|
Cơ sở sản xuất hàng cơ khí của gia đình anh Bùi Viết Hùng, xã Quang Trung (Vụ Bản) tạo việc làm cho 15 lao động, thu nhập 3-3,5 triệu đồng/người/tháng . |
Mô hình kinh tế tổ hợp tác phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế, những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã từng bước chuyển đổi một số diện tích cấy lúa hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi trồng thủy sản như: nuôi tôm càng xanh, cá diêu hồng, cá vược, cá lóc bông, cá chim trắng… cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đây, các mô hình tổ hợp tác (THT) đã ra đời tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao năng lực sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững. Điển hình như THT nuôi trồng thủy sản xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); Phú Lễ, xã Hải Châu (Hải Hậu); Hiệp hội nuôi ngao xã Giao Xuân (Giao Thủy)…
THT nuôi thủy sản xã Nghĩa Bình được hình thành trên tinh thần tự nguyện theo nhu cầu cần hợp tác của các hộ nuôi thủy sản trên vùng chuyển đổi từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi cá lóc bông. Kết quả từ việc hợp tác “chung mua - chung bán” đã giúp các thành viên định hướng được sản xuất, chủ động con giống bảo đảm chất lượng, bảo vệ môi trường nước trong quá trình nuôi, hạn chế dịch bệnh - ổn định mở rộng thị trường tiêu thụ, hạn chế tình trạng “tranh mua, tranh bán”… nên hiệu quả kinh tế thu được cao hơn. Năm 2010, tổng sản lượng của THT thu được trên 400 tấn, giá trị gần 12 tỷ đồng. Hội nuôi nhuyễn thể huyện Giao Thủy được thành lập từ tháng 10-2010, với 116 hội viên. Nhờ mối liên kết chặt chẽ giữa các hộ nuôi nên ý thức thực hiện những cam kết trong hoạt động sản xuất, cách tổ chức nuôi đã được nâng cao, chất lượng sản phẩm ngao “Giao Thủy” đã được nâng lên, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngoài những loại hình THT trên, ở tỉnh ta còn có một số mô hình THT khác như: Hội nuôi ba ba, Hội nuôi cá sấu, Câu lạc bộ chăn nuôi lợn…, tập trung ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Việc hình thành và phát triển THT hoặc các hội, hiệp hội không chỉ có ý nghĩa to lớn về kinh tế mà còn có những tác động tích cực về mặt xã hội. Các THT hình thành và hoạt động dựa trên cơ sở tận dụng nguồn lực về tài nguyên, nguồn nguyên liệu tại chỗ và lực lượng lao động địa phương dồi dào (lao động thường xuyên cũng như lao động mùa vụ)… Thông qua đó, người lao động có điều kiện tham gia vào quá trình phân công lao động xã hội và hưởng lợi từ các thành quả phát triển kinh tế. Chính điều này đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho các hộ thành viên ở địa phương, đồng thời tạo tiền đề cho cung cách làm ăn mới trên cơ sở trợ giúp lẫn nhau.
Tạo điều kiện để mô hình hoạt động hiệu quả
Về nguyên tắc tổ chức hoạt động và thủ tục thành lập, mô hình THT ở tỉnh ta được hình thành trên cơ sở Hợp đồng hợp tác của từ 3 cá nhân trở lên, có chứng thực của UBND cấp xã, phường, thị trấn. Các thành viên tham gia THT, hội, hiệp hội cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và chịu trách nhiệm về hoạt động của tổ trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi; cùng nhau chia sẻ rủi ro, góp phần nâng vị thế của người lao động. Hơn nữa, từ các THT, khi cần thiết có thể chuyển đổi hình thức kinh doanh, mô hình sản xuất rất thuận lợi, nhanh chóng.
Để tạo điều kiện cho THT hình thành và phát triển, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích. Ngày 10-10-2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 151/2007/NĐ-CP về “tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác”. Ngày 09-7-2008 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 04/2008/TT-BKH “hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác". Đây là hành lang pháp lý cho sự tồn tại và phát triển của THT, các đơn vị kinh tế tập thể trong giai đoạn hiện nay. Theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP, quyền lợi của THT được lựa chọn ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm, hoạt động không giới hạn theo phạm vi hành chính địa phương nơi THT chứng thực Hợp đồng hợp tác; trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu hoặc liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; được mở tài khoản riêng tại ngân hàng… THT còn được hỗ trợ thông tin, tư vấn kiến thức về kế hoạch hoạt động, xây dựng nội dung Hợp đồng hợp tác, xác định tên, biểu tượng, hoàn thiện các thủ tục để thành lập THT… Bên cạnh đó, Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ cũng có một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác… Nghị định số 151/2007/NĐ-CP và Thông tư số 04/2008/TT-BKH cũng quy định cụ thể các nội dung hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với THT như: hỗ trợ thành lập mới cho các cá nhân có nhu cầu thành lập mới THT; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng tổ trưởng THT cho các tổ sau khi Hợp đồng hợp tác của tổ được chứng thực hoặc chứng thực lại./.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn