Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Định

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những bản sắc văn hóa riêng của đồng bào Bahnar, Chăm, H’rê ở tỉnh Bình Định rất phong phú và đa dạng, được thể hiện trong lao động, sản xuất, đời sống, tâm linh… Và nó đã trở thành nét đẹp, các chuẩn mực văn hóa được đồng bào gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
 Nghi thức lễ mừng về nhà mới của đồng bào Chăm ở Vân Canh (ảnh: Thanh Thắng).
Nghi thức lễ mừng về nhà mới của đồng bào Chăm ở Vân Canh (ảnh: Thanh Thắng).

Các dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Định tuy chỉ chiếm 2% dân số toàn tỉnh nhưng cư trú trải dài khắp địa bàn. Trong đó, 3 dân tộc thiểu số đông dân nhất là Bahnar, Chăm, H’rê. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa đặc trưng, luôn gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào mình.

Đồng bào Chăm ở huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) có những lễ hội như: cầu mưa, ăn heo ký, cúng thần làng, mừng về nhà mới… Điểm chung của các lễ hội này là luôn tạo sự gần gũi, đoàn kết trong cộng đồng. Riêng lễ mừng về nhà mới được đồng bào Chăm đặc biệt coi trọng. Trong ngày lễ, mọi người tham dự đều mặc trang phục thổ cẩm truyền thống. Khi tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên cũng là lúc thầy cúng và già làng dâng lễ vật lên thần linh, cầu xin phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, công việc hanh thông, mọi người khỏe mạnh… Và, lễ mừng về nhà mới không thể thiếu cây nêu đặt trước nhà. Cây nêu phải vươn cao, tạo thành hình đôi cánh chim Ktang, là loài chim tượng trưng cho sự yên bình.

“Vợ chồng tôi chịu khó làm ăn nên năm vừa rồi cũng dành dụm được ít tiền để dựng nhà. Hôm làm lễ mừng về nhà mới, chúng tôi chuẩn bị lễ vật là một con gà và một con heo. Con heo thì lấy cái đầu để cúng, cái mình để làm cỗ mời dân làng đến chung vui. Ngày hôm đó, bà con, anh em cùng múa xoang để giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc”, anh Đinh Văn Lịch (dân tộc Chăm, ở làng Canh Thành, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh) chia sẻ.

Hằng năm, vào tháng 11 và 12 dương lịch, khi hạt lúa, hạt bắp đã được đem cất kỹ cũng là lúc các gia đình đồng bào H’rê ở huyện An Lão (tỉnh Bình Định) làm lễ cúng mở kho lúa. Lễ cúng có mục đích cầu xin thần kho, thần lúa đừng hoảng sợ, cầu mong thần lúa yên tâm ở lại với gia đình, giúp họ luôn no đủ, không phải thiếu đói, không phải ăn củ, ăn khoai.

Các cô gái Bahnar ở Bình Định múa xoang trong dịp lễ hội (ảnh: Thanh Thắng).
Các cô gái Bahnar ở Bình Định múa xoang trong dịp lễ hội (ảnh: Thanh Thắng).

Với đồng bào Bahnar ở huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định), lễ đón thần lúa trước khi vào mùa thu hoạch lúa rẫy rất linh thiêng. Từng gia đình và làng tổ chức lễ đón thần lúa về làng, báo cáo với các vị thần sau một năm lao động vất vả nay đã đến mùa thu hoạch. Lễ vật dâng cúng các thần linh thường là heo, gà, rượu cần, cốm, cơm… Dân làng cùng đánh cồng, đánh chiêng, múa, hát.

Bà Võ Thị Hồng Liên - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Mừng được mùa rẫy thì bà con gọi là đón thần lúa về làng nên tổ chức lễ hội để ăn mừng. Thời gian qua, chúng tôi luôn chú trọng công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy những truyền thống của đồng bào Bahnar, trong đó có lễ đón thần lúa. Cùng với nhiều giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào Bahnar, Vĩnh Thạnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử”.

Lễ hội là một trong những sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa tốt đẹp ở mỗi vùng, mỗi cộng đồng dân tộc, là chất kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng, do đó góp phần làm cầu nối giữa các thế hệ, bồi đắp tình yêu quê hương, bản làng. Trong tình hình kinh tế, xã hội và văn hóa như hiện nay, việc đồng bào các dân tộc Bahnar, Chăm, H’rê ở tỉnh Bình Định tổ chức các lễ hội là cần thiết, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Đọc thêm