Phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong công cuộc đổi mới

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, trong đó phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) có vai trò rất quan trọng. Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng chủ trương: Phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên cơ sở đổi mới cơ chế, chính sách để phần lớn sản phẩm KHCN (trừ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phục vụ cơ bản xây dựng đường lối, chiến lược, chính sách phát triển) trở thành hàng hóa. Thông tin rộng rải và tạo môi trường cạnh tranh để các sản phẩm KHCN được mua bán thuận lợi trên thị trường... Phát triển thị trường KHCN là hệ quả của phát triển kinh tế, phát triển của bản thân KHCN và mối quan hệ cung cầu giữa KHCN và sản xuất; phát triển của nhận thức xã hội đối với lực lượng KHCN là một lực lượng sản xuất, đối với thành tựu KHCN là một sản phẩm hàng hoá.

Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sản phẩm, đổi mới công nghệ, hợp lý hoá, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao hiệu quả của các khâu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đổi mới cây trồng, vật nuôi, chuyên canh hoá sản xuất, ... là rất lớn. Thế nhưng, hiện nay nhu cầu ứng dụng tiến bộ KHCN của nhiều doanh nghiệp chưa trở thành cấp thiết trong cạnh tranh. Điều này, trong khu vực kinh tế nhà nước có tác động của cơ chế bao cấp và trong nền kinh tế nói chung có vấn đề bảo hộ hàng nội địa. Các doanh nghiệp Nhà nước không dễ gì đổi mới công nghệ, do không chủ động được vốn; muốn có được vốn vay phải qua nhiều cửa, nên bỏ lỡ mất cơ hội kinh doanh. Các công trình do Nhà nước đầu tư, khi xem xét luận chứng cũng phải qua nhiều thủ tục hành chính, nên các giải pháp công nghệ trong nước, mặc dầu có hiệu quả hơn thường không được chấp nhận. Chế độ bao cấp, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh và nhiều cơ chế, chính sách khác đang gây cản trở cho việc đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học.

 Mức đầu tư bình quân của các doanh nghiệp cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chỉ không quá 0,25% doanh thu, trong khi các nước công nghiệp tỉ lệ này thường là  5-6%, còn các nước phát triển đến 10%; đối với các ngành công nghệ cao, đầu tư cho nghiên cứu-phát triển chiếm từ 10-20% doanh thu. Hiện Việt Nam có trên 110.000 doanh nghiệp.  Qua điều tra 5.000 doanh nghiệp thì kinh phí đầu tư cho nghiên cứu – phát triển, chuyển giao đổi mới công nghệ là 895 tỷ đồng. Trong đó cho hoạt động nghiên cứu – phát triển khoảng 60 tỷ còn lại 835 tỷ là dành cho hoạt động chuyển giao công nghệ.

Những khó khăn thực sự của sản xuất, nhất là các doanh nghiệp quốc doanh thời gian qua chưa bị thúc ép đến chân tường để phải tìm đến KHCN, tìm đến những giải pháp giải quyết triệt để; thay vào đó các doanh nghiệp có thể tìm được những giải pháp đơn giản hơn (giản nợ, xoá nợ...) mà vẫn ung dung tồn tại và "phát triển". Bên cạnh đó, nói về cung của thị trường KHCN, chúng ta có một đội ngũ cán bộ KHCN không nhỏ, một hệ thống tổ chức KHCN về mọi lĩnh vực khoa học, một hệ thống các chương trình, đề tài nghiên cứu KHCN các cấp,… Nhưng kết quả nghiên cứu của ta, phần lớn vẫn còn nằm lại trên bàn các nhà khoa học, kết quả trở thành hàng hoá, trở thành thương phẩm mang tên Việt Nam, công nghệ Việt Nam, sức mạnh kinh tế của Việt Nam vẫn là con số quá nhỏ. Hiện nay chúng ta chưa có thị trường KHCN theo đúng nghĩa đầy đủ (được hiểu là thị trường KHCN hoạt động trên cơ sở pháp lý và được quản lý bằng pháp luật; có điều lệ quản lý thị trường KHCN và hệ thống pháp quy kèm theo nó; có hệ thống tổ chức quản lý và triển khai các hoạt động nghiệp vụ, có hệ thống cơ quan trung gian môi giới dịch vụ được ra đời và hoạt động theo pháp quy thống nhất).   

Điều đáng nói là, chúng ta chưa hình thành hệ thống tổ chức thị trường KHCN hoạt động theo đúng ý nghĩa của nó là có quản lý, có trật tự, trên cơ sở luật pháp mà mới chỉ có các tổ chức có hoạt động liên quan đến môi giới, chuyển giao công nghệ (các trung tâm chuyển giao công nghệ, liên hiệp khoa học - sản xuất...). Chúng ta cũng chưa hình thành hệ thống cơ quan chỉ đạo, quản lý nghiệp vụ, tổ chức trung gian từ trung ương đến các địa phương, ngành - những yếu tố cấu thành khung tổ chức của thị trường KHCN. Chúng ta cũng đã tổ chức các hội chợ triển lãm sản phẩm sản xuất trong nước, trong đó có mặt các sản phẩm mới, công nghệ mới; một số hội chợ thương mại quốc tế... Tuy nhiên các hội chợ này chưa phải là hội chợ giao dịch mua bán công nghệ giữa bên bán và bên mua mà chỉ mang nặng tính trưng bày kết quả hoạt động KHCN để động viên, khen thưởng, không phải nhằm mục tiêu chuẩn hoá thành sản phẩm hàng hoá công nghệ để có thể giao dịch và mua bán.

Nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ còn rất thấp so với đòi hỏi bức bách của kinh thế thị trường và hội nhập kinh tế thế giới hiện nay. Nhiều nhãn hàng của ta bị chiếm đoạt trên thị trường quốc tế, do chúng ta không kịp thời đăng ký, như Vinataba, Cà phê Trung Nguyên, gần đây là của PetroVN… Những quy định trong các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ đều rất chung chung, không rõ ràng, dẫn đến có trong cùng một trường hợp, mỗi người có thể hiểu theo một cách khác nhau. Việc thực thi pháp chế về sở hữu trí tuệ chưa nghiêm minh, xử lý hành chính chưa kịp thời, chưa đúng mức; đội ngũ thực thi các nhiệm vụ này quá yếu. Chưa có cơ chế gắn kết, ràng buộc lợi ích của người sáng tạo, lợi ích người áp dụng thành quả sáng tạo và lợi ích toàn xã hội.

Một khía cạnh quan trọng trong thực thi pháp chế sở hữu trí tuệ là quyền tài sản trí tuệ không có trong truyền thống ở Việt nam. Đây thực sự là một nét thiếu trong văn hoá chúng ta. Người Nhật, Người Hoa và hầu hết xứ sở chịu ảnh hưởng của Nho giáo đã lần lượt biến xứ sở của họ thành xứ sở công nghệ. Người Việt Nam chưa quen tiếp nhận tài sản trí tuệ, chưa biết giữ gìn khai thác và làm giàu bởi thứ tài sản này. Việc cung cấp tài sản trí tuệ phần lớn do Nhà nước đảm nhiệm. Thực sự đã đến lúc hình thành thị trường và xúc tiến các tư duy phát triển thị trường tài sản trí tuệ, và tiến tới để thị trường đó điều tiết hướng phát triển của trí tuệ Việt Nam. Làm ra tài sản trí tuệ trước hết là công việc của toàn xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò quan trọng, chủ chốt trong bảo hộ quyền về tài sản trí tuệ. Đây là chìa khoá tạo lập điều kiện cơ bản, cần thiết cho thị trường KHCN phát triển.

Thực tiễn trên đây phần nào lý giải nguyên nhân thị trường KHCN Việt Nam chưa phát triển. Để có thể phát triển nhanh chóng thị trường KHCN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, trước mắt cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ cơ bản như: Thành lập cơ quan quản lý và xúc tiến thị trừơng KHCN; Bố trí địa điểm cố định và các phiên giao dịch định kỳ cho thị trường KHCN; Định kỳ tổ chức các Hội chợ triển lãm thành quả KHCN; Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên về công tác thị trường KHCN. Thiết lập cơ quan quản lý các hoạt động nghiệp vụ; cơ quan trung gian (môi giới, giao dịch và dịch vụ công nghệ); tổ chức hội chợ giao dịch công nghệ. Đổi mới quản lý và tổ chức hoạt động KHCN gắn với đổi mới quản lý và tổ chức hoạt động kinh tế; đảm bảo sự gắn kết lợi ích của người sáng tạo và lợi ích của các thành phần kinh tế-xã hội. Soát xét lại các cơ chế, chính sách quản lý kinh tế theo hướng sớm thu hẹp bao cấp, giảm độc quyền, giảm chi phí sản xuất, bảo hộ mậu dịch nhằm thúc đẩy cạnh tranh và hội nhập kinh tế, phát triển thị trường KHCN, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá.

Chuyển các tổ chức KHCN thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sang chế độ tự trang trải kinh phí và được hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp, tạo ra một môi trường hoạt động KHCN năng động, gắn với nhu cầu phát triển của sản xuất kinh doanh, gắn hoạt động KHCN với lợi ích của sản xuất và lợi ích của các tổ chức KHCN, của các nhà khoa học. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng, khai thác và phát huy tác dụng của các sáng chế và các giải pháp hữu ích nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá Việt Nam.  Các hoạt động chuyển giao thành tựu KHCN phải tuân theo các nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, công bằng, trung thực theo các thoả thuận trong hợp đồng, tuân thủ pháp luật, bảo vệ lợi ích quốc gia, không được làm phương hại đến lợi ích của cộng đồng và xã hội. Quyền sở hữu trí tuệ trong chuyển giao các thành tựu KHCN được pháp luật bảo hộ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh, giảm đến mức tối đa sự can thiệp hành chính của các cơ quan nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong kinh doanh.

Phấn đấu tiến đến thực hiện nguyên tắc chung là Nhà nước chỉ tài trợ cho những sản phẩm và dịch vụ mà Nhà nước đặt hàng. Chuyển dần trách nhiệm đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp đảm nhận, Nhà nước hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách; đồng thời tạo cơ chế để doanh nghiệp chủ động tìm các nguồn khác nhau để đầu tư vào lĩnh vực này. Cần có nhận thức đúng đắn rằng, trong quá trình phát triển thị trường KHCN, doanh nghiệp là một trong những nhân tố cơ bản và quan trọng nhất quyết định hướng phát triển của công nghệ. Cần có sự tập trung nổ lực của các cấp, các ngành chia sẽ và tháo gỡ để thực sự doanh nghiệp có một môi trường kinh doanh tốt; có sự phối kết hợp năng động và hiệu quả với các tổ chức KHCN (nghiên cứu, đào tạo) để giải quyết những vấn đề về công nghệ đang đặt ra cho doanh nghiệp. 

TS Chu Thái Thành

Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Xã hội, Tạp chí Cộng sản

Đọc thêm