Phát triển nuôi trồng thủy sản: Loay hoay với bài toán quy hoạch (Kỳ cuối)

Năm 2005, thành phố yêu cầu ngành thủy sản thực hiện “đề án rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành thủy sản Hải Phòng giai đoạn 2010, định hướng đến năm 2020”. Tuy nhiên, do triển khai chậm nên khi chưa công bố thì quy hoạch đã lạc hậu.

Năm 2005, thành phố yêu cầu ngành thủy sản thực hiện “đề án rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành thủy sản Hải Phòng giai đoạn 2010, định hướng đến năm 2020”. Tuy nhiên, do triển khai chậm nên khi chưa công bố thì quy hoạch đã lạc hậu. Từ đó đến nay, quy hoạch thủy sản gần như bỏ lửng…Yêu cầu một quy hoạch thủy sản bền vững, có tầm nhìn xa nhưng phù hợp với thực tế đang rất cấp thiết.

 

Khu nuôi tôm công nghiệp tại xã Phù Long (Cát Hải) được đầu tư quy mô khá lớn, hiện đại, sản lượng dự kiến đạt 350 tấn tôm trong năm 2010 Ảnh: Phương Duy

Khu nuôi tôm công nghiệp tại xã Phù Long (Cát Hải) được đầu tư quy mô khá lớn, hiện đại, sản lượng dự kiến đạt 350 tấn tôm trong năm 2010

Ảnh: Phương Duy

Cần tầm nhìn xa, sát thực tế

 

Có thể thấy, quy hoạch các vùng nuôi thuỷ sản của thành phố hiện đều gặp khó khăn trong triển khai thực hiện. Nơi thay đổi quy hoạch, dành đất cho công nghiệp, đô thị, nơi thì bị người nuôi trồng thủy sản phá vỡ quy hoạch. Phần lớn, quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản không còn phù hợp, cần sự điều chỉnh khẩn trương, sát thực tế với quy hoạch chung của thành phố. Nhận rõ thực trạng này, năm 2005, thành phố đồng ý để ngành thủy sản phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành “đề án rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành thủy sản Hải Phòng giai đoạn 2010, định hướng đến năm 2020”. Theo đó, có 5 chuyên đề được tập trung rà soát điều chỉnh là nuôi trồng; khai thác; chế biến, xuất khẩu; khuyến ngư và chuyên đề về giống thủy sản. Theo kế hoạch đề ra, cuối năm 2005 đề án này phải hoàn thành.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng đề án quá chậm so với tiến độ đề ra. Đến đầu năm 2006, Vụ chuyên môn mới có thể hoàn thành việc thu thập thông tin cho 5 năm để làm cơ sở điều chỉnh. Sau đó, quá trình hội thảo cấp ngành, thu thập ý kiến bổ sung, hoàn chỉnh đề án trình thành phố thẩm định và xét duyệt đã kéo dài thời gian đến năm 2007. Thời điểm đó, một chuyên gia trong ngành đã bày tỏ lo lắng: “Chỉ cần hoàn thành chậm một năm, có thể chính nội dung mới của đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển cũng sẽ lạc hậu ngay so với thực tế”. Và đúng như những gì dự báo, ngay đầu năm 2007, Chính phủ ra quyết định điều chỉnh quy hoạch không gian phát triển của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2025-2050. Theo đó, hàng loạt  vùng thành phố đang quy hoạch để phát triển nuôi trồng thủy sản đều quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, giao thông, cảng biển. Quy hoạch tổng thể của thành phố thay đổi, đương nhiên quy hoạch thứ cấp (quy hoạch của ngành) cũng phải thay đổi theo cho phù hợp. Như vậy là, ngay ở thời điểm đang rà soát, chưa được nghiệm thu thì đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản đã lạc hậu, không còn phù hợp. Ngành thủy sản lúc đó đã có văn bản đề nghị thành phố cho dừng thực hiện đề án rà soát, điều chỉnh. UBND thành phố đã đồng ý dừng thực hiện đề án này, yêu cầu ngành nghiên cứu xây dựng quy hoạch thủy sản mới cho phù hợp với thực tế. Câu chuyện về quy hoạch thủy sản đã bỏ lửng từ năm 2007 đến đầu năm 2010.

 

Do không nắm được quy hoạch thủy sản sẽ được điều chỉnh như thế nào, trong khi đó, các vùng nuôi thủy sản trọng điểm của thành phố gần như đã bị quy hoạch của các dự án phát triển công nghiệp, đô thị chồng lấn nên người dân và các doanh nghiệp đang đầu tư nuôi thủy sản đều lúng túng, loay hoay tìm hướng đi. Hàng loạt dự án nuôi thủy sản theo hướng công nghiệp dở dang, gây lãng phí lớn.

 

Khẩn trương điều chỉnh và xây dựng mới

 

Ông Đào Viết Thuận, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: “Nhận thấy những bất cập đang đặt ra trong phát triển nuôi thủy sản do không có quy hoạch phù hợp, sát thực tế đi trước một bước, tháng 9- 2010, UBND thành phố đã có 2 quyết định quan trọng về xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản. Đó là việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển nuôi trồng hải sản trên vùng biển Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến 2020 và phê duyệt đề cương xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản Hải Phòng giai đoạn 2015- 2020. Hiện nay, Sở Nông nghiệp- PTNT đang phối hợp với cơ quan chuyên môn tiến hành thu thập tài liệu, hiện trạng thực tế để làm cơ sở xây dựng quy hoạch mới”.

 

Nhiều địa phương cho rằng để có được quy hoạch bền vững, sát thực tế, việc quy hoạch nuôi thủy sản phải trên cơ sở kết hợp với nhiều ngành có liên quan, nếu không rất dễ xảy ra tình trạng là lợi ích của ngành này sẽ “dẫm” lên hoặc chồng chéo lên lợi ích của ngành khác dẫn tới gây lãng phí lớn cho Nhà nước và nhân dân. Thực tế là do thiếu sự liên kết đồng bộ giữa các ngành, nên nhiều vùng quy hoạch thuỷ sản có dự án khác chồng lên nhưng chính ngành thủy sản cũng không biết trước và ngược lại. Những vùng không còn phù hợp để nuôi thủy sản sẽ không đưa vào quy hoạch. Sở Nông nghiệp- PTNT cần đề nghị thành phố phối hợp với các địa phương thông báo dừng quy hoạch thủy sản tại những khu vực này, từng bước hướng dẫn người dân và các doanh nghiệp chuyển nghề, không nên tiếp tục đầu tư hay nuôi cầm chừng ở những vùng thủy lợi và cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản đã bị phá vỡ bởi các dự án, tránh lãng phí lớn. Những vùng sau khi khảo sát vẫn phù hợp nuôi thủy sản thì có thể tác động kỹ thuật đến các vùng nuôi tập trung để xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và có hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, giúp hình thành những vùng nuôi công nghiệp tập trung có khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và là nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho xuất khẩu…

 

Cùng với xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản mới, thành phố cần tiếp tục thực hiện các dự án nuôi tôm công nghiệp, sau khi tiến hành  kiểm tra, rà soát, đánh giá lại các dự án nuôi thủy sản trên địa bàn, đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn. Sở Nông nghiệp cần đề xuất với thành phố phương án tiếp tục triển khai các dự án còn phù hợp quy hoạch, còn năng lực hoặc thu hút các dự án khác có nguồn vốn lớn, khả thi, có hướng áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào vùng đã được điều chỉnh quy hoạch…

   

Hoàng Yên

Đọc thêm