Phép thử đối với tiến trình hòa giải và dân chủ

Hôm 7-3, người dân Iraq chính thức đi bầu cử để hy vọng về một tương lai hòa bình và hòa giải dân tộc sau 7 năm chìm trong khói lửa chiến tranh và xung đột sắc tộc, kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein. Đặc biệt, cuộc bầu cử lần này lại nằm trong bối cảnh khi chỉ còn 6 tháng nữa là Mỹ rút các lực lượng chiến đấu khỏi quốc gia này và tiến tới rút quân hoàn toàn vào năm 2011. Do đó, cuộc bầu cử thứ hai kể từ sau khi chế độ Hussein sụp đổ này có thể được xem là “phép thử” đối với tiến trình hòa giải và dân chủ ở Iraq.

Hôm 7-3, người dân Iraq chính thức đi bầu cử để hy vọng về một tương lai hòa bình và hòa giải dân tộc sau 7 năm chìm trong khói lửa chiến tranh và xung đột sắc tộc, kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein. Đặc biệt, cuộc bầu cử lần này lại nằm trong bối cảnh khi chỉ còn 6 tháng nữa là Mỹ rút các lực lượng chiến đấu khỏi quốc gia này và tiến tới rút quân hoàn toàn vào năm 2011. Do đó, cuộc bầu cử thứ hai kể từ sau khi chế độ Hussein sụp đổ này có thể được xem là “phép thử” đối với tiến trình hòa giải và dân chủ ở Iraq.

Cử tri Iraq bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở thủ đô Baghdad trong điều kiện an ninh thắt chặt.

Cử tri Iraq bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở thủ đô Baghdad trong điều kiện an ninh thắt chặt.  

Thông cáo báo chí của Liên Hợp Quốc xác định: Các cuộc bầu cử hòa bình sẽ góp phần hòa giải dân tộc tại Iraq. Sự tín nhiệm của cử tri sẽ là một thông điệp mạnh mẽ ủng hộ sự ổn định và thịnh vượng của toàn thể nhân dân Iraq và sẽ tạo ra các tiến bộ chính trị. Theo giới phân tích, người Arập dòng Sunni được cho là sẽ “làm gió đổi chiều” trong cuộc bầu cử này, thay vì tẩy chay nó như cuộc tổng tuyển cử năm 2005. Trong khi đó, dự kiến một người dòng Shiite sẽ giữ vị trí Thủ tướng.

Khác với cuộc bầu cử tháng 12-2005, vốn kết thúc trong xung đột phe phái và bạo lực đẫm máu giữa những người Hồi giáo dòng Shiite và dòng Sunni, kết quả cuộc bầu cử lần này sẽ góp phần giải quyết những vấn đề hệ trọng liên quan đến tương lai của Iraq như sự thống nhất lãnh thổ, hòa giải sắc tộc và tôn giáo, hoàn thiện luật khai thác dầu mỏ, mối tương quan giữa xu hướng tập quyền và phân quyền.

 

Iraq đã đứng trước nguy cơ nội chiến sau khi người Sunni tẩy chay cuộc bầu cử 4 năm về trước để quyền lực rơi vào tay người Shiite. Việc mất quyền điều hành đất nước khiến người Sunni phẫn nộ và các hoạt động nổi dậy cũng theo đó gia tăng. Chính vì thế, lẽ đương nhiên, cuộc bầu cử lần này sẽ là cơ hội để những người Sunni, hiện đang bị lép vế, cải thiện hình ảnh mờ nhạt trên chính trường Iraq.

Với chính lá phiếu của mình, cử tri Iraq hy vọng tình trạng xung đột sắc tộc triền miên ở quốc gia Vùng Vịnh này sẽ chấm dứt, vì chính Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã tuyên bố sẵn sàng liên kết với người Kurd hoặc người Sunni để thành lập một phe đa số trong Quốc hội. Tuyên bố của ông Maliki được xem là cử chỉ đầy thiện chí mà Liên minh Quốc gia Iraq (INA) dành cho các phe phái đối địch.

Người dân Iraq cũng có thể hy vọng vào sự cải thiện tình hình kinh tế của đất nước khi Thủ tướng Maliki cam kết đẩy mạnh phát triển ngành dầu mỏ bằng việc nâng sản lượng khai thác lên 12 triệu thùng/ngày trong vòng 6-7 năm.

Viễn cảnh đó rõ ràng có thể giúp liên minh INA của ông Maliki tranh thủ được tình cảm của các cử tri. Thế nhưng, hy vọng vẫn chỉ là hy vọng, bởi nguy cơ bất ổn vẫn hiện hữu rất rõ trên mảnh đất khói lửa này. Những mâu thuẫn cơ bản trên chính trường và trong xã hội Iraq vẫn chưa được giải quyết.

Chính Đại sứ Mỹ tại Iraq Christopher Hill cũng phải thừa nhận rằng, việc loại trừ các thành viên của đảng Baath ra khỏi đời sống chính trị ở Iraq từ năm 2003 là một sai lầm nguy hiểm, và điều đó đang là nhân tố chính cản trở cuộc tổng tuyển cử thứ hai này.

Lo ngại của Washington hoàn toàn có cơ sở khi bạo lực trước thềm bầu cử có xu hướng gia tăng với nhiều vụ đánh bom gây thương vong lớn. Với tình hình hiện nay, các nhà phân tích nhận định, những xung đột mới trong nội bộ người Iraq có thể bùng phát ngay sau bầu cử liên quan tới việc thành lập Chính phủ liên minh trong tương lai, đe dọa tạo ra khoảng trống quyền lực hậu bầu cử.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 5-3 đã lên tiếng kêu gọi người dân Iraq tham gia cuộc bầu cử Quốc hội và khẳng định sự tham gia đông đảo của cử tri sẽ là một cột mốc quan trọng trong tiến trình hòa giải dân tộc và phát triển chính trị của Iraq. Các lãnh đạo tôn giáo ở Iraq, cả người Hồi giáo dòng Shiite và Sunni đều lên tiếng kêu gọi người dân đi bầu nhằm bảo vệ nền dân chủ ở nước này và bảo đảm cuộc bầu cử không bị gian lận.

Trong khi đó, trước Ủy ban Điều tra độc lập về cuộc chiến ở Iraq, Thủ tướng Anh Gordon Brown chỉ trích kế hoạch không rõ ràng của Mỹ về biện pháp tái thiết, quản lý và điều hành Baghdad thời hậu chiến. Thủ tướng Anh cũng khẳng định, sự ủng hộ của London đối với cuộc xâm lược Iraq do Mỹ cầm đầu năm 2003 là chính đáng, song lỗi là do Mỹ vì nước này đã làm ngơ trước những lời cảnh báo về tình trạng rối loạn và bạo lực ở Iraq sau khi chính quyền của Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị lật đổ.

ĐOÀN LƯƠNG

Đọc thêm