Mua bán dữ liệu thông tin cá nhân bị xử lý như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Bích Thủy (Hải Phòng) hỏi: Tôi đang khởi nghiệp kinh doanh online và được một người chào bán danh sách hàng chục ngàn khách hàng tiềm năng, bao gồm họ tên, số điện thoại, địa chỉ email. Người này cam đoan rằng đây là dữ liệu hợp pháp, thu thập từ các biểu mẫu khảo sát và các nguồn công khai. Xin hỏi, nếu tôi mua và sử dụng danh sách này để gửi email marketing, có vi phạm pháp luật không? Và nếu vi phạm thì bị xử lý như thế nào?

- Luật sư Chu Quỳnh Vương - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Việc mua bán, thu thập và sử dụng thông tin cá nhân trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, dù với mục đích thương mại, tiếp thị hay bất kỳ mục đích nào khác.

Từ góc nhìn pháp lý, dữ liệu cá nhân là một phần của quyền riêng tư và được pháp luật bảo vệ chặt chẽ. Không phải cứ thấy thông tin xuất hiện trên mạng xã hội hay website là có thể mặc nhiên khai thác và sử dụng. Pháp luật hiện hành quy định rõ ràng rằng việc xử lý dữ liệu cá nhân chỉ hợp pháp khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.

Cụ thể, theo khoản 3, khoản 4 Điều 2 Nghị định 13/2023/NĐ-CP, dữ liệu cá nhân bao gồm: thông tin nhận dạng cơ bản (họ tên, số CMND/CCCD, số điện thoại, địa chỉ, email...) và dữ liệu nhạy cảm (thông tin tài chính, tình trạng sức khỏe, thông tin sinh trắc học, v.v.). Mọi hành vi xử lý dữ liệu cá nhân (thu thập, lưu trữ, phân tích, chia sẻ, truyền tải, tiêu hủy...) đều phải có sự đồng ý rõ ràng của chủ thể dữ liệu, trừ một số trường hợp pháp luật cho phép (như phục vụ hoạt động điều tra, thi hành án...). Đồng ý của chủ thể dữ liệu phải đáp ứng 5 điều kiện: cụ thể, rõ ràng, thể hiện bằng hành vi, được tự nguyện và cho mục đích đã xác định.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định, phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân, buộc tiêu hủy dữ liệu thu thập trái phép.

Trong trường hợp nghiêm trọng, hành vi mua bán dữ liệu cá nhân còn có thể bị xử lý hình sự. Theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức phạt có thể lên đến 7 năm tù, nếu hành vi có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng, thu lợi bất chính lớn hoặc tái phạm nguy hiểm.

Lưu ý: Dữ liệu được công khai không đồng nghĩa với việc được tự do sử dụng. Theo Nghị định 13/2023/NĐ-CP, ngay cả khi dữ liệu đã công khai, việc sử dụng vẫn phải đúng mục đích ban đầu mà người dùng đã chấp thuận. Việc thay đổi mục đích sử dụng, chia sẻ cho bên thứ ba... mà không xin lại ý kiến là hành vi trái pháp luật.

Đọc thêm