Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Tạo cơ sở phát triển kinh tế - xã hội tại Yên Lạc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đã triển khai các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Tạo cơ sở phát triển kinh tế - xã hội tại Yên Lạc

Theo lãnh đạo phòng Kinh tế hạ tầng huyện Yên Lạc cho biết, những năm qua, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển CN-TTCN, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp về hành lang pháp lý, có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ thân thiện với môi trường.

Làng nghề mộc tại thị trấn Yên Lạc
Làng nghề mộc tại thị trấn Yên Lạc 

Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tích cực duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành CN-TTCN của huyện thời gian qua đều đạt và vượt kế hoạch góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao cuộc sống cho người dân.

Hoạt động các Cụm công nghiệp, làng nghề phát triển đồng đều, thu hút trên 650 cơ sở vào cụm sản xuất; một số cơ sở đầu tư mở rộng quy mô, dây truyền sản xuất với giá trị hàng trăm tỷ đồng; các ngành nghề như: tái chế nhựa (tăng trưởng bình quân 23,85%), sản xuất phôi thép(3,47%); đồ mộc xây dựng (16,7%)… tiếp tục giải quyết việc làm cho trên 2.200 lao động hàng năm.

Đặc biệt, trong 08 làng nghề được UBND tỉnh công nhận thì có 05 làng nghề mộc tại thị trấn Yên Lạc, Yên Phương với số hộ tham gia sản xuất là 1.135 hộ gia đình, giải quyết việc làm cho 3.414 lao động với mức thu nhập trung bình từ 6 đến 8 triệu đồng/ tháng.

Xác định CN-TTCN phát triển một cách bền vững và lâu dài sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của địa phương, huyện Yên Lạc đã có những định hướng cụ thể mang tính bền vững, trong đó, ưu tiên phát triển các ngành nghề có thế mạnh trên địa bàn.

Huyện cũng đã có những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ về tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thu hút đầu tư và kích thích sản xuất phát triển, tăng cường quản lý và tạo điều kiện cho các cụm TTCN trên địa bàn; phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, nhà máy duy trì phát triển sản xuất; chú trọng thu hút đầu tư gắn liền với Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, huyện Yên Lạc cũng quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại; qua đó, góp phần tích cực trong việc đa dạng hóa các loại hình, thành phần kinh tế, đóng góp cho ngân sách địa phương.

Đọc thêm