Phát triển KTXH phải gắn với bảo tồn “xương sống của Đông Dương“

(PLO) - Nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội trên dãy Trường Sơn đang gây nguy hại đáng báo động đến đa dạng sinh học nơi đây. Làm thế nào để mang lại lợi ích hài hòa cho cả con người và thiên nhiên vẫn đang là bài toán khó chưa có lời giải…

Thủy điện xả lũ.
Thủy điện xả lũ.
Những khu bảo tồn kêu cứu
Không thể phủ nhận tác dụng giảm tải cho QL 1A và phát triển KTXH khi đường Hồ Chí Minh (HCM) mở ra, nhưng cũng bởi con đường này cắt qua quá nhiều khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) và Vườn quốc gia (VQG) cũng như vùng rừng núi trên dãy Trường Sơn đã ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học (ĐDSH) nơi đây.
Trong một chuyến thực tế tại Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), chúng tôi nhớ mãi lời một cán bộ của khu BTTN này nói mà lắc đầu lia lịa: “Việc khai thác, săn bắt trái phép lâm sản đang là mối đe dọa nghiêm trọng đến khu bảo tồn. Càng báo động hơn khi đường HCM thông tuyến. Người săn bắt, khai thác trái phép lâm sản từ chỗ phục vụ nhu cầu tại chỗ chuyển sang việc đưa ra tiêu thụ bên ngoài một cách ồ ạt nhờ giao thông quá thuận tiện”. Theo một nghiên cứu công bố trong cuốn sách Shood và Hùng, 2008, một nửa số hộ dân sống trong khu BTTN Bắc Hướng Hóa có ít nhất một người săn bắt thú bất hợp pháp.
Đường HCM, đặc biệt là nhánh Tây qua địa phận ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã xuyên qua hai VQG lớn (Phong Nha - Kẻ Bàng và Bạch Mã), hai khu BTTN quan trọng (Đakrông và Bắc Hướng Hóa, cùng ở Quảng Trị) KTXH phát triển mạnh. Song mặt trái của nó kéo theo nạn lâm tặc hoành hành; nạn tận diệt thú rừng với các nhà hàng đặc sản nhan nhản, dọc nhánh đường không ít người bày bán, giới thiệu thịt thú rừng một cách ngang nhiên.
Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ
Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ 
Và nỗi ám ảnh thủy điện
Sự bùng nổ xây dựng các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi đang hủy hoại và làm suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học dãy Trường Sơn. TS. Hoàng Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Moi trường, Trường ĐHQG Hà Nội đã từng kết luận rằng, khi đặt bút phê duyệt xây dựng Dự án thủy điện Rào Quán trên sông Rào Quán, thuộc Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, cơ quan chức năng đã lượng giá rừng tự nhiên nơi đây thấp hơn cả… rừng trồng. Bởi vậy họ cho rằng việc duy trì rừng tự nhiên để bảo tồn ĐDSH không hiệu quả bằng xẻ đôi khu BTTN để xây đập thủy điện. Nhưng thực tế cho thấy việc phá rừng ồ ạt đã làm cho các thảm họa môi trường ngày càng trầm trọng hơn như lũ lụt, hạn hán hàng năm…
Mặt khác, báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Dự án Rào Quán khi mới triển khai không đề cập đến những tác động lớn lên rừng tự nhiên mà chỉ tập trung vào vấn đề kỹ thuật. Ước tính, hồ thuỷ điện này chặn dòng gây ngập 274ha rừng tự nhiên và 165ha rừng trồng, nhưng dự án này đánh giá tác động lại chỉ tính đến giá trị của các “cây đứng” mà thôi. 
Nhưng trên dãy Trường Sơn, Rào Quán chỉ là một trong hàng trăm ví dụ. Theo một đề tài của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về “Điều tra, khảo sát, nghiên cứu đánh giá tác động và đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi Bắc Trung Bộ” do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) thực hiện  đã khẳng định: Các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đã làm suy giảm tính đa dạng một số loài, thay đổi điều kiện môi trường và địa bàn cư trú… của các loài động, thực vật ở dãy Trường Sơn.
Ngập lụt hạ nguồn.
Ngập lụt hạ nguồn. 
Trong vòng 8 - 9 năm qua, với việc “bùng nổ” xây dựng các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nên tài nguyên rừng, đất rừng và quy mô rừng đang bị thu hẹp và chịu sự tàn phá nặng nề đến mức báo động. Trên các lưu vực sông chính của dãy Trường Sơn, có khoảng trên dưới 100 công trình hồ thủy điện, thủy lợi với dung tích chứa nước gần 30 tỷ mét khối. Giới bảo vệ thiên nhiên, môi trường đã phải thốt lên rằng, số lượng công trình thủy điện ở các tỉnh thuộc dãy Trường Sơn đã vượt tầm kiểm soát. Mật độ quá dày đặc này đang cắt nhỏ các dòng và lưu vực sông.
Còn nhớ năm 2007, khi Thủy điện Rào Quán xả nước với lưu lượng 200m3/giây, hạ lưu sông Thạch Hãn dâng với tốc độ chóng mặt khiến hàng nghìn hộ dân huyện Triệu Phong chìm trong biển nước.
Từ năm 2008, theo quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt 18 dự án xây dựng thủy điện với tổng công suất 103,9MW. Nhưng về sau, UBND tỉnh này đã loại đi còn 8 dự án. Hiện 4 dự án đã hoàn thành việc xây dựng và đi vào hoạt động, còn lại vẫn đang triển khai xây dựng. Người dân Quảng Trị vẫn đang lo ngại rằng, sắp tới nếu toàn bộ các công trình thủy điện đi vào hoạt động và sẽ đồng loạt xả lũ khi mùa mưa bão đến, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với các huyện ở hạ lưu các sông như Thạch Hãn, Đakrông… vốn có địa hình rất dốc.
Minh chứng đầu tiên cho việc xây dựng, vận hành bất hợp lý các công trình thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên là cơn “đại hồng thủy” lịch sử năm 2009 tàn phá trên diện rộng từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Tây Nguyên, làm 179 người chết, thiệt hại khoảng 16.078 tỷ đồng. Tháng 10, 11 năm sau (2010), việc xả lũ thiếu hợp lý của các hồ chứa nước đã ngập lụt ở hầu hết hạ lưu các sông dãy Trường Sơn.
Rồi giữa tháng 11/2013, cơn bão Nari ập vào miền Trung. Riêng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các con số thống kê cho thấy có ít nhất 41 người chết, 5 người mất tích, 74 người bị thương và lũ quét qua đã cuốn sạch nhà cửa, tài  sản, hoa màu nông nghiệp của người dân. Tại những nơi lũ đi qua, người dân và chính quyền địa phương đều bất bình “kể tội” 15 thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên đồng loạt xả lũ đã gây nên tai họa này. 
Dân hạ nguồn tay trắng vì thủy điện xả lũ nhưng các nhà máy thủy điện không phải chịu trách nhiệm. Bảo nhà máy thủy điện đền bù hay khắc phục cho người dân còn khó hơn lên trời. Còn nhớ, Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) tích nước gây ngập hơn 30 hộ dân ở xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My. Bà con có chứng cứ rành rành, kéo nhau ra tòa khởi kiện, nhưng qua 2 phiên xét xử, phần thua vẫn thuộc về... chính họ!
Việt Nam được cộng đồng khoa học thế giới đánh giá là một trong 16 nước có tính ĐDSH cao nhất thế giới. Nhưng với kiểu phát triển thủy điện hiện nay,  mối “hiểm hoạ” về cuộc chia tay giữa các loài động vật, thực vật quý hiếm và ĐDSH dãy Trường Sơn đang hiện hình quá rõ nét... T.n.p
Thuỷ điện Đăk Mi 4 xả lũ vào tháng 11/2013. Ảnh tư liệu.
 lTháng 11/2011, hai nhà máy thủy điện lớn nhất Thừa Thiên Huế là Bình Điền và Hương Điền đồng loạt tăng lượng xả lũ khiến hạ nguồn ngập lụt