Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Giám sát để việc hỗ trợ không “nhầm” địa chỉ

(PLVN) - Chiều 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần có sự giám sát để chính sách không “đi nhầm” sang các địa chỉ khác, làm ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) phát biểu tại phiên họp.

Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu (ĐB) bày tỏ tán thành cao về sự cần thiết phải có một chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình) bởi đây là “vùng trũng” của đất nước. Việc ban hành Chương trình sẽ giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trong cả nước. 

Theo dự toán của Chính phủ, tổng ngân sách cần cho giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 114 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương khoảng 100 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương là 10 nghìn tỷ đồng. 

Trăn trở về nguồn kinh phí như trên, ĐB Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) đánh giá, việc bố trí ngân sách trung ương để bảo đảm thực hiện Chương trình này đã khó nhưng việc địa phương vốn đối ứng để bảo đảm thực hiện càng khó hơn vì đa số các tỉnh thụ hưởng chương trình này đều là tỉnh nghèo, hiện đang hưởng trợ cấp từ ngân sách trung ương. 

Cũng theo ĐB Trang, để tránh chính sách ban hành không thực hiện được, dàn trải, lãng phí, không ảnh hưởng đến thực hiện các chương trình khác, cần xây dựng lộ trình triển khai theo giai đoạn và hàng năm. Đặc biệt, cần thực hiện hướng chọn những dự án trọng tâm, trọng điểm; những dự án mang tính cấp thiết, đột phá, mang tính dẫn dắt làm trước như đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; dự án ổn định, phát triển dân cư; dự án phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng, phát triển giáo dục… 

Cùng quan điểm trên, ĐB Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) cho rằng, trong khi ngân sách khó khăn nếu đầu tư dàn trải sẽ khó thực hiện mục tiêu đề ra cho nên cần tập trung vào những dự án ưu tiên và dự án đảm bảo sinh kế cho đồng bào, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn. Ngoài ra, cần tập trung vào các địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi là các xã, thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên...

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) phát biểu tại phiên họp.
 Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) phát biểu tại phiên họp.

ĐB Dương Tuấn Tuân (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nguồn lực gặp khó khăn. Vì vậy, cần ưu tiên nguồn lực cho giai đoạn 1 tập trung vào vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, “lõi nghèo”; chú trọng nâng cao thể trạng, chiều cao của người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có mua sắm trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh…

Phát huy tính tự lực, tự lập của người dân 

Đề xuất giải pháp thực hiện Chương trình, ĐB Hoàng Thị Thu Trang cho rằng, Quốc hội, Chính phủ nên phân cấp cho địa phương tự khảo sát, xây dựng đề án cho địa phương vì mỗi địa phương có tiềm năng, khó khăn riêng, tự xác định cây con có thế mạnh riêng.

Trong điều kiện nguồn lực có hạn thì cần giảm tính ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước; phát huy tính tự lực, tự lập của người dân. Trong bối cảnh này, việc hỗ trợ cơ chế sẽ phù hợp, sẽ quan trọng hơn. Ví dụ, thực hiện những cơ chế tài chính như tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ thuế, các hoạt động khai thác khoáng sản, thủy sản… sẽ tạo động lực cho địa phương chăm lo nguồn thu trên địa bàn.

ĐB Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) cũng đề nghị áp dụng cơ chế đặc thù trong thực hiện các dự án; đẩy mạnh phân cấp, trao quyền trách nhiệm cho từng địa phương. Cùng với đó, cần phát huy tinh thần công khai, dân chủ; phát huy vai trò vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số trong xóa đói, giảm nghèo, tránh việc ỷ lại nằm chờ chính sách hỗ trợ... Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cần phối hợp với Ủy ban Dân tộc có hướng dẫn để MTTQ Việt Nam các cấp giám sát chương trình này một cách hiệu quả. 

Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng “đối tượng được thụ hưởng là những đồng bào dân tộc ít người, do đó cần sự quan tâm của toàn xã hội, cần kêu gọi sự quan tâm để xã hội hóa nhiều hơn, nhất là sự tham gia của các doanh nghiệp nhằm nâng cao tác động tới đời sống của vùng miền núi mạnh mẽ hơn.

Nhưng muốn vậy rất cần sự giám sát ngay từ đầu. MTTQ cần vào cuộc giám sát ngay từ lúc triển khai chính sách để việc hỗ trợ không “đi nhầm” sang các địa chỉ khác. Nếu “đi nhầm” sẽ ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của nhân dân”. 

 Theo Tờ trình của Chính phủ, Chương trình gồm 10 Dự án thành phần:

Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của hộ dân tộc thiểu số; Quy hoạch sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

Đọc thêm