“Đốm lửa hồng” giữa núi rừng Pắc Bó

(PLO) - Ngày 28/1/1941 (mùng 2 Tết Tân Tỵ), từ làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Việt Nam sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. 
Với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt của một lãnh tụ thiên tài, Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách ra đi, để rồi tìm cách trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam trước những bước ngoặt của tình thế đã được Người dự đoán. Ngay sau khi Người về nước, ngày 10/5/1941, giữa rừng núi Pắc Bó, theo sáng kiến của Người, Mặt trận Việt Minh ra đời giữa lúc nhân dân Việt Nam đang rên xiết trong cảnh một cổ hai tròng, vận mệnh dân tộc đang trong cảnh nước sôi lửa nóng.
Bác kêu gọi: "Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập"
 Bác kêu gọi: "Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy
cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết
giành cho được độc lập"
Vang lời kêu gọi 
Ngày 6/6/1941, từ Pắc Bó vang vọng lời kêu gọi “Kính cáo đồng bào” của Bác. Đây là lá thư đầu tiên Người dùng tên gọi Nguyễn Ái Quốc - tên gọi đã trở thành niềm tin của đồng bào cả nước đối với cách mạng.
Với một quyết tâm được xác định rõ trong chương trình của mình “làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân tộc Việt Nam được sung sướng tự do”, Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Sự thành lập và hoạt động của Việt Minh đã trở thành nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Sự ra đời và hoạt động của Mặt trận Việt Minh là kết quả của một tư tưởng cách mạng khoa học, sáng tạo. Đây cũng là một bài học thành công của Đảng ta và Hồ Chí Minh về công tác mặt trận và chiến lược đoàn kết dân tộc trong cách mạng Việt Nam. Trong suốt một thập kỷ, mọi thắng lợi của dân tộc, nhân dân ta đều gắn với hai chữ Việt Minh. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, trong tập hồi ký “Ánh sáng mới từ Pắc Bó - Đầu nguồn” viết: “Hai chữ Việt Minh trong một thời kỳ dài làm nức lòng đồng bào cả nước. Hai chữ Việt Minh còn mãi trong lịch sử chói lọi nét vàng son”.
Từ những chặng đầu tiên trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của mình, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức rõ con đường tiến lên của cách mạng Việt Nam là con đường bạo lực cách mạng vô sản. Bởi, độc lập tự do không thể cầu xin mà có... 
Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cần phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền. Quan điểm đó xuyên suốt trong cả quá trình Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 cũng là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển hoàn thiện tư tưởng Hồ Chí Minh về vũ trang khởi nghĩa ở Việt Nam. 
Đó là cuộc khởi nghĩa vũ trang giành độc lập dân tộc do toàn thể dân tộc tiến hành. Phương thức tiến hành khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa đã được Hồ Chí Minh nêu lên từ sớm: “Ở các nước Âu Mỹ, cuộc khởi nghĩa thường bắt đầu từ các cuộc đấu tranh chính trị rồi mới tiếp đến các cuộc vũ trang bạo động. Ở Đông Dương ta, khởi nghĩa có thể bùng ra ở một vài nơi rồi lan dần khắp nước. Khởi nghĩa có thể bùng ra ở nơi nhiều núi rừng tiện cho việc đánh du kích”.
Từ Pắc Bó, đốm lửa hồng được Bác nhen nhóm đã bùng lên thành cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất.
Từ Pắc Bó, đốm lửa hồng được Bác nhen nhóm đã bùng lên
thành cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất.
Đuổi kẻ thù chung
Sau khi Bác Hồ về nước, trong những năm 1941-1944, những đội du kích, đội tự vệ được xây dựng ở nhiều xã, nhiều huyện thuộc tỉnh Cao Bằng. Những trung đội cứu quốc quân 1, 2, 3 - lực lượng vũ trang cách mạng được duy trì sau  cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn tiếp tục được củng cố. Đây là lực lượng nòng cốt hỗ trợ cho phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng đang dâng cao, đặc biệt trong các tỉnh thuộc khu giải phóng Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên. 
Trong khí thế đang lên của phong trào cách mạng, tháng 5/1944 Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị “Về sửa soạn khởi nghĩa”. 
Tháng 10/1944, Trung ương Đảng lại ra lời kêu gọi “Sắm vũ khí đuổi thù chung”. Các địa phương ra sức củng cố xây dựng lực lượng vũ trang, tìm kiếm vũ khí, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền... Phong trào chuẩn bị khởi nghĩa sôi nổi lan rộng.
Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ những bước phát triển của lực lượng vũ trang và việc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa phải phù hợp với sự phát triển của tình thế cách mạng. Vấn đề quan trọng nhất là phải có đường lối chiến lược và sách lược cách mạng đúng đắn, phải chuẩn bị lực lượng đầy đủ, tạo thời cơ và nắm vững thời cơ để khi thời cơ đến có thể nhanh chóng huy động lực lượng chớp thời cơ, giành thắng lợi. 
Đến tháng 7/1945, phát xít Đức và Ý đã bại trận trên chiến trường châu Âu, còn ở châu Á, phát xít Nhật đang trên đường thất bại và sụp đổ. Dù đang ốm nặng giữa rừng Tân Trào, Hồ Chí Minh vẫn chỉ thị: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. 
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của sự kết  hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa phát triển phong trào quần chúng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị lực lượng chính trị và nhạy bén chớp thời cơ phát động toàn dân đứng dậy tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Nhóm ngọn lửa Cách mạng 
Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo Cách mạng Việt Nam cũng mang về những nhận định mới về tình hình thế giới và đề ra sách lược đối ngoại cho cách mạng Việt Nam. Là chiến sĩ cách mạng có kinh nghiệm hoạt động quốc tế lâu năm, luôn luôn theo dõi sát những diễn biến của tình hình, Nguyễn Ái Quốc có những nhận định quan trọng về tình hình thế giới cũng như đề ra những quyết sách cho cách mạng Việt Nam trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ II lan rộng.
Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Cuộc chiến tranh này gây ra nhiều tai họa cho nhân loại nhưng nó sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó mà cách mạng nhiều nước sẽ thành công”. Khi các kẻ thù của dân tộc lao vào cuộc chiến tranh sẽ tạo những cơ hội quý báu cho công cuộc giải phóng của nhân dân Việt Nam. Người cũng truyền đạt và bồi dưỡng những nhận thức về tình hình quốc tế cho nhiều cán bộ trong các lớp bồi dưỡng chính trị cấp tốc, truyền cho họ sự tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, thắng lợi của cách mạng các nước thuộc địa và cách mạng thế giới nói chung.
Nguyễn Ái Quốc đã đặt cách mạng Việt Nam trong bối cảnh chung của cuộc đấu tranh của toàn nhân loại chống chủ nghĩa phát xít. Nguyễn Ái Quốc tìm cách đặt mối liên hệ với đồng minh cho cách mạng Việt Nam để cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam hòa nhập trong cuộc đấu tranh chung của toàn nhân loại. 
Người cũng là đầu mối trực tiếp trong nhiều mối quan hệ với các nước đồng minh để cách mạng Việt Nam có cơ hội nhận được những sự giúp đỡ trực tiếp bằng vật chất cho cuộc kháng Nhật cứu nước, nhưng điều quan trọng hơn là tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập trên trường quốc tế sau này. Hồ Chí Minh đã thiết lập được những mối quan hệ với các lực lượng chống Nhật ở Trùng Khánh, với các cơ quan quân sự và tình báo Mỹ ở Côn Minh... Các đội du kích cách mạng ở Cao Bằng cũng đã nhận được những sự hỗ trợ về vũ khí, về phương tiện thông tin liên lạc và sự huấn luyện của một số chuyên gia quân sự đồng minh. 
Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn chú ý đến việc mở rộng cánh cửa để cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới, để cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là một bộ phận của cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì hòa bình và những giá trị nhân đạo.
Nhiều nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã thống nhất nhận định rằng: Hồ Chí Minh là một lãnh tụ luôn xuất hiện đúng lúc tại những thời điểm lịch sử mang tính bước ngoặt. Sự kiện Người trở về Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng vào mùa xuân năm 1941, sau những năm dài tìm đường cứu nước, cũng là một sự kiện như vậy./.

Đọc thêm