Phát triển văn hoá - thể thao - du lịch phục vụ sự nghiệp đổi mới của tỉnh

Phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ xã hội. Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta không chỉ phát triển kinh tế mà còn phát triển các lĩnh vực văn hoá xã hội, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ văn minh, đó là mục tiêu của CNXH. Phát triển xã hội ở đây không chỉ là chăm lo đến đời sống vật chất mà còn phải chăm lo đến vấn đề văn hoá, dân trí, đạo đức, bản lĩnh, nhân cách con người. Với quan điểm ấy, trong những năm qua, sự nghiệp Văn hoá - Thể thao  - Du lịch (VH-TT-DL) của tỉnh đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân chăm lo, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát triển văn hoá - thể thao - du lịch phục vụ sự nghiệp đổi mới của tỉnh

Đỗ Thanh Xuân

Giám đốc Sở VH-TT-DL

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010) là: "Đẩy nhanh tiến độ tăng trưởng kinh tế, đạt được bước chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất văn hoá và tinh thần của nhân dân". Phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ xã hội. Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta không chỉ phát triển kinh tế mà còn phát triển các lĩnh vực văn hoá xã hội, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ văn minh, đó là mục tiêu của CNXH. Phát triển xã hội ở đây không chỉ là chăm lo đến đời sống vật chất mà còn phải chăm lo đến vấn đề văn hoá, dân trí, đạo đức, bản lĩnh, nhân cách con người. Với quan điểm ấy, trong những năm qua, sự nghiệp Văn hoá - Thể thao  - Du lịch (VH-TT-DL) của tỉnh đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân chăm lo, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chương trình Văn nghệ tổng hợp của ngành VH-TT-DL tại Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ 6.                                                                     Ảnh: Xuân Thu

Những thành tựu đạt được

Trong những năm gần đây, mặc dù cả nước cũng như tỉnh Nam Định gặp nhiều khó khăn về thiên tai, bão lụt, sâu bệnh, những tác động suy thoái kinh tế thế giới, những ảnh hưởng xấu từ mặt trái của cơ chế thị trường, nhưng được sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và sự giúp đỡ có hiệu quả của Bộ VH-TT-DL, ngành VH-TT-DL Nam Định đã phát huy sức mạnh tổng hợp, đoàn kết nhất trí, tăng cường các biện pháp giải quyết kịp thời những vấn đề về quản lý Nhà nước, bộ máy cán bộ. Ngành đã tham mưu tích cực với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách cho đạo diễn, diễn viên, HLV, VĐV, đồng thời huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho ngành. Mặt khác, ngành VH-TT-DL Nam Định tăng cường liên kết, phối hợp với các ngành như MTTQ, các tổ chức đoàn thể, các hiệp hội, các sở, ngành trong tỉnh, các cơ quan Phát thanh - Truyền hình, báo chí để tăng cường đẩy mạnh công tác phát triển sự nghiệp VHTTDL và gia đình trong tỉnh và mở rộng quan hệ với các tỉnh bạn, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo tiền đề thuận lợi cho kế hoạch phát triển ngành trong những năm 2010-2015.

Hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan quản lý của ngành được thống nhất từ tỉnh đến huyện, thành phố và các xã, phường. Công tác quản lý được bảo đảm thông suốt, phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình. Nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh tạo cơ chế thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước. Các phương tiện làm việc được tăng cường, cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch ngày càng được nâng cao chất lượng, đa dạng phong phú về loại hình. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống được chú trọng. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH" và cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai sâu rộng, đạt kết quả đáng mừng. Các ngày hội văn hoá thể thao của các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ… và các lễ hội Đền Trần, Phủ Dầy… được tổ chức thiết thực, hiệu quả, kịp thời động viên tinh thần của nhân dân, góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá lịch sử truyền thống, củng cố khối đại đoàn kết lương, giáo trong tỉnh. Các Luật: Di sản Văn hoá, Du lịch, Thể thao, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai rộng rãi, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức xã hội trong các lĩnh vực mà ngành đang quản lý.

Các Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, Nhà Văn hoá, Thư viện, Phát hành phim - Chiếu bóng, Trung tâm Thông tin - Triển lãm đã làm tốt việc nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tinh thần cho nhân dân. Ngoài ra, các vở diễn của các Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các đội văn nghệ nghiệp dư của các xã, phường, huyện, TP Nam Định là phương tiện cung cấp, chuyển tải thông tin về chính sách của Đảng, Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Phong trào Thể dục thể thao (TDTT) quần chúng phát triển sâu rộng. Đến cuối năm 2009, toàn tỉnh đạt 23% số người tập thể dục thường xuyên. Thể thao thành tích cao cũng có bước phát triển đáng mừng, đóng góp nhiều VĐV vào các đội tuyển quốc gia, đăng cai nhiều giải quốc gia, quốc tế đạt kết quả tốt.

Phòng Văn hoá Thông tin các huyện, thành phố đã, đang được hoàn chỉnh bộ máy và thiết chế văn hoá thể thao. Nhiều huyện và TP Nam Định đã hoàn chỉnh: Phòng Văn hoá Thông tin, Trung tâm VHTT, Ban quản lý di tích, đã giúp cho huyện uỷ, HĐND, UBND các huyện, TP Nam Định quản lý tốt các lĩnh vực chuyên ngành, huy động nhiều nguồn lực xã hội đóng góp xây dựng các thiết chế văn hoá - thể thao - du lịch ở cơ sở.

Những yếu kém

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành VHTTDL Nam Định còn bộc lộ một số yếu kém, tồn tại chưa được khắc phục, những hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước: Sự chưa đồng đều về chất lượng trong các hoạt động văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch chưa khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế mà tỉnh ta có được. Công tác điều hành tổ chức thực hiện, trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao, thiếu sự liên kết đồng bộ. Kinh phí đầu tư cho văn hoá - thể thao còn thấp. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống mặc dù đã có cố gắng nhiều nhưng chất lượng còn hạn chế, còn một số di tích lịch sử, di tích văn hoá bị xâm hại; quản lý lễ hội chưa chặt chẽ, hiện tượng đốt vàng mã còn quá nhiều. Các thiết chế văn hoá còn thiếu, nhất là ở các huyện. Mức hưởng thụ văn hoá của các xã vùng xa còn thấp, chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH" chưa cao. Công tác quản lý Nhà nước có lúc có nơi còn lỏng lẻo, cán bộ chưa đủ cơ cấu loại để đảm trách công việc.

Bên cạnh những yếu tố tích cực, nền kinh tế thị trường còn những mặt trái đã, đang làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác của một số cán bộ cả cấp huyện, TP và cấp sở: Đó là sự lãnh cảm, thờ ơ, hờ hững với công việc, với xã hội, với gia đình và với chính bản thân, trở thành nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của các hoạt động VHTT,DL,GĐ trong tỉnh.

Những giải pháp cơ bản

Để ngành VH-TT-DL Nam Định phục vụ tốt sự nghiệp đổi mới của tỉnh, cần thực hiện tốt những giải pháp đồng bộ mang tính lý luận và thực tiễn:

Một là: Tập trung phấn đấu hoàn thành kế hoạch 2010 năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm (2006-2010) với các chỉ tiêu đã đề ra trong kế hoạch công tác năm 2010. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XVII về kế hoạch phát triển KT-XH tỉnh Nam Định (2006-2010) khắc phục lãng phí trong đầu tư xây dựng và trùng tu di tích, tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá theo NQ 05 của Chính phủ trên các lĩnh vực VH, TT, DL đồng thời đa dạng hoá các hoạt động VH, TT, DL, tăng cường công tác quản lý ngành, hạn chế tiêu cực trong các hoạt động lễ hội như mê tín, dị đoan... tạo môi trường văn hoá lành mạnh.

Hai là: Tập trung triển khai việc tổ chức thực hiện các luật: Luật Du lịch, Luật Di sản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật TDTT, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Thư viện, Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo... và một số luật chuyên ngành khác để các luật đi vào cuộc sống tạo điều kiện cho nhân dân trong tỉnh thực hiện đúng pháp luật, nâng cao mức sống hưởng thụ văn hoá tinh thần cho nhân dân.

Ba là: Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong tỉnh để có các kế hoạch liên tịch trong hoạt động VH, TT, DL. Xây dựng và khai thác hiệu quả các công trình VH, TT, DL. Lập quy hoạch phát triển tổng thể 4 lĩnh vực của ngành quản lý từ tỉnh đến cơ sở. Tổ chức tốt hoạt động VH, TT, DL gắn với các sự kiện xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch thương mại, dịch vụ và tập trung phục vụ tốt các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của tỉnh, của quốc gia trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Bốn là: Toàn ngành tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, của Huyện uỷ, UBND các huyện, TP Nam Định và các ngành hữu quan để tiếp tục triển khai Nghị quyết Hội nghị TW 5 (khoá VIII) của Đảng; quán triệt tư tưởng chỉ đạo "Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội" làm cho văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, vào các cộng đồng nhân dân trong tỉnh. Phối hợp với các ngành các cấp thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH" và "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Tiếp tục quán triệt tinh thần NQ23 của Bộ Chính trị (khoá X) về "Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới" để có nhiều tác phẩm văn học, thơ ca nhạc hoạ ca ngợi quê hương đất nước phục vụ món ăn tinh thần của nhân dân trong tỉnh .

Năm là: Tích cực tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hoá các lĩnh vực VH, TT, DL, chính sách ưu đãi với văn nghệ sỹ, VĐV tài năng. Tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật đào tạo nhiều nghệ sỹ tài năng và VĐV tài năng, đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch Nam Định.

Sáu là: Coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động VH, TT, DL, GĐ như: Kiểm tra lễ hội, văn hoá phẩm, điện ảnh ngoài luồng, karaoke, vũ trường, thông tin quảng cáo sai lệch, góp phần làm lành mạnh cuộc sống tinh thần cho nhân dân trong tỉnh.

Phát triển kinh tế là quan trọng song chính đầu tư phát triển văn hoá xã hội bền vững là động lực nội sinh để thúc đẩy kinh tế phát triển sớm đưa tỉnh Nam Định đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại hoá.

Với tinh thần quyết tâm phát huy thắng lợi đã đạt được khắc phục yếu kém tồn tại, ngành VH-TT-DL Nam Định đón chờ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ có những định hướng đúng đắn cho bước phát triển mới của sự nghiệp Văn hoá - Thể thao và Du lịch trong những năm tới, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của tỉnh./.

Đọc thêm