- Tình hình phát triển nhà chung cư trong những năm gần đây ở nước ta như thế nào, thưa Cục trưởng?
- Từ năm 1992 trở về trước, nhà chung cư được Nhà nước đầu tư xây dựng, phân phối, bố trí cho thuê để ở đối với cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang và một bộ phận dân cư đô thị. Quỹ nhà chung cư cũ này tập trung chủ yếu ở 4 thành phố lớn : Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh với số lượng hơn 80.000 căn. Việc quản lý sử dụng những nhà chung cư cũ phần lớn dựa trên hình thức tự quản, cơ quan quản lý nhà chỉ thực hiện phần bảo trì nhà ở, tuy nhiên do kinh phí thiếu nên công tác bảo trì gần như không được chú trọng, nhiều nhà chung cư xuống cấp nghiêm trọng. Mặt khác, do nhu cầu tăng diện tích nhà ở các gia đình đã tự ý xây dựng, cơi nới làm phá vỡ cảnh quan, quá tải về hạ tầng kỹ thuật và gây ô nhiễm môi trường. Những vấn đề đó gây bức xúc trong những người dân sống ở những NCC cũ
Tòa chung cư cao cấp Thời đại mới trên đường Văn Cao đang được thi công. Ảnh: Trường Giang |
Sau khi Pháp lệnh Nhà ở có hiệu lực thi hành (năm 1992), Nhà nước thực hiện chính sách phát triển nhà ở, trong đó có nhà chung cư theo hướng xóa bỏ bao cấp về nhà ở và thực hiện chính sách tạo điều kiện cho người dân tự tạo lập về chỗ ở. Theo tính toán, trong gần 20 năm qua có khoảng 270.000 căn hộ chung cư được xây mới và đưa vào sử dụng. Một trong những vấn đề mà chính quyền đô thị luôn phải giải quyết là sử dụng quỹ đất ở tiết kiệm, hiệu quả. Đối với lĩnh vực phát triển nhà ở, phát triển NCC nhiều tầng đang là xu thế tất yếu. nhà chung cư mới tạo nên diện mạo khang trang, hiện đại cho khu đô thị nói riêng và các thành phố nói chung. Sở dĩ nhà chung cư mới được khẳng định và phát triển mạnh mẽ, một phần là do công tác thiết kế, thi công và trang bị các thiết bị hiện đại, một phần quan trọng khác là các chủ đầu tư đã xây dựng mô hình quản lý vận hành và cung cấp dịch vụ đồng bộ, thuận tiện cho các cư dân sống trong nhà chung cư, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh, chi phí phù hợp, từ đó thu hút các tầng lớp dân cư đô thị chấp nhận sống trong các nhà chung cư nhiều tầng mới.
- Trên thực tế người dân sống tại một số khu chung cư vẫn gặp nhiều phiền toái, vậy đâu là nguyên nhân ?
-Cùng với sự phát triển nhà chung cư, trong quản lý nhà chung cư nảy sinh một số vướng mắc, bất cập. Thực tế đã xảy ra tranh chấp liên quan đến phần sở hữu chung và sở hữu riêng trong các nhà chung cư nhiều tầng, cũng như chưa có sự thống nhất trong việc thu kinh phí vận hành, bảo trì nhà chung cư gây bức xúc cho các hộ dân tại một số nơi. Nhiều nhà chung cư vẫn chưa thành lập ban quản trị hoặc có thành lập nhưng chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật nên công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư còn lúng túng, tùy tiện. Mặt khác, mô hình tổ chức, quản lý, sử dụng nhà chung cư theo Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Quyết định 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng tuy phù hợp với loại nhà chung cư thương mại nhưng chưa phù hợp với một số loại nhà chung cư như chung cư cũ, chung cư tái định cư, chung cư thuộc loại nhà ở xã hội phục vụ là sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp.
- Đã có những giải pháp gì tháo gỡ vướng mắc trên thưa Cục trưởng ?
-Nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quản lý sử dụng nhà chung cư , Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23-6-2010 của Chính phủ, trong mục 2, chương 3 quy định rõ về quản lý sử dụng nhà chung cư như : quy định sở hữu chung, riêng; quản lý vận hành và kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư . Đồng thời, nhằm tăng cường quản lý sử dụng nhà chung cư, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật trong đó có Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD theo hướng quy định cụ thể vị trí, vai trò chức năng của chủ đầu tư, ban quản trị và các chủ sở hữu trong nhà chung cư .
-Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng !.
Quốc Khánh (thực hiện)