Phi Phụng kể, từ nhỏ chị được cha là danh hài Phi Thoàn đưa đến đài truyền hình, sân khấu… để vui chơi, xem biểu diễn: “Được tiếp xúc ngay từ nhỏ nên có lẽ nghệ thuật đã thấm vào máu mình từ lúc nào không hay”. Thế nhưng vào thời điểm đó, Phi Phụng không nghĩ bản thân mình sẽ trở thành một diễn viên. Chị có niềm đam mê với âm nhạc hơn, đặc biệt là thể loại dân ca.
Vì không định hướng sẽ nối nghiệp cha nên Phi Phụng không theo học các trường sân khấu, không được đào tạo bài bản như những đồng nghiệp cùng trang lứa. Khi duyên số đưa đẩy Phi Phụng trở thành diễn viên, chị cứ diễn xuất bằng bản năng và chinh phục công chúng bởi cái duyên trời phú.
Phi Phụng thẳng thắn chia sẻ, vì là diễn viên tay ngang nên trong quá trình làm nghề, bản thân chị luôn gặp những khó khăn nhất định: “Mỗi lần diễn vai khóc, Phi Phụng cảm thấy rất sợ. Vì không phải là một diễn viên học từ trường lớp nên mình không có nhiều kỹ năng diễn xuất. Nhiều khi được yêu cầu “té hình thể” mình cũng không biết làm, vì mình là “cua bò ngang”.
Đối với những phân cảnh phải diễn bi, Phi Phụng cho biết trên màn ảnh mình còn có thể thực hiện được. Nhưng khi diễn trên sân khấu, bản thân chị cảm thấy rất sợ. Trong một vở kịch, khi được yêu cầu diễn vai bi, chị cứ nghĩ đạo diễn giao nhầm vai cho mình.
Phi Phụng bày tỏ: “Trên sân khấu, tôi quen với việc nói cho mọi người cười rồi. Bây giờ tôi phải lên sân khấu làm cho mọi người khóc. Tôi không đủ tự tin. Tôi khóc mà người khác cười thì là phản tác dụng”. Sau khi được giải thích nghệ sĩ cần phải có nhiều cảm xúc, Phi Phụng chấp nhận vai diễn, vượt qua giới hạn của bản thân.
|
Phi Phụng xuất thân là diễn viên tay ngang nên trong quá trình làm nghề, bản thân chị luôn gặp những khó khăn nhất định. |
Phi Phụng kể, trước phân cảnh đó, chị núp sau cánh gà và không dám đùa giỡn với bất cứ ai để nuôi cảm xúc. Chị cố gắng nghĩ về những chuyện buồn, đau lòng nhất trong cuộc đời. May mắn là khi lên sân khấu, Phi Phụng đã khóc được dù bản thân cảm thấy rất sợ.
Nhớ lại những ngày đầu chập chững bước vào nghề, Phi Phụng chia sẻ chị từng có thời gian làm thủ quỹ, nhắc tuồng trong đoàn kịch Bông Hồng. Nữ diễn viên chia sẻ: “Đúng là ghét của nào trời trao của đó. Phi Phụng ghét sổ sách, con số thì khi vào đoàn kịch Bông Hồng lại được giao cho làm thủ quỹ”. Không những vậy, chị còn kiêm luôn công việc bán, soát vé, phát lương, kế toán…
Vì không phải là người quá giỏi trong việc thống kê, tính toán nên khi đảm nhận công việc này, Phi Phụng chẳng may gặp sự cố về tiền bạc. Kết quả, chị và cha bị trừ lương, đồng thời còn mất luôn việc làm tại đoàn kịch.
Sau đó, Phi Phụng chọn cho mình một hướng đi mới là học may. Khi đã thanh toán tiền học phí và theo học may được một tuần thì đoàn kịch gọi Phi Phụng về để “chuộc lỗi”. Thời điểm này, Phi Phụng đảm nhận công việc nhắc tuồng. Chị hài hước chia sẻ, bản thân rất có khiếu nhắc tuồng nên cả đoàn ai cũng yêu mến: “Hôm nào đoàn không có Phi Phụng nhắc tuồng thì không ai chịu”. Chị nhấn mạnh: “Nhắc lanh lắm”.
Nhắc tuồng một thời gian, Phi Phụng được đoàn giao cho một số vai diễn. Từ đó, chị bắt đầu tham gia diễn xuất và trở thành một diễn viên được nhiều người yêu mến như bây giờ.
|
Nữ nghệ sĩ nhớ lại thời nhắc tuồng, bị trừ lương, mất luôn việc làm tại đoàn kịch. |
Là một diễn viên được nhiều người biết đến nhưng Phi Phụng vẫn luôn thân thiện, giản dị và mộc mạc. Không sợ mất hình ảnh, chị luôn duy trì công việc, cũng như sở thích của mình là tự làm yaourt (sữa chua), sinh tố, nước sâm, bánh plan… để bán cho bà con, bạn bè, đồng nghiệp. Mỗi lần đến sân khấu hay phim trường, chị đều mang theo và được mọi người ủng hộ. Sản phẩm của nữ diễn viên được đánh giá là ngon, sạch sẽ, hợp vệ sinh.
Không những vậy, Phi Phụng còn mang ra chợ bán, phục vụ bà con. Khi được mọi người nhận ra, chị vô cùng hào hứng và thích thú. Nữ diễn viên chia sẻ, chị làm công việc này không phải để bản thân “khác người” mà đây là sở thích, thói quen từ trước đến nay: “Tính của Phi Phụng là vậy, rất bình dân, vui vẻ, thân thiện và gần gũi với mọi người”.