Phát triển kinh tế ở Giao Tân

Xã Giao Tân (Giao Thủy) có 300ha đất 2 lúa, 50ha đất màu và 30ha đất bãi, diện tích canh tác bình quân theo đầu người thấp. Để nâng cao thu nhập cho nông dân, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung lãnh đạo đề ra nhiều biện pháp phát triển kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đồng thời phát triển mạnh ngành nghề.

Cơ sở đan móc sợi xuất khẩu của gia đình chị Đỗ Thị Vang, xã Giao Tân (Giao Thủy) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 500 lao động.
Cơ sở đan móc sợi xuất khẩu của gia đình chị Đỗ Thị Vang, xã Giao Tân (Giao Thủy) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 500 lao động.
Xã Giao Tân (Giao Thủy) có 300ha đất 2 lúa, 50ha đất màu và 30ha đất bãi, diện tích canh tác bình quân theo đầu người thấp. Để nâng cao thu nhập cho nông dân, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung lãnh đạo đề ra nhiều biện pháp phát triển kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đồng thời phát triển mạnh ngành nghề. UBND xã và HTXNN đã tập trung rà soát hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch diện tích 30ha đất bãi thuộc các xóm 3, 4 thành vùng nuôi thủy sản tập trung. Để tạo điều kiện cho các hộ phát triển kinh tế, UBND xã và các đoàn thể đã tín chấp với các ngân hàng cho trên 650 hộ dân vay vốn, với tổng dư nợ gần 20 tỷ đồng. Được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến ngư Trung ương xã đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt cho các hộ nuôi thuỷ sản. Do được đầu tư cơ sở vật chất và trang bị kiến thức, tạo điều kiện về vốn nên nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển dần từ nuôi thả quảng canh sang thâm canh, tạo ra giá trị kinh tế cao. Đến nay, khu nuôi thủy sản của xã đã có gần 10 hộ tham gia sản xuất theo mô hình trang trại, gia trại với các loại con nuôi chủ yếu có giá trị kinh tế cao như: tôm thẻ chân trắng, cá vược, cá chim trắng… Năm 2010, tổng sản lượng thủy sản của xã đạt gần 59 tấn/ha, bình quân thu nhập đạt trên 60 triệu đồng/ha. Một số hộ có diện tích lớn, đầu tư tập trung đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm như hộ các ông: Trần Văn Lưỡng (xóm 4), Lưu Công Út (xóm 12), Trần Văn Dương (xóm 3)… Để phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển diện tích nuôi thủy sản tập trung, xã đã đầu tư kinh phí tu sửa hệ thống thuỷ lợi nội đồng. Toàn xã hiện có 2 trạm bơm cố định, 3 trạm bơm dã chiến, 18km kênh cấp III, 11km kênh cấp II, 1 cống tiêu lớn dưới đê… Toàn bộ hệ thống thuỷ lợi được xây dựng khép kín và thường xuyên được tu sửa, nạo vét. Bên cạnh đó, xã còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, vận động bà con đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi... Năm 2010, xã tổ chức 10 lớp tập huấn về sử dụng thức ăn chăn nuôi, các kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng và con nuôi, thu hút hàng trăm lượt xã viên tham gia. Nhờ đó, năng suất lúa của xã đạt 12-14 tấn/ha/năm, với cơ cấu giống chủ yếu là các loại có năng suất ổn định, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và có giá trị kinh tế cao như: Bắc Thơm số 7, Nếp 97, Nam Định 1, N46… Những năm qua, nhiều hộ dân trong xã đã chủ động dồn điền đổi thửa để cấy lúa thương phẩm trên diện tích lớn từ 1 mẫu trở lên. Năm 2010, hộ ông Bùi Văn Tháp (xóm 9) cấy 3 mẫu ruộng, trong đó vụ xuân trên 90% diện tích cấy giống Bắc Thơm số 7, vụ mùa có trên 1 mẫu cấy giống đặc sản Nếp 97, còn lại là Bắc Thơm số 7. Năng suất lúa bình quân đạt 2 tạ/sào nên cả năm ông thu hoạch được gần 12 tấn lúa. Với giá bán bình quân từ 8.000-8.500 đồng/kg thóc, doanh thu từ cấy lúa đặc sản của gia đình ông đạt gần 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi trên 80 triệu đồng/năm.

Cùng với việc tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, xã khuyến khích mở rộng ngành nghề để tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn. Hàng năm, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên đều tổ chức dạy nghề đan móc sợi xuất khẩu, trồng cây cảnh, xâu hạt cườm, làm mi mắt giả… cho đoàn viên, hội viên. Đến nay, gần 800 lao động ở địa phương đã được tạo việc làm, với thu nhập ổn định từ 25-30 nghìn đồng/người/ngày, trong đó nghề đan móc sợi tạo việc làm cho trên 500 lao động. Phong trào cải tạo vườn tạp để trồng cây cảnh bước đầu đã thu hút hàng chục hộ tham gia với hàng trăm sản phẩm cây cảnh, cây thế có giá trị kinh tế cao. Một số hộ có nhiều cây cảnh, cây thế có giá trị trên 100 triệu đồng/cây như hộ ông: Trần Văn Giang, Trần Văn Lưỡng… Năm 2010, tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ của xã Giao Tân đã đạt trên 32 tỷ đồng.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa và đa dạng ngành nghề ở Giao Tân đã tạo cơ hội cho nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Toàn xã hiện có 150 hộ sản xuất kinh doanh có doanh thu trên 64 triệu đồng/năm, trên 100 hộ có doanh thu trên 120 triệu đồng/năm và 45 hộ đạt doanh thu trên 240 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển các công trình phúc lợi công cộng như: điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, trong đó 100% hệ thống đường giao thông nông thôn đã được nhựa hóa, bê tông hóa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong xã./.

Bài và ảnh: Thành Trung

Đọc thêm