Chiều qua (23/8), Sở Công Thương TP.HCM cùng với DN sơ kết 4 tháng thực hiện chương trình bán hàng bình ổn. Nhiều DN tham gia bán hàng bình ổn cho rằng, do thị trường biến động mạnh, đặc biệt là chi phí vận tải tăng chóng mặt đã “làm khó” chương trình bán hàng bình ổn giá.
Bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết, qua 4 tháng thực hiện chương trình, đã có 3.501 điểm bán, tăng 3.253 điểm so với năm 2008 và tăng 390 điểm so với đầu chương trình. Mặt hàng sữa, các mặt hàng phục vụ năm học mới tham gia chương trình hầu hết có mặt tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các bếp ăn tập thể, căng tin bệnh viện, trường học.
|
Phân loại trứng gia cầm |
Hàng Việt lấy lại niềm tin
Qua các phiên chợ hàng Việt, hàng bình ổn giá vẫn tiếp tục bán chạy.Sữa nội giá thấp hơn sữa ngoại 27-74% . Đại diện Cty Vinamilk cho biết, dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng mặt hàng sữa của Vinamilk xuất khẩu tăng 30% so với cùng kỳ, trong nước tăng 15-20 %. Nhờ hàng chất lượng, giá cả thấp hơn so với sữa ngoại, người tiêu dùng đã tín nhiệm sản phẩm vinamilk thông qua doanh số bán hàng tăng.
Đại diện Cty NutiFood cho biết, vừa rồi Cty bán được lô hàng sữa giá 4 triệu USD sang Philipins và vào được 835 trường học vào ngày kkhai giảng, 17 bệnh viện. Hàng Việt đã lấy được niềm tin của người tiêu dùng trong nước nhưng thật khó giữ nếu chúng ta không đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng sản phẩm và giải pháp bán hàng tốt.
…còn nhiều bất lợi
Nhiều DN tham gia hàng bình ổn cho biết, tham gia bán hàng bình ổn vào thời điểm này gặp nhiều bất lợi do thị trường luôn biến động, đặc biệt giá xăng dầu tăng khiến giá vận tải tăng mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến giá hàng hóa. Một DN nêu, mạng lưới phân phối hàng bình ổn giá tại các quận huyện ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất gặp khó do quy định mới về cấp giấy phép cho xe tải của DN trong chương trình lưu thông giờ cao điểm phức tạp, nhiều DN không đủ điều kiện dẫn đến ứ hàng.
Về bình ổn mùa khai trường, có 12 DN tham gia, 6 DN không nhận vốn, có 481 điểm bán, 44 siêu thị, 305 điểm bán ở khu dân cư, tăng 116 điểm so với đầu chương trình. Đã có 9/12 DN có lượng hàng bán vượt cao trên 200%, tuy nhiên chương trình bình ổn mùa khai trường còn hạn chế do việc phối hợp giữa DN với nhà trường chưa thông suốt. Chương trình bình ổn các mặt hàng phục vụ năm học mới sẽ kết thúc vào tháng 9, đại diện Sở Công Thương đề nghị Sở GD&ĐT làm đầu mối theo dõi, đôn đốc triển khai chương trình bình ổn tại các trường thì mới có hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Lê Ngọc Đào cho biết, chương trình bán hàng bình ổn tại TP.HCM sẽ tiếp tục mở rộng đến các vùng sâu, vùng xa, người lao động nghèo các khu công nghiệp, khu chế xuất; nghiên cứu sâu để đưa hàng nhanh, đến tận nơi người dân đang có nhu cầu.
Mị Na