Phía sau “cơn sốt” lãi suất

Khi doanh nghiệp bán ngoại tệ, chuyển từ nắm giữ đô la sang tiền đồng, nhu cầu tiền đồng tăng lên. Đúng lúc này NHNN lại hút ròng tiền về.

Phía sau “cơn sốt” lãi suất ảnh 1
 

Khi doanh nghiệp bán ngoại tệ, chuyển từ nắm giữ đô la sang tiền đồng, nhu cầu tiền đồng tăng lên. Đúng lúc này NHNN lại hút ròng tiền về.

Ngày 8-11-2010, dưới ảnh hưởng của “cơn sốt” giá vàng, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng tăng vọt, các ngân hàng ngưng cho vay. Đúng một tháng sau, ngày 8-12-2010, khi giá vàng trong nước gần ngang với giá quốc tế, tỷ giá thị trường tự do giảm từ 21.600 xuống 21.100 đồng/đô la Mỹ, “cơn sốt” lãi suất lại bất ngờ xảy ra.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào cuộc và lãi suất huy động từ mức 12%/năm “đồng thuận” trong khuôn khổ Hiệp hội Ngân hàng được nâng lên thành “cam kết” 14%/năm của tất cả các tổ chức tín dụng với NHNN. Đằng sau đợt biến động lãi suất của tuần trước là gì? Liệu việc cam kết đồng thuận lãi suất sẽ bền vững?

Tỷ giá tác động đến lãi suất

Đầu tháng 12 khi chênh lệch tỷ giá chính thức và thị trường tự do lên đỉnh khoảng 2.000 đồng/đô la Mỹ, trong cuộc gặp mặt báo chí, Thống đốc NHNN thông báo tiếp tục bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Ông đồng thời nhấn mạnh trạng thái ngoại hối của các ngân hàng từ mức âm hơn 300 triệu đô la Mỹ đã giảm xuống âm 80 triệu đô la Mỹ.

Để có sự giảm đó, NHNN đã bán ra can thiệp. Những ngày sau đó, theo tìm hiểu của TBKTSG, trạng thái ngoại hối của những tổ chức tín dụng lớn đã trở lại mức dương.

Không có số liệu chính thức bao nhiêu đô la đã được cơ quan quản lý thị trường bán ra, nhưng rõ ràng số lượng phải là hàng trăm triệu. Mức dự trữ ngoại hối quốc gia, theo số liệu mới nhất do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố, tụt xuống chỉ còn tương đương 1,8 tháng nhập khẩu (trước đó là 9 tuần nhập khẩu).

Công ty Chứng khoán Mê Kông (MSC) ước lượng nhập khẩu của Việt Nam hiện khoảng 7 tỉ đô la Mỹ/tháng và suy ra dự trữ ngoại hối khoảng 12,6 tỉ đô la Mỹ (so với 14 tỉ đô la Mỹ của năm 2009 và 23 tỉ đô la Mỹ của năm 2008).

Ông David Kadarauch, Trưởng bộ phận Nghiên cứu của MSC, nhận xét: “Ba tháng trước IMF đã ước dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2010 khoảng 15,4 tỉ đô la Mỹ. Mức dự trữ theo tính toán mới thấp hơn 20% so với mong đợi cách đây ba tháng".

Tuy nhiên vấn đề không chỉ dừng ở đó. Khi ngoại tệ bán ra, một lượng không nhỏ tiền đồng đã được hút về. Lẽ ra lượng tiền cung ứng cho thị trường phải tăng lên tương ứng lượng hút về qua kênh bán ngoại tệ, nhưng do chỉ tiêu mức tăng tổng phương tiện thanh toán cả năm đã cán đích, NHNN giảm dần lượng tiền bơm ra qua thị trường mở.

Ba ngày trước khi “cơn sốt” lãi suất tháng 12 xảy ra, NHNN đã hút về lượng tiền tương đối lớn. Điều này đã ảnh hưởng ngay tức khắc đến thanh khoản của một số ngân hàng.

Yếu tố thanh khoản

Vào thời điểm NHNN bán mạnh ngoại tệ để can thiệp, tỷ giá thị trường tự do đều đặn “xuống thang”. Tin đồn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải bán ngoại tệ đang nắm giữ trên tài khoản tiền gửi cho ngân hàng lan ra. Đó chỉ là tin đồn, nhưng “đòn gió” này đã vô tình có tác dụng.

Khi tỷ giá thị trường tự do rớt 400 đồng/đô la Mỹ so với đỉnh, các đơn vị có ngoại tệ bắt đầu bán cho ngân hàng. Tỷ giá giao dịch liên ngân hàng rớt từng ngày, thậm chí từng giờ, đến cuối tuần qua đã xuống dưới 21.000 đồng/đô la Mỹ.

Tốc độ lao dốc của tỷ giá thị trường tự do và liên ngân hàng càng ngày càng mạnh sát ngay trước thời điểm “cơn sốt” lãi suất tiền đồng bùng phát. Sau đó, khi “cam kết lãi suất” được thực hiện, đà giảm chững lại. 

Tỷ giá thị trường tự do và liên ngân hàng giảm còn có sự hỗ trợ của kiều hối về nhiều hơn dự đoán, ước 8 tỉ đô la Mỹ năm nay so với dự báo 7,3 tỉ đô la Mỹ hồi giữa năm.

Khi doanh nghiệp bán ngoại tệ, chuyển từ nắm giữ đô la sang tiền đồng, nhu cầu tiền đồng tăng lên. Đúng lúc này NHNN lại hút ròng tiền về.

Yếu tố thanh khoản cuối năm và sự mất cân đối cơ cấu cũng như kỳ hạn của dòng tiền chưa được giải quyết, bây giờ cộng thêm nhu cầu tiền đồng từ sự chuyển đổi nắm giữ ngoại tệ sang nắm giữ nội tệ của doanh nghiệp, lãi suất tiền đồng chỉ còn một con đường là phải đi lên.

Trên thực tế, khi các ngân hàng lớn như BIDV, ACB, Eximbank niêm yết lãi suất tiết kiệm cộng cả khuyến mãi 14%/năm, thì các ngân hàng nhỏ đã thỏa thuận lãi suất với người gửi tiền ở mức 16-17%/năm. Lãi suất huy động 16-17%/năm không công khai, nó diễn ra ngấm ngầm và cả thị trường biết điều đó.

Techcombank đã công khai mức lãi suất ấy. Động thái của Techcombank là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước vốn đã đầy. Tất nhiên khi cả thị trường vận hành với cơ chế hai tỷ giá, hai lãi suất, Techcombank lại muốn đi theo cơ chế một lãi suất, họ bị cơ quan chức năng “tuýt còi”!

Thách thức đang lớn dần

Điều gì đang diễn ra khi một cơ chế mới - lãi suất cam kết của các tổ chức tín dụng với NHNN - được xác lập? Thứ nhất lãi suất cam kết là một khái niệm mơ hồ, nó không có trong bất cứ văn bản pháp luật nào, kể cả Luật Các tổ chức tín dụng mới.

Để áp dụng lãi suất huy động tối đa 15%/năm, tại sao không sử dụng lãi suất cơ bản, là công cụ mà NHNN nắm trong tay? Thứ hai đưa ra một trần lãi suất huy động như vậy không giải quyết được vấn đề cơ bản là thanh khoản của các ngân hàng nhỏ. Với một mức lãi suất huy động như nhau, người dân và doanh nghiệp sẽ gửi tiền ở những ngân hàng uy tín, họ sẽ không màng đến các ngân hàng nhỏ.

Trong khi chính thanh khoản của các ngân hàng nhỏ mới là hạt nhân cần tháo gỡ. Phải có một cơ chế riêng xử lý thanh khoản các ngân hàng nhỏ, mà trước mắt là giảm các yêu cầu về vốn, về dự trữ bắt buộc, về tỷ lệ an toàn đi kèm việc giảm ngay quy mô hoạt động, tăng trưởng tín dụng và kiểm soát chặt chẽ nợ xấu.

Có thể thấy các ngân hàng từ lớn đến nhỏ, từ quốc doanh đến cổ phần, liên doanh, ngân hàng nước ngoài, đều đang tăng cường phòng thủ. Họ phòng thủ những gì? 1. Tăng thanh khoản tiền đồng nhằm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, người dân cuối năm; 2. Giảm tối đa cho vay, kể cả cho vay liên ngân hàng và gửi tiền ở những ngân hàng khác.

Đây là bước chuẩn bị để thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1-1-2011, theo đó các ngân hàng không được gửi tiền và nhận tiền gửi của nhau. Sự phòng thủ là dấu hiệu đáng lo ngại vì nó làm chậm lại hoặc ngưng trệ sự lưu chảy của dòng tiền, làm giảm hệ số tạo tiền và càng khiến cho nhu cầu đồng nội tệ tăng lên.

Trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện các biện pháp quyết liệt để kiểm soát lạm phát - mục tiêu ưu tiên ở thời điểm hiện tại - NHNN không thể tăng cung tiền. Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất cao còn đứng vững ít nhất cho đến hết năm. Sang năm mới, khi có chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán mới, NHNN mới có thể sử dụng.

Vì thế hai tuần cuối tháng 12 và những tuần đầu tháng 1-2011 các ngân hàng tiếp tục đối mặt với thách thức thanh khoản. Cách tốt nhất để hóa giải thách thức là tự do hóa lãi suất như nhiều nhà kinh tế đã phân tích và đề xướng.

Theo Hải Lý
TBTKSG

CafeF

Đọc thêm