Phát triển du lịch thể thao để kích cầu kinh tế địa phương

(PLVN) -  Bước sang tháng 9 , tháng 10 là khoảng thời gian có thời tiết mát mẻ phù hợp các hoạt động thể thao. Vì vậy, nhiều tỉnh, thành phố đã liên kết tổ chức các giải thể thao phong trào, chuyên nghiệp kích cầu du lịch, thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Du lịch thể thao chính là cách thức hiệu quả để kích cầu du lịch mùa thấp điểm ở Việt Nam. Nguồn: MTXD

“Hâm nóng” các điểm du lịch

Vào cuối tuần vừa qua, tại Hà Nội, giải chạy Marathon Quốc tế Hà Nội Techcombank vừa diễn ra, thu hút 10 nghìn vận động viên chuyên nghiệp và nghiệp dư tham dự. Giải chạy xuyên đêm bắt đầu từ khoảng 2 giờ 30 phút sáng với nhiều cự ly chạy khác nhau, cao nhất là 42km. Tham gia giải chạy, hàng loạt các vận động viên từ nhiều tỉnh, thành phố tham gia. Giải chạy diễn ra đúng vào dịp Hà Nội đang tổ chức Festival Mùa Thu Hà Nội. Vì vậy, có rất nhiều vận động viên sau khi thi đấu, ở lại Hà Nội một vài ngày để du lịch, trải nghiệm không khí của thành phố cổ ngàn năm.

Sắp tới đây, trên các diễn đàn thể thao trên mạng, giải Aqua Warriors Van Don 2024 diễn ra ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh (gọi tắt là giải Aqua Vân Đồn) đang được nhiều vận động viên thảo luận. Được biết, năm nay là lần đầu tiên Vân Đồn tổ chức giải Aquathlon, gồm hai môn kết hợp là bơi và chạy bộ với nhiều cự ly khác nhau. Giải có hơn một nghìn người tham gia. Các vận động viên tham dự đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đem lại nguồn thu lớn cho Ban Tổ chức và các cơ sở lưu trú tại Vân Đồn. Đây là một cách để tỉnh Quảng Ninh “hâm nóng” nhiệt mùa thấp điểm đón khách du lịch nội địa.

Thực tế, trong những năm gần đây, khi tiết trời chuyển mình sang mùa thu - đông, cũng là lúc nhiều điểm du lịch “hạ nhiệt” do lượng khách nội địa suy giảm. Nhiều phương thức kích cầu được các công ty du lịch - lữ hành, các tỉnh địa phương áp dụng. Một trong số đó là du lịch tham gia các giải đấu thể thao.

Các giải thi đấu thể thao (chuyên nghiệp và không chuyên) thu hút đến hàng nghìn hoặc chục nghìn người tham gia và lưu trú trong vài ngày. Bình thường, những vận động viên sẽ đi theo nhóm, theo đội hình hoặc đi cùng gia đình để có người hỗ trợ trong thời gian thi đấu. Sau khi kết thúc giải đấu, họ sẽ ở lại một vài ngày để hồi phục sức lực kết hợp du lịch thăm thú, khám phá các địa điểm hấp dẫn.

Định hình thương hiệu, tạo sản phẩm du lịch thể thao bền vững

Theo thống kê của Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong năm 2023, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc đạt 36,7%; số gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 27,7% tổng số hộ. Phó Cục trưởng - Cục Thể dục Thể thao Lê Thị Hoàng Yến cho rằng khoảng cách giữa thể thao quần chúng, thể thao phong trào với thể thao thành tích cao đã được thu hẹp đáng kể đồng thời khẳng định phát triển thể thao phong trào cũng là nền tảng cho thể thao thành tích cao.

Điều này cho thấy, người Việt Nam đang có xu hướng đầu tư cho thể dục thể thao ngày càng nhiều. Việc kết hợp du lịch với thể thao được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ phát triển trong thời gian tới. Đây vừa là một cơ hội, để các tỉnh, thành phố đưa ra các sản phẩm du lịch thể thao hấp dẫn, đồng thời, định hình thương hiệu các giải đấu.

Ông Đặng Mạnh Phức, CEO Outbox nhận định phong trào du lịch kết hợp thể thao ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh do các giải được tổ chức thường xuyên. Tuy nhiên, “cái gì là phong trào cũng sẽ trôi qua”. Vấn đề cần quan tâm là các bên từ điểm đến, ban tổ chức giải tới các doanh nghiệp du lịch tận dụng hiệu quả thời điểm nở rộ để định hình thương hiệu giải chạy chuyên nghiệp và tạo tiền đề cho các hoạt động du lịch gắn với thể thao trong tương lai nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.

Để tiếp tục đưa các giải thể thao trở thành một sản phẩm du lịch tiêu biểu, hấp dẫn du khách, cần sự liên kết giữa các ban, ngành. Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng gợi ý, để ngành du lịch kết hợp thể thao, trong thời gian tới các địa phương cần tạo thủ tục thông thoáng trong việc cấp phép tổ chức giải thể thao phục vụ du lịch, xúc tiến điểm đến. Đồng thời cần xã hội hóa công tác tổ chức giải theo hướng khuyến khích các công ty lữ hành tạo liên minh bán những sản phẩm liên quan tới du lịch thể thao. Ở chiều ngược lại ngành thể thao sẽ cùng đồng hành quảng bá sự kiện, thắng cảnh, văn hóa Việt Nam qua đó hút khách.