Khác hẳn khi cầm “Nháp” trên tay, “Phiên bản” khiến tôi có chút gì đó yêu mến Nguyễn Đình Tú hơn. Đọc cả cuốn tiểu thuyết dày 399 trang, tôi thấy xót xa nhiều hơn là căm ghét nhân vật chính mà có lần nhà báo Hoài Hương phỏng vấn Nguyễn Đình Tú đã rút tít “Tội ác mang khuôn mặt đàn bà”. Ẩn sâu trong vỏ bọc của nữ tướng cướp giang hồ ấy là một người đàn bà đích thực, với những bản năng của một phụ nữ cần chỗ dựa tinh thần, một chốn để yên bề và không lo lắng.
|
Nhà văn Nguyễn Đình Tú |
Phía sau tội ác vẫn là một con người
Nhưng cuộc đời và những bon chen mà người đàn bà ấy vấp phải không để cô được hưởng những điều mà mọi người đàn bà bình thường muốn có: gia đình, hạnh phúc, con cái… Tất cả đều bằng con số 0. Và cũng có lẽ vì thế, liên tục những sai lầm này đến sai lầm khác, tội lỗi này đến tội lỗi khác, chung quy cũng để tồn tại ở một thế giới ngầm.
Mỗi một xã hội, mỗi một thế giới đều có những quy tắc, luật sống – còn nhất định – tôi hiểu là như thế. Và nhân vật chính trong “Phiên bản” phải tuân thủ cái quy tắc “bất thành văn” ấy. Nếu không theo, không khẳng định bước chân vững chắc của mình, bản thân họ sẽ bị diệt vong. Phân tích và nhìn nhận sâu xa vào mọi vấn đề, những sai lầm của họ đều được xuất phát từ những sai lầm của những người trước đó. Sai lầm của cha mẹ cô khi chọn đường vượt biên, sai lầm của chính cô khi không tu chí làm ăn, sai lầm của mọi người khi cùng khiến mọi thứ rối rắm, như mớ bòng bong và không còn lối thoát. Cô vẫn có một niềm tin, một mơ ước và tình yêu nhỏ nhoi, xa xôi lắm. Tình yêu ấy mong manh và tựa hồ như một chút ánh sáng khiến khoảnh khắc nhân văn trong con người cô được phát ra. Sự nghĩa hiệp của một nữ giang hồ không hẳn chỉ để lợi dụng người khác, mà sau đó còn là chữ tình, là sự chia sẻ và đồng cảm với người khác.
Nhìn vào những điều ấy để thấy, nhân vật chính cũng là một con người. Và đừng đổ tội rằng “tội ác mang khuôn mặt đàn bà”, khi người ấy hoàn toàn từng muốn có một tình yêu đẹp, một gia đình hạnh phúc bình thường như bao gia đình khác.
Tôi đọc kỹ “Phiên bản”, rồi quay trở lại với bài phỏng vấn mà Hoài Hương thực hiện đăng trên Hải Phòng cuối tuần cách đây không lâu, thấy bất ngờ khi Nguyễn Đình Tú trả lời ngoài suy nghĩ của tôi. Câu hỏi đưa ra thế này “Trong tiểu thuyết này của anh, tội ác “ẩn mình” trong gương mặt đàn bà, mà lại là đàn bà đẹp. Có mối liên hệ gì giữa nhan sắc và tội lỗi ở đây không?”. Và Tú đã trả lời: “Cái ác không biết phân biệt đàn ông hay đàn bà, nhan sắc hay không nhan sắc để mà trú ẩn, nương náu, tồn sinh và phát tác. Vì thế, chẳng nên băn khoăn làm gì trước một nhan sắc biết giết người.” Tựa như, Tú khẳng định “một nhan sắc biết giết người” đương nhiên có tội. Cái cốt yếu là, tội ấy xuất phát từ đâu. Hãy tiếp cận nhân vật bằng một góc nhân văn hơn thì nhân vật sẽ tồn tại lâu hơn. Như sự cứu rỗi linh hồn của nhân vật chính mà Nguyễn Đình Tú đã làm được qua ngòi bút của mình.
|
“Phiên bản” sử dụng thành công triết lý trong Kinh thánh về sự giải thoát và nhận ra chính mình |
Mỗi nhân vật là những “phiên bản”
Có lẽ, cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú nói lên được nhiều điều mà nhà văn cũng không thể hình dung được. Và cũng có lẽ vì thế mà khi trả lời phỏng vấn, Nguyễn Đình Tú có những câu trả lời thật chủ quan. Tự bản thân cuốn tiểu thuyết và nhân vật của nó đã trả lời tất cả các câu hỏi. Và quan trọng là bạn đọc tiếp cận nó ở góc nào. Tốt hay xấu. Đồng cảm hay phản bác. Và lại là những nhóm bạn đọc nào đọc nó, phân tích đến đâu… Việc Tú đặt tựa đề “Phiên bản” cho cuốn tiểu thuyết đã nói lên được ý nghĩa và kết cấu của các cách tiếp cận nhân vật chính. Đúng như tên gọi, nhân vật chính được lột tả bằng các phiên bản khác nhau. Và từ các phiên bản ấy, chân dung một con người được lột tả rõ nét hơn, chân thật và đầy đủ hơn.
Góc lưu manh của một nữ giang hồ ra tay tàn sát không ghê tay, góc nhẹ nhàng, thủ thỉ như lời của một thiếu nữ đang tâm sự với bạn trai mình, góc lại bàng quan như một người bình thường trong cuộc sống với những bon chen cơm – áo – gạo – tiền… Và cũng phải ngần ấy góc tiếp cận, chừng ấy những chi tiết miêu tả cảm xúc, hành động, trạng thái tình cảm, quan hệ cá nhân với cá nhân, mới có thể đưa đến cho bạn đọc cái nhìn tương đối toàn diện về một nhân vật ở vùng đất “dữ” (từ dùng trong “Phiên bản”).
Tôi thích cách Nguyễn Đình Tú sử dụng Kinh thánh trong cuốn tiểu thuyết này. Như lời sám hối muộn màng của nhân vật chính khi tự mình nhìn ra được chính mình qua những phiên bản. Và phải đến khi nhận ra mình là ai, linh hồn nhân vật mới được giải thoát. Triết lý ấy có lẽ đến “Phiên bản” mới được sử dụng thành công như thế. Và câu nói của “thằng Chín tháng” trong cuốn tiểu thuyết gần như là điểm chốt của triết lý phiên bản mà Nguyễn Đình Tú muốn gửi gắm “…Cả hai con người đó trong cô cháu đều không hiểu, không thỏa mãn và không tự lý giải được. Chính vì thế mà cháu muốn gặp cô. Có thể có nhiều con người trong một con người…”. Và đúng là có nhiều con người trong một con người để giây phút cuối cùng, khi đã tìm lại hết được những phiên bản của mình, nhân vật chính đã rơi nước mắt…
Phạm Thùy Linh