩm có nguồn gốc từ gen Teva của Israel. Hồi đầu năm, công ty dược Bristol-Myers Squibb cũng đã nhận được một trát hầu tòa từ Ủy ban chứng khoán Mỹ về hành vi sai trái trong việc bán hàng và tiếp thị ở các quốc gia ở nước ngoài. Năm 2011, Johnson & Johnson đã đồng ý trả 70 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc hối lộ và lại quả để giành được các hợp đồng bán thuốc tại Hy Lạp, Iraq, Hà Lan và Romania.
Tổ chức Minh bạch thế giới (TI) nhận định, ngành công nghiệp dược phẩm đã tạo cơ hội lớn cho hành vi tham nhũng ở tất cả các nước trên thế giới, bất chấp việc giàu – nghèo. Báo cáo năm 2011 của tổ chức này đã xếp ngành công nghiệp dược phẩm và chăm sóc sức khỏe ở vị trí thứ 13 trong tổng số 19 ngành công nghiệp về tính trung thực. “Có nhiều dẫn chứng cho thấy ngành y dược rất dễ bị tổn thương trước tệ tham nhũng” – ông Robert Barrington – giám đốc bộ phận các vấn đề đối ngoại của TI nói. Theo ông Barrington, các yếu tố này có thể là truyền thống quà tặng, sự thiếu minh bạch trong khâu định giá sản phẩm và sự cần thiết phải phê duyệt quy định trong tất cả mọi thứ liên quan đến thuốc thang. Những cám dỗ đối với các bác sỹ càng tăng cao khi các công ty thâm nhập vào thị trường các nước đang phát triển. 
Khảo sát của IMS Health – tổ chức chuyên phân tích các xu hướng ngành công nghiệp dược phẩm - cho biết 17 thị trường trọng điểm mới nổi sẽ chiếm khoảng 63% doanh số bán hàng thuốc theo toa trong giai đoạn từ 2010 đến 2015. “Điều này cho thấy chắc chắn các công ty dược phẩm đa quốc gia sẽ không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để phát triển và sẽ phải trải qua những mất mát lớn lao” – một luật sư tại một hãng dược lớn của Mỹ thừa nhận. Xu thế này hẳn cũng đưa đến những mất mát lớn lao nhưng hoàn toàn có thể tránh được cho các bệnh nhân…
Minh Ngọc (Theo NYT, Guardian, Reuters)

Đọc thêm