- Luật sư Tống Chí Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn: Theo khoản 1 Điều 66 Luật Công chứng 2014, phí công chứng bao gồm phí công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, phí lưu giữ di chúc, phí cấp bản sao văn bản công chứng.
Người yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng phải nộp phí công chứng. Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 257/2016/TT-BTC quy định, tổ chức, cá nhân khi yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng phải nộp phí công chứng.
Theo quy định nêu trên, người nộp phí công chứng mua bán nhà đất là người yêu cầu công chứng. Người yêu cầu công chứng là cá nhân, tổ chức trong nước hoặc nước ngoài có yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch về nhà đất. Và người này thường là người ghi thông tin, ký, ghi rõ họ tên trong phiếu yêu cầu công chứng. Tuy nhiên, pháp luật quy định người yêu cầu phải nộp phí và giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng nhưng không cấm các bên thỏa thuận về người nộp. Hay nói cách khác, các bên chuyển nhượng được phép thỏa thuận về người nộp.
Do đó, các bên có thể thỏa thuận quyết định người nộp phí và giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng. Nếu không có thỏa thuận thì người nộp là người yêu cầu công chứng.
Về phí công chứng, căn cứ Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC, phí công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà đất được tính như sau:
Dưới 50 triệu đồng mức thu là 50 nghìn; Từ 50 - 100 triệu đồng là 100 nghìn; Từ trên 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mức thu là 0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch; Từ trên 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng mức thu là 1 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 1 tỷ đồng; Từ trên 3 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng mức thu 2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 3 tỷ đồng; Từ trên 5 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng mức thu là 3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 5 tỷ đồng; Từ trên 10 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng mức thu 5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng; Trên 100 tỷ đồng mức thu là 32,2 triệu đồng + 0,02% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/trường hợp).
Như vậy, tùy thuộc vào giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch mà mức phí công chứng được tính khác nhau, thấp nhất là 50 nghìn đồng và cao nhất là 70 triệu đồng.
Ngoài tiền phí công chứng theo quy định nêu trên, một khoản tiền nữa mà người yêu cầu công chứng sẽ phải nộp cho tổ chức hành nghề công chứng đó là thù lao công chứng. Cụ thể, theo Điều 67 Luật Công chứng năm 2014, người yêu cầu công chứng phải trả thù lao khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng.
Về các khoản chi phí khác, theo Điều 68 Luật Công chứng 2014 đây là khoản thu mà người yêu cầu công chứng phải trả cho văn phòng công chứng theo thỏa thuận giữa hai bên để văn phòng công chứng thực hiện các công việc như giám định, xác minh hồ sơ, điều kiện công chứng, hoặc việc ký ngoài trụ sở, ngoài giờ hành chính...