Phát triển bền vững với các trụ cột văn hóa kinh doanh
Tại Hội thảo “Đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời nhấn mạnh: “Làm kinh doanh phải minh bạch, không né tránh pháp luật’.
Theo ông, trước đây, pháp luật chưa hoàn chỉnh và không công nhận việc mua bán, dẫn đến tình trạng những người đi buôn phải né tránh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nhà nước pháp quyền đã thừa nhận bằng pháp lý đối với giới doanh nhân, đây là điều rất đáng mừng.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời. |
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, cách làm của Lộc Trời là xây dựng niềm tin và chữ tín. Không có niềm tin, không có chữ tín thì không thể làm doanh nghiệp, không thể làm thương hiệu. Đồng thời ông cũng cho biết, trong bối cảnh xây dựng kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong chữ tín đó, Lộc Trời có quan điểm là phân phối lại lợi nhuận sao cho hợp lý và đúng đạo lý.
Chia sẻ quan điểm của mình, bà Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cho biết, vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh là phát triển bền vững với sáu trụ cột của văn hóa kinh doanh. Đó là sức mạnh, là nền tảng cho sự thành bại của doanh nghiệp.
“Khi dẫn dắt Tập đoàn TH, việc đầu tiên của tôi là tạo ra một thương hiệu có giá trị và dựa trên giá trị cốt lõi của thương hiệu với tính nhân văn bao trùm. Cùng với đó là tính chuyên nghiệp, tính đột phá, vì doanh nghiệp thì phải có năng suất lao động, chi phí sản xuất hợp lý cùng với chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, phát triển bền vững vẫn là điểm mấu chốt trong hành trình xây dựng thương hiệu với chiến lược sản phẩm dựa trên giá trị cốt lõi”, “nữ tướng” TH cho hay.
Được biết, ngoài ngành sữa, Tập đoàn TH còn đi sâu vào ngành thực phẩm sạch, không chỉ ở khu vực đồng bằng mà còn đi theo lợi thế của Việt Nam với 3/4 là núi đồi và dần hướng tới phát triển hệ sinh thái, làm kinh tế rừng,... trong đó, đặt yếu tố con người và thiên nhiên lên hàng đầu.
Bà Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH. |
“Chúng tôi có định hướng phát triển bền vững Tập đoàn TH trên sáu trụ cột bao gồm: dinh dưỡng sức khoẻ, môi trường, cộng đồng, giáo dục, phúc lợi con người, động vật. Trong đó, con người là trọng tâm nhưng vẫn đề cao bảo vệ môi trường, áp dụng khoa học công nghệ trong cùng khoa học quản trị đan xen. Nếu tách rời các yếu tố thì chi phí sản xuất cũng không được bảo đảm, khi các tiêu chí gắn liền với nhau giúp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tốt, sau đó mới là hài hòa lợi ích” - bà Thái Hương cho biết thêm.
“Truyền lửa” cho thế hệ doanh nhân mới
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, ông Phạm Đình Đoàn là người được biết đến với rất nhiều trăn trở về thế hệ doanh nghiệp. Theo ông, cùng với sự phát triển của đất nước sau 30 năm đổi mới, thế hệ doanh nhân (F1) đã không ngừng lớn mạnh. Hiện nay, thế hệ kế nghiệp (F2) đang tiếp nối sự nghiệp kinh doanh của các doanh nghiệp.
“Đây là thế hệ năng động, được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, chúng tôi không phải không có lo lắng về thế hệ F2. Làm thế nào để F2 phát triển tốt hơn nền tảng kinh doanh, hạ tầng, trong đó có nền tảng đạo đức mà thế hệ F1 đã dày công xây dựng”, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ.
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, ông Phạm Đình Đoàn. |
Theo ông Phạm Đình Đoàn, thế hệ F1 đã góp phần vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ qua, nhưng thế hệ F2 có vai trò quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển tăng tốc. Để đạt được mục tiêu này, nền tảng đạo đức rất quan trọng.
“Tôi cho rằng, lâu nay chúng ta nhắc nhiều đến đạo đức doanh nhân tưởng chừng như cao xa, nhưng thực chất đạo đức là một phần không thể thiếu của mỗi doanh nhân cũng như là kiến thức, khát vọng, niềm tin… Đây là những tài sản của doanh nhân. Nói đến doanh nhân là nói đến người có đạo đức vì đại diện cho một vài chục, một vài trăm, một vài ngàn lao động, mỗi doanh nhân phải gương mẫu, tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật”, lời ông Đoàn.
Được biết, Phú Thái có nhiều hoạt động mở rộng, trong đó có 8 - 9 công ty liên doanh với các tập đoàn nước ngoài. Các tập đoàn này yêu cầu Phú Thái và cá nhân người đứng đầu phải cam kết về liêm chính, cam kết tuân thủ pháp luật.
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái bày tỏ mong muốn VCCI phát động chương trình doanh nhân cống hiến, đồng hành cùng kinh tế Việt Nam. Đằng sau sự cống hiến của doanh nhân là việc tuân thủ pháp luật. Chương trình này chính là khởi động xây dựng đạo đức doanh nhân cho thế hệ cho thế hệ mới trong 30 năm kế tiếp để Việt Nam bứt phá. Đó chính là di sản đạo đức của thế hệ F1 truyền lại cho F2 có ý thức về kinh doanh liêm chính để thế hệ F2 không bị ảnh hưởng và sẵn sàng hội nhập.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Văn hóa, đạo đức kinh doanh giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn
“Chúng ta đều biết, không bao giờ có hai công ty có cùng một bản sắc và giá trị văn hóa. Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ… song không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần. Để tiện lợi, công nghệ có thể thay thế được nhiều thứ, song không thể thay thế được niềm tin, đạo đức và kết nối tinh thần giữa mọi người. Văn hóa có sức mạnh to lớn, truyền cảm hứng và tác động trực tiếp đến thái độ, động cơ và ý chí của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên của doanh nghiệp. Đặc biệt, văn hoá, đạo đức kinh doanh càng có vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển thành công trong một thế giới thay đổi nhanh, nhiều rủi ro, bất ổn và khó dự báo…
Và khi những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp thẩm thấu vào hoạt động kinh tế, mục tiêu phát triển của doanh nghiệp sẽ vượt qua việc tìm kiếm những lợi ích chỉ cho mình, mà thăng hoa trở thành sứ mệnh và trách nhiệm cống hiến cho sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước…”.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI: Doanh nhân phải gánh vác hai nhiệm vụ
“Từ một quốc gia lạc hậu, thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, chúng ta tự hào khi hôm nay kinh tế Việt Nam đứng trong TOP 40 thế giới về GDP, TOP 20 về quy mô thương mại quốc tế. Tuy nhiên, những thành tựu đó mới chỉ là bước đầu. Đất nước ta đang đứng trước những cơ hội, mục tiêu và khát vọng phát triển to lớn như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra: Đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Như vậy, chỉ còn hơn 20 năm nữa để đạt được mong ước của Bác Hồ là Việt Nam “sánh vai các cường quốc 5 châu”.
Để gia nhập và sánh vai nhóm các quốc gia phát triển, chúng ta cần có cả 2 điều: kinh tế phát triển và văn minh xã hội tương xứng, trong đó có văn minh, văn hoá kinh doanh. Giới doanh nhân Việt Nam có sứ mệnh và trách nhiệm gánh vác một phần quan trọng của 2 nhiệm vụ này. VCCI nhận thấy đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lịch sử cho sự phát triển của doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới…”.
Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Tổng Giám đốc VinaNutrifood: Đặt chữ tín lên đầu tiên
“Chúng tôi là nhà phát triển siêu thị thuần Việt với mong muốn chắp cánh cho các sản phẩm OCOP của những người nông dân vươn xa hơn quê hương của chính họ. Bước chân vào lĩnh vực bán lẻ đồng nghĩa với việc “đốt tiền” nhưng Vinanutrifood vẫn chấp nhận thận trọng, từng bước một, thực hiện khát khao đưa nông sản Việt từ đồng quê đứng vững chắc ở các kệ siêu thị trong và ngoài nước.
Từ đồng cảm với những người nông dân chúng tôi quyết định mạo hiểm xây dựng một siêu thị thuần Việt với việc đặt chữ tín kinh doanh lên đầu tiên.
Tín với những người nông dân làm ra sản phẩm, tin tưởng và sẵn sàng đồng hành cùng họ để sản phẩm từ người sản xuất đến thẳng bàn ăn mà không qua các khâu trung gian. Có những thời điểm giá cả thị trường đang rất thấp nhưng VinaNutrifood vẫn đồng hành cùng bà con, lấy đúng giá đã cam kết. Tuyệt nhiên không hề ép giá bà con nông dân bởi vì chúng tôi luôn mong muốn làm sao có thể ổn định được đầu ra, giá cả cho bà con, để cho bà con yên tâm sản xuất. Đây cũng là giúp chính mình vì như thế hàng hóa duy trì đều đặn và chất lượng, kênh phân phối mới có thể tiếp tục chinh phục thị trường được. Và cũng để việc tạo việc làm, giúp người nông dân gắn bó với ruộng đồng quê hương.