Trong đội hình của Quân đoàn có ba sư đoàn bộ binh 10, 316, 320A và các đơn vị binh chủng là Trung đoàn 675 Pháo binh, 312 Phòng không, 198 đặc công, 273 Xe tăng, 545 Công binh, 29 Thông tin. Các đơn vị đều có nhiều năm gắn bó với chiến trường Tây Nguyên, lập nhiều chiến công xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Quân ta tiến vào giải phóng Quân cảng Cam Ranh |
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngay sau khi thành lập, Quân đoàn 3 sử dụng một bộ phận cùng các lực lượng của mặt trận Tây Nguyên chia làm ba mũi, nhanh chóng phát triển tiến công về hướng đồng bằng ven biển miền Trung theo các trục đường số 19, số 7, số 21, phối hợp với các lực lượng vũ trang Quân khu 5 tiêu diệt và làm tan rã lực lượng còn lại của Quân đoàn 2 quân đội Sài Gòn.
Mũi thứ nhất trên đường 19 tiến xuống Bình Định. Tại đây, Sư đoàn 3 Quân khu 5 đang hoạt động trên đường 19 và lực lượng địa phương Bình Định nhanh chóng phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, tiêu diệt căn cứ An Khê ngày 23/3. Sau đó, kết hợp với Sư đoàn 968 và Trung đoàn 95A cũng từ Tây Nguyên tiến xuống, ngày 31/3 đánh một trận lớn từ Phú Phong đến sân bay Gò Quánh -Bình Định, tiêu diệt phần lớn Sư đoàn Bộ binh 22 quân đội Sài Gòn lúc chúng đang hoảng loạn, không còn sức chiến đấu, giải phóng phần lớn các huyện Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Bình Khê; vây ép địch ở Tam Quan, Bồng Sơn, Phù Mỹ.
Lực lượng còn lại của Sư đoàn 22 sau đó bị các lực lượng vũ trang địa phương Bình Định kết hợp với quần chúng nổi dậy, làm tan rã hoàn toàn. Nhân đà thắng lợi, ngày 1/4 Trung đoàn địa phương tỉnh Bình Định kết hợp với quần chúng nổi dậy và tiến công, giải phóng thị xã Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hoàn toàn giải phóng. Các sư đoàn kịp thời chấn chỉnh lực lượng, được các đơn vị địa phương và nhân dân giúp đỡ vật chất và phương tiện vận chuyển, tiếp tục phát triển theo dọc quốc lộ 1 tiến về thị xã Nha Trang, Cam Ranh và Phan Rang.
Mũi thứ hai trên đường số 7 tiến xuống Tuy Hoà (Phú Yên). Sau khi để lại một bộ phận cùng lực lượng địa phương tỉnh Phú Yên diệt nốt cụm địch ở phía Nam sông Ba và lùng quét tàn binh địch, đại bộ phận lực lượng Sư đoàn 320 nhanh chóng phát triển xuống đồng bằng tỉnh Phú Yên. Ngày 1/4, Sư đoàn 320 nổ súng tiến công thị xã Tuy Hoà.
Địch trên toàn tỉnh Phú Yên hoang mang cao độ, nhưng trước nguy cơ bị tiêu diệt, chúng vẫn ra sức tập hợp số tàn quân ở Tây Nguyên chạy thoát về và lực lượng tại chỗ gồm 11 tiểu đoàn bộ binh, 3 đại đội bảo an lẻ, 1 chi đội thiết giáp, Ban Chỉ huy tiểu khu Phú Yên, Ban Chỉ huy Liên đoàn 21 mới khôi phục và toàn bộ lực lượng ác ôn, cảnh sát ở các quận lỵ, thị xã.
Lúc này, quân đội Sài Gòn phái Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm - Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 - ra thị xã Tuy Hoà động viên, trấn an binh lính và củng cố phòng ngự. Địch tổ chức thành các cụm lớn trên nhiều tuyến ở các quận lỵ, các điểm cao xung quanh thị xã, có hải thuyền, tàu chiến ngoài biển trực tiếp chi viện. Tuy nhiên, vì đã bị thua quá lớn nên tinh thần binh lính địch đều suy sụp, không sao gượng dậy nổi.
Sẵn sàng đối chọi
Quán triệt tư tưởng tích cực tiến công, nhân đà quân địch hoang mang, ta dùng cách đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng, tiến công địch trong hành tiến, phát triển nhanh là chính song vẫn chuẩn bị tốt mọi mặt để kiên quyết đánh thắng địch nếu chúng co cụm chống lại ta. Từ 6 giờ 30 phút đến 15 giờ ngày 1/4/1975, Sư đoàn 320 phối hợp chặt chẽ với lực lượng địa phương của tỉnh và quần chúng nổi dậy tiến công địch, làm chủ hoàn toàn thị xã Tuy Hoà, quận lỵ Tuy Hoà I, quận Tuy An và khu vực từ quận Hiếu Xương đến Đèo Cả.
Trong trận đánh vào thị xã Tuy Hoà, địch cho máy bay lồng lộn bắn phá, cho pháo binh bắn không tiếc đạn để yểm hộ cho các lực lượng cơ động ngăn chặn ta từ xa. Nhưng mũi tiến công bằng hiệp đồng binh chủng của sư đoàn vẫn tiến như vũ bão, chọc thẳng vào mục tiêu then chốt và cơ quan chỉ huy đầu não của địch, đồng thời kết hợp nhịp nhàng các hành động thọc sâu, vu hồi, đánh vào sườn và phía sau quân địch, làm cho chúng trở tay không kịp.
Những tên sống sót phải tự phá vỡ đội hình xô nhau chạy tán loạn, có tên leo được lên tàu xuồng nhưng cũng không ít tên rơi xuống biển. Những tên không chạy được đều bị quân và dân ta tóm gọn, trong đó có cả Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm.
Trong khi mũi thứ nhất tiến công kết hợp với nổi dậy, mũi thứ hai tiến công trong hành tiến thế như chẻ tre thì mũi thứ ba trên hướng đường 21, Sư đoàn 10 còn đang sung sức đã tiến xuống tiêu diệt Lữ đoàn Dù số 3 và Trung đoàn 40 quân đội Sài Gòn án ngữ đèo Phượng Hoàng, giải phóng quận lỵ Khánh Dương, tỉnh Khánh Hoà, thị xã Nha Trang và Quân cảng Cam Ranh.
Khi Lữ đoàn Dù số 3 quân đội Sài Gòn lên đường 21 thì quân ta đã uy hiếp Khánh Dương và truy sát gót bọn tàn quân của Sư đoàn 23 chạy lên đèo Ma-đrắc-Phượng Hoàng. Thế là vừa ra quân, địch đã sa vào thế cô lập, không còn một lực lượng nào của Quân đoàn 2 hỗ trợ.
Tâm lý thất bại làm cho Lữ đoàn Dù số 3 vốn tinh thần đã nao núng nay lại càng sa sút nghiêm trọng. Song vốn là “con cưng” của quân đội Sài Gòn, lúc ra quân chúng thường được bọn chỉ huy động viên và chi viện cho hoả lực tối đa, mặt khác quân số còn đông nên chúng vẫn có chỗ dựa để ngoan cố hơn bọn khác.
Lên đường số 21, địch dùng ngay thủ đoạn cũ, lập tức chiếm đèo Ma-đrắc-Phượng Hoàng, dựa vào các chốt bảo an có sẵn, tích cực đào công sự, xây dựng các trận địa hoả lực và co cụm để ngăn chặn quân ta, đồng thời dùng chiến thuật mạng nhện, di tản đến phân đội nhỏ, từng tiểu đội, trung đội, có xe tăng nằm sâu sang hai bên đường đèo.
Phát hiện và nghi ngờ quân ta tiến công trên hướng nào đó là chúng lập tức dùng hoả lực mạnh của máy bay, pháo binh bắn sát thương rồi cơ động quân di tản đến ngăn chặn. Nhưng khốn thay, các thủ đoạn đó chẳng đưa lại cho chúng một kết quả nào. Bởi lẽ địa hình ở đây hiểm trở, đường đèo độc đạo, ta lại có kinh nghiệm của thế thắng, với lối đánh tập trung sức mạnh các binh chủng hiệp đồng, đặc biệt là nghệ thuật tập trung rất cao vào lúc có thời cơ xuất hiện.
Tình hình trên buộc địch phải tuân theo cách đánh của ta, phải rải quân rất rộng, bố trí đã phân tán lại kéo dài khoảng 30km trên hai trục đường 21, lộ ra thế ngăn chặn với chính diện hẹp, sườn hở, tung thâm mỏng, lực lượng phản kích nhỏ.
Bão táp tiến công
Sau khi ta giải phóng Khánh Dương, Sư đoàn 10 được lệnh tiếp tục tiến công ngay vào tuyến Lữ đoàn Dù số 3 để mở đường phát triển xuống giải phóng Khánh Hoà, Nha Trang. Sư đoàn tổ chức tiến công với quyết tâm: tập trung lực lượng toàn Sư đoàn được tăng cường Trung đoàn 25, cùng các binh chủng phối thuộc kiên quyết tiêu diệt gọn quân địch gồm Lữ đoàn Dù, Chi đoàn 2 Thiết giáp, 32 khẩu pháo 105 và 155mm, trung bình được 70-80 lần chiếc máy bay chi viện trong thời gian từ 3-7 ngày, bằng cách bao vây chặt toàn bộ đội hình lữ đoàn địch, khoá chặt phía sau, biến địa hình hiểm trở thành thế lợi cho ta để tiêu diệt địch.
Trên cơ sở thế trận đã bao vây chặt, hướng chính diện tập trung sức mạnh của các binh chủng kỹ thuật như xe tăng, pháo binh, cao xạ cùng bộ binh đột phá, tiêu diệt từng tiểu đoàn địch, đồng thời hai bên sườn và sau lưng dùng lực lượng trang bị tinh và nhẹ, xẻ đường, xuyên rừng, thọc sườn đánh hiểm, tiêu diệt và khống chế các trận địa pháo binh rồi tiến công ngay vào các bộ phận chỉ huy, cơ quan đầu não của chúng.
Trong quá trình tiến công, thế trận của Sư đoàn được bổ sung hoàn chỉnh bằng các lực lượng dự bị theo sát đội hình. Do đó trận đánh được tiến hành với hiệu suất cao, chỉ trong ba ngày, từ 29/3-1/4, ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ Lữ đoàn Dù số 3 cùng các đơn vị tăng cường, thu và phá huỷ toàn bộ vũ khí, trang bị của chúng.
Thừa thắng, ngay trong ngày 2/4 ta lập tức tiến thẳng xuống giải phóng thị xã Nha Trang. Sau đó, 12 giờ 30 phút ngày 3/4 giải phóng Quân cảng Cam Ranh. Vùng giải phóng trên địa bàn của mũi thứ ba nối liền ngay với địa bàn của hai mũi phía bắc, hình thành một khu vực đồng bằng ven biển hoàn chỉnh.
Tại đây, Sư đoàn 10, được sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân vùng giải phóng, ngày 10/4 đã kịp thời cơ động sang hướng Sài Gòn và bàn giao lại Trung đoàn 25 cho Sư đoàn 3 Quân khu 5 hiệp đồng cùng Quân đoàn 2 giải phóng thị xã Phan Rang.
Trong thời gian này, phối hợp với chiến dịch Tây Nguyên, quân và dân ta đã tích cực, chủ động đánh địch trên khắp các mặt trận. Đặc biệt, cao trào tiến công và nổi dậy đã dâng lên mạnh mẽ ở các tỉnh ven biển miền Trung Trung bộ. Trước bão táp tiến công và nổi dậy của quân và dân ta, toàn bộ lực lượng còn lại của Quân đoàn 2 quân đội Sài Gòn tan rã và đã bị xóa sổ.
Lúc này, ba cánh quân chủ lực của ta từ Tây Nguyên đã tràn xuống đồng bằng. Các tỉnh, thành phố còn lại thuộc vùng Quân khu 2 được giải phóng với nhịp độ dồn dập: Ngày 2/4 tỉnh Lâm Đồng với thị xã Bảo Lộc; từ ngày 2- 3/4, tỉnh Khánh Hoà với thành phố Nha Trang và Quân cảng Cam Ranh. Trước đó ngày 24/3, tỉnh Quảng Đức với thị xã Gia Nghĩa đã được giải phóng. Địch vội vàng sáp nhập hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào Quân khu 3 với ý đồ tăng cường phòng thủ Sài Gòn từ xa.
Như vậy, sau một tháng liên tục tiến công, từ 4/3- 3/4/1975, ta đã tiêu diệt và làm tan rã hai quân đoàn, gồm 35% sinh lực địch, tiêu diệt 40% lực lượng binh chủng kỹ thuật, thu và phá huỷ 43% cơ sở vật chất kỹ thuật của chúng, giải phóng 12 tỉnh từ Trị Thiên đến Khánh Hoà và toàn bộ Tây Nguyên thuộc hai quân khu 1 và 2 của địch.
Con đường tiến về Sài Gòn theo hai hướng chiến lược từ Tây Nguyên và từ ven biển Trung bộ đã rộng mở. Ở phía Bắc, Đông Bắc và Tây Nam Sài Gòn, Quân đoàn 4, Đoàn 232 và lực lượng vũ trang các quân khu cũng đang từng bước đưa lực lượng áp sát thành phố. Quân đội ta đứng trước thời cơ trực tiếp, cùng toàn dân tiến hành trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc chiến tranh…