|
Kịch bản đã được tính chính xác phía sau con số gần 132.000 tỷ đồng vốn từ NHNN hỗ trợ thanh toán cho các ngân hàng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão, nhờ sự tăng cường hỗ trợ tích của Ngân hàng Nhà nước, khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo. Đến hết ngày 30/1/2011, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng gần 132.000 tỷ đồng, chủ yếu để hỗ trợ vốn thanh toán cho các tổ chức tín dụng.
Trước con số trên, một số nghi ngại về khả năng hút về nguồn vốn đó sẽ như thế nào và áp lực đối với hoạt động của các ngân hàng thương mại hiện nay.
Tuy nhiên, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, kịch bản cung - cầu vốn và thanh khoản hệ thống trong dịp Tết đã được nhà điều hành tính toán kỹ, qua đó chủ động được tình huống, dù Tết vừa qua khá đặc biệt.
“Chưa bao giờ lịch sử Việt Nam lại ăn một cái Tết lớn như vậy”, Thống đốc đưa ra nhận định. Cơ sở mà ông lý giải là ở một lượng tiền mặt ra thị trường lớn, nguồn tiền gửi giảm.
Đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố dự liệu đáng chú ý: tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến ngày 21/1/2011 đã giảm 2,46% so với tháng trước. Lượng tiền mặt ra thị trường trong dịp Tết cũng cao hơn năm ngoái…
Nếu xem kinh tế còn nhiều khó khăn, trong bối cảnh lạm phát cao, thì đó cũng là một dữ liệu đáng chú ý. Bởi kinh nghiệm mà người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đưa ra là nếu có khó khăn phản ứng thông thường là tiết kiệm chi tiêu. Và điều này cũng cần nghiên cứu ở góc độ xã hội.
Những áp lực trên đối với yêu cầu vốn của hệ thống ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước tính đến, đúng với kịch bản xấu nhất, lượng tiền rút ra lớn. Theo đó, nhà điều hành không bị động trong tình huống này.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng dự báo sau Tết nguồn tiền sẽ quay trở lại hệ thống và thanh khoản sẽ được cải thiện. Thực tế, chỉ trong một tuần sau Tết, Ngân hàng Nhà nước đã rút về được 60.000 tỷ tiền cung ứng và 55.000 tỷ tiền mặt. Áp lực đặt ra từ nguồn vốn hỗ trợ trên cũng đã giảm bớt.
Với diễn biến trên, Thống đốc nhận định: “Dòng tiền đã trở lại ngân hàng như vậy là đúng”.
Cũng trong tháng cận Tết, ở một khía cạnh khác, thông tin từ Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đưa ra lại cho thấy một thực tế: lãi suất cho vay cao nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn cao, thậm chí theo nhận xét của ông là rất cao.
“Lãi suất cao như vậy nhưng tăng trưởng tín dụng tháng 12/2010 cao nhất đạt 3,37%; tháng 1/2011 đến ngày ngày 29 là 1,52%, riêng ngày 30 - ngày làm bù cuối cùng, hoạt động trả nợ ngân hàng rất nhanh và dư nợ cuối tháng là 1,29%, theo tôi cũng là mức rất cao”, Thống đốc nói.
Tuy nhiên, giảm tăng trưởng tín dụng lại là một điểm được ông đề cập đến với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Cụ thể, hai tổ chức này khuyến nghị nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương lên 12% - 13%/năm, hiện là 11%/năm, để kiềm chế lạm phát. Thứ hai là Việt Nam cần giảm nhanh tốc độ tăng trưởng dư nợ, thậm chí dưới 20% ngay trong năm nay thay vì mức dự kiến là 23%.
Theo Minh Đức
VnEconomy