Phiền lòng Áo dài ơi!

 Tin rằng, khi được hỏi thì bất kỳ người đàn ông Việt nào cũng thích nhìn những người phụ nữ  trong trang phục áo dài. Và, mỗi người phụ nữ Việt cũng ý thức được ưu thế đó của mình để xưa nay luôn quyến rũ với hai tà áo bay bay trong gió. Nhưng...

Tin rằng, khi được hỏi thì bất kỳ người đàn ông Việt nào cũng thích nhìn những người phụ nữ  trong trang phục áo dài. Và, mỗi người phụ nữ Việt cũng ý thức được ưu thế đó của mình để xưa nay luôn quyến rũ với hai tà áo bay bay trong gió. Nhưng...

Áo dài trắng nhưng nội y lại... đen

Nguyên văn của câu tít dẫn trên là: “Áo dài trắng và da nàng cũng trắng. Nhưng nội y của nàng lại đen” mà tác giả là một nam sinh lớp 12 của một trường cấp 3 ở Hà Nội đã biến tấu từ một bài thơ nổi tiếng để “tặng” mấy cô bạn cùng lớp của mình. “Nhà thơ” bất đắc dĩ trên đã chẳng ngoa ngoắt chút nào khi ngẫu hứng ra mấy câu thơ đó vì không riêng gì Hà Nội, nếu bất kỳ có dịp chứng kiến buổi tan trường của nhiều trường phổ thông trung học trên cả nước, sẽ bắt gặp những bộ áo dài đồng phục nữ sinh trinh trắng, ngây thơ như một thời cắp sách, nhưng lại... siêu mỏng để giúp người mặc khoe hết cỡ  thân hình cũng như giúp những cặp mắt đối phương có thể chiêm ngưỡng các “phụ kiện” hấp dẫn, thậm chí là tối màu mặc bên trong.

Phiền lòng Áo dài ơi! ảnh 1
 

Thầy cô phiền lòng, nhắc nhở, bạn bè vướng mắc, dị nghị, nói nhỏ nhưng chủ nhân của những “cặp đối kháng trắng - đen” này dường như phớt lờ. Một nữ sinh tên Quỳnh Tiên phản ứng: “Mình thấy mặc nội y màu đen có gì đâu mà nói. Đó là quyền của mỗi người mà” . Còn nữ sinh khác tên Mai Trang thì lại biện hộ: “Áo đồng phục của nhà trường quá mỏng, cho dù mặc màu gì thì đồ lót cũng nổi lên hết, vậy tại sao lại cho rằng đồ lót màu đen, đỏ hay xanh đậm thì khiêu gợi, còn những màu khác thì không? Trường mình chỉ có quy định học sinh nữ đến trường mặc áo dài hoặc quần tây áo trắng, ngoài ra không có quy định nào khác hết. Như vậy không thể bắt bẻ mình mặc áo dài mỏng và nội y đen là sai quy định được”.

Anh ơi, buông áo em ra kẻo... tuột

Trong suy nghĩ của nhiều người nệ cổ, hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam bị lai căng, biến tướng với nhiều kiểu trang phục khác mà phổ biến nhất là sườn xám Trung Hoa là một chuyện đáng buồn. Còn nhớ xưa kia ở miền Nam Việt Nam, khi bà cố vấn Trần Lệ Xuân trưng ra chiếc áo dài cách tân với kiểu cổ khoét rộng đã khiến dư luận xôn xao chỉ trích không ít. Thế nhưng, ngày nay xem ra những sự thay đổi đó vẫn còn là nhẹ, khi chỉ cần gõ hai chữ áo dài trên trang hỗ trợ tìm kiếm Google và chịu khó ngóc ngách một chút sẽ ra những bức ảnh... khiêu dâm với áo dài (!)

Phiền lòng Áo dài ơi! ảnh 2

Đấy là mạng, còn hàng ngày trên phố, trên ti vi có thể thấy những tà áo dài bị biến tướng thành nửa kín nửa hở để câu khách ở quán nhậu. Như báo chí từng đưa tin: “quán D.N, quán X.4 nằm trên đường Lý Thường Kiệt quận 5, quán N.10, quán N.14, đường 3-2 , quận 10, TP HCM thường có hai cô tiếp tân khoác trên mình bộ áo mà phần trên đã cách điệu thành áo hai dây khoe tấm lưng trần...” . Nhiều quý ông đã từng đến đây cho biết trang phục áo dài của các nữ tiếp viên quá siêu mỏng, bó sát nên có cảm tưởng chỉ cần nắm khẽ đã tuột. Quán nhậu là thế còn trên sâu khấu, không ít lần khán giả đã hốt hoảng trước những chiếc áo dài hở hang hay cách tân kì quái được nhiều ca sĩ, người mẫu diện trên mình. Một ca sĩ đã từng bày tỏ quan điểm của mình: “Tại sao quần áo có mốt này mốt kia mà áo dài lại không. Khoe những chỗ gợi cảm hay cách tân kiểu dáng cũng chỉ là đổi mốt thôi mà!”

Gắng giữ “duyên lặn vào trong”

Không phải tự nhiên mà chiếc áo dài Việt đã từng được người phương Tây khen là rất gợi cảm trong sự kín đáo, trang nhã. Phục sức áo dài đã biểu lộ cái duyên riêng của người phụ nữ Việt, một thứ “duyên lặn vào trong”, chứ không lộ liễu “duyên bong ra ngoài”. Chính vì thế nên câu hỏi “Áo dài mặc sao cho đẹp?” luôn là câu hỏi làm đau đầu không chỉ chị em mà cả cánh mày râu. Con nhớ, cách đây ngót nghét 20 chục năm, trên một tờ báo văn hóa, một bạn đọc đã có bài viết đề xuất một ý kiến khá cực đoan. Đó là cần cấm những người phụ nữ mập mạp  mặc áo dài (!). Tiếc rằng, lời đề nghị có phần xúc phạm này đã ra đời khá lâu khi cả thiên hạ còn nhiều người gầy, chứ như bây giờ  khi tình trạng béo phì tăng cao thì chắc chắn tác giả của nó sẽ bị “xử lý”. Mà có khi chưa phải đợi đến tay chị em bên ngoài, mà ngay chính những người phụ nữ trong gia đình tác giả đó.

Hiện nay nhiều trường cấp 3 ở Sài Gòn đã thay đồng phục áp dài trắng của nữ sinh bằng váy. Lý do thay là vì đề nghị của phụ huynh như: “Gặp bữa trúng cơn mưa, quần áo dài con gái tôi ướt chèm nhẹp, thịt da cứ lộ ra hết, mấy thằng mất dạy dòm lom lom tôi vừa tức vừa xấu hổ”... Nhưng cũng lại có quan điểm rằng “đa phần con gái Việt Nam chỉ có khoảng học trung học là được mặc áo dài thường xuyên và cũng là thời kỳ ai cũng thấy mình đẹp nhất với chiếc áo dài nếu họ bỏ áo dài cũng có nghĩa là cướp đi vẻ đẹp nhất của đời con gái Việt Nam”. Nhiều bà mẹ, ông bố chắc không thể quên phút giây thấy mắt mình ngấn nước khi lần đầu tiên thấy con gái e ấp trong chiếc áo dài trắng chào cha mẹ đến trường.

Để kết thúc bài viết này xin trích ý kiến của một Việt kiều. Mỗi khi có dịp về Việt Nam chị luôn tìm mua áo dài cho mình và hai con gái. Chị thẳng thắn nhận xét: “Áo dài là quốc hồn đất Việt chúng tôi không thể rời xa. Nhưng tôi biết trẻ con sống trong nước không còn mặc chiếc áo dài trong những dịp lễ lạt trọng đại của văn hóa Việt Nam nữa. Thật đáng buồn, may mà vẫn còn  có những người phụ nữ lớn tuổi cảm thấy mắc cỡ trước tổ tiên, họ hàng nếu không mặc cái áo dài trong những ngày trọng đại của gia đình và của dân tộc”. 

Phương Thanh

Đọc thêm