Phát triển kinh tế gắn liền bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số

(PLVN) - Việt Nam có 54 dân tộc anh em, với những nét văn hóa độc đáo riêng biệt, là một động lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh địa phương. Tuy nhiên, với sự phát triển của thời đại công nghệ, rất nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số dần mai một theo thời gian.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế cần gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số. (Ảnh minh họa: Hồ Tùng Phương)

Tài nguyên vô giá của dân tộc

Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, cả nước có khoảng 14,2 triệu người dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước), mỗi dân tộc đều tập trung sinh sống rải rác trên cả nước với những nét đẹp văn hóa độc đáo, phong phú khác nhau. Hiện nay, văn hóa dân tộc đang là “từ khóa” được nhiều người Việt Nam và bạn bè quốc tế tìm kiếm.

Dựa vào tinh hoa truyền thống dân tộc, có nhiều tỉnh địa phương đã thành công trong việc khai thác du lịch, tạo kế sinh nhai bền vững cho người dân. Như tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, có hơn 70% dân tộc Mông sinh sống. Chỉ trong 2 năm 2022 - 2023, lượng khách du lịch đến Mèo Vạc tăng đột biến, đặc biệt trong dịp đầu năm 2024. Đến nay, Mèo Vạc đã đón trên 300.000 lượt khách, trong đó lượt khách quốc tế chiếm khoảng 30%. Phần lớn các du khách đến Mèo Vạc, Hà Giang thoát khỏi phố thị, trải nghiệm không gian văn hóa đậm chất dân tộc người Mông.

Không chỉ thành công trong việc phát triển du lịch, từ những món ăn, ẩm thực, khung cảnh thiên nhiên, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người đã tận dụng khai thác và thành công trên mạng xã hội. Các YouTuber chuyên nội dung về du lịch, ẩm thực ở vùng Tây Bắc như: Hoa ban Food, Sapa TV, Nhịp sống Tây Bắc, Về miền Tây Bắc, Hoa ban Tây Bắc, Trình tường TV, Gái bản, Trai bản, Rubathan, Giàng A Pháo, Nguyễn Tất Thắng... thu về hàng triệu lượt theo dõi.

Nhờ việc làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, rất nhiều người trẻ ở vùng cao đã tăng thêm thu nhập, giúp bà con buôn làng bán các sản phẩm chất lượng của địa phương. Như câu chuyện của cô gái Nguyễn Hoài Thương, người dân tộc Tày - chủ một kênh Youtube nổi tiếng, đã dùng mạng xã hội để khởi nghiệp bán sản phẩm quê nhà được nhiều người yêu mến.

Đặc biệt, nhờ các làn điệu, câu hát, nhạc cụ của người dân tộc thiểu số, không ít những bản nhạc đình đám đã ra đời. Lấy ví dụ bài hát “Mời anh về Tây Bắc” của Sèn Hoàng Mỹ Lam khai thác âm hưởng dân gian miền núi; Bích Phương với MV “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau” mang dấu ấn văn hóa Tây Bắc, “À Lôi” của Double 2T và producer Masew lấy cảm hứng từ văn hóa của người Tày...

Bảo tồn, phát huy văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số

Văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang thực sự là một bộ phận quan trọng, cấu thành của văn hóa Việt Nam, là tài sản quý giá của đất nước góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, dưới tác động của nền kinh tế thị trường và sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, văn hóa các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị phai nhạt. Một số giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đang bị mất đi, một số nét đẹp văn hóa bị biến đổi không còn giống với nguyên gốc. Điều đáng buồn, có không ít thanh, thiếu niên chẳng còn mặn mà với văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Các làn điệu dân ca đặc trưng của nhiều dân tộc đang dần biến mất, do người dân không còn sử dụng trong các sinh hoạt của cộng đồng. Thậm chí một số dân tộc còn đứng trước tình trạng bị mai một tiếng nói, chữ viết. Các lễ hội truyền thống đang dần ít đi, nhiều không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ bị phá vỡ bởi sự phát triển nhanh chóng của xã hội.

Ví dụ, theo kết quả điều tra khảo sát của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam năm 2023 ở điểm bản cộng đồng dân tộc Pà Thẻn ở xã Tân Lập, huyện Bắc Quang cho thấy, các hoạt động sinh hoạt nghi lễ truyền thống có xu hướng giảm dần hoặc bị biến đổi, không còn tuân thủ theo đúng bài bản truyền thống. Lực lượng thầy cúng và những người am hiểu về phong tục, tập quán, nghi lễ truyền thống, nghệ thuật dân gian, tri thức dân gian ngày càng ít dần, đa số đều ở độ tuổi đã cao, sức yếu.

Vì vậy, bên cạnh việc phát triển kinh tế cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Cần lấy văn hóa làm trọng tâm, đưa các chính sách hấp dẫn thu hút thế hệ trẻ ở các bản làng tiếp nối, yêu thích văn hóa, học nghề truyền thống, an cư lập nghiệp tại “quê cha, đất tổ”. Như thường xuyên tổ chức các hoạt động ý nghĩa như: phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền, sưu tầm các làn điệu dân ca dân tộc thiểu số, bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc ít người, xây dựng mỗi dân tộc một làng văn hóa...

Các chương trình, dự án đều phải dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, bản sắc văn hóa và phong tục tập quán của từng dân tộc thiểu số nhằm khơi dậy sức mạnh của văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Mới đây, Bộ VH,TT&DL đã ban hành Quyết định số 2062/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Theo đó, sẽ phối hợp với Sở VH,TT&DL, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh: Điện Biên, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hoạt động trên. Việc triển khai hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương; phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước...