Xăng không đạt chất lượng có bị coi là xăng giả?
Luật sư (LS) bào chữa cho Sướng yêu cầu VKS đưa ra giải thích để làm rõ hai số liệu về số lượng và giá trị của số xăng giả do Sướng làm ra.
Theo cáo trạng, Sướng đã làm ra và bán ra thị trường 137 triệu lít xăng giả tương đương với giá trị hàng thật là gần 2.500 tỷ đồng. LS cho rằng: “Hai con số này không có chú thích, lý giải nguồn gốc, căn cứ xác định như thế nào, thời điểm áp dụng đơn giá ra sao nên LS không có cơ sở đối chiếu”.
LS của Sướng nêu ra quy định về hàng giả, cho rằng chất lượng hàng hóa đạt từ 70% trở xuống mới được xem là hàng giả. Trong khi đó, chất lượng xăng của Sướng pha “chỉ vi phạm 2 - 3 chỉ tiêu rất nhỏ trong 19 nhóm tiêu chuẩn của quy chuẩn Việt Nam. Riêng chỉ tiêu RON, chỉ tiêu cơ bản nhất để xác định xăng thì đạt tiêu chuẩn”.
“Giữa việc xăng không đạt chất lượng hay xăng kém chất lượng với thuật ngữ xăng giả không hề có sự đồng cấp với nhau. Xăng không đạt chất lượng thì có được coi là xăng giả hay không?”, LS nêu quan điểm.
Phản bác quan điểm này, đại diện VKS tranh luận, khái niệm hàng giả đã được Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định.
Trước quan điểm “chất lượng không đạt 70% so với hàng thật thì mới được coi là hàng giả”, đại diện VKS cho hay, khoản 8 Điều 3 Nghị định 185 đã quy định các yếu tố cấu thành hàng giả.
Đối với xăng mà Sướng làm ra vi phạm quy định “hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên” và “Tên gọi hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký” nên được xác định đây là hàng giả.
Căn cứ xác định khối lượng xăng giả của Sướng, đại diện VKS tranh luận, tính số lượng xăng giả không dựa trên nguyên tắc 1 lít dung môi bằng 1 lít xăng giả, vì trọng lượng của một số dung môi nặng hơn xăng.
Theo VKS, đối với dung môi, nếu không bắt quả tang, thu giữ được thì không thể xác định được tỷ lệ dung môi trong 1 lít xăng giả. Trong trường hợp này, theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, VKS xác định 1 lít dung môi bằng 1 lít xăng giả. Sướng phải chịu trách nhiệm với số lượng xăng giả là hơn 137 triệu lít, bán ra thị trường hơn 133 triệu lít.
“Căn cứ vào các tài liệu, hồ sơ vụ án và lời khai thì bị cáo cho rằng, sản xuất xăng A95 lời hơn A92. Trong quá trình điều tra, chúng tôi căn cứ vào giá trị xăng thật bán ra trên thị trường thì xác định các bị cáo thu lợi là 800 đồng/lít, tiền thu lợi bất chính của bị cáo là hơn 100 tỷ đồng”, đại diện VKS nói.
Cũng tại phần tranh luận, Sướng cho biết, trong quá trình lấy lời khai bị cáo này khai nhận sản xuất xăng A92 thu lợi 400 đồng/lít, xăng A95 thu lợi 800 đồng/lít.
Xăng giả gây hại thế nào?
Trước đó, như PLVN phản ánh, để tạo ra xăng A95 giả, các đối tượng thường pha 30% dung môi với 50% xăng A95 thật, còn lại là chất tạo màu vàng; hoặc dùng dung môi trộn với một phần nhỏ xăng nền A95 và chất kích Ron, chất tạo màu. Đối với loại E5, sẽ dùng 35% dung môi, 40% xăng nền A95, còn lại là chất kích RON, chất tạo màu.
Trả lời báo chí, PGS TS Nguyễn Đình Quân, Trưởng phòng thí nghiệm Nhiên liệu sinh học & Biomass (Khoa Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa TP HCM), việc pha dung môi với hóa chất làm xăng giả có thể khiến nhiên liệu bị kích nổ sớm trong buồng đốt, gây rung lắc, xung gãy động cơ của các phương tiện. “Bản thân chúng còn có thể bị nhựa hóa, nhiệt phân hay cháy không hoàn toàn tạo ra cặn bẩn làm tắc nghẽn béc phun, làm thoái hóa các chi tiết phi kim loại”, ông Quân cho hay.
Dung môi được sử dụng pha xăng giả là các sản phẩm hữu cơ tạp thu được trong quá trình chưng cất dầu mỏ, có chỉ số RON rất thấp (chỉ khoảng 60); chỉ được dùng trong các sản phẩm công nghiệp như pha trộn với sơn, sản xuất gỗ, thuộc da chứ không được dùng để tạo thành xăng dầu.
TS Quân phân tích, bản chất của xăng dầu là chất lỏng hữu cơ hydrocarbon, nên có thể hòa trộn với rất nhiều chất lỏng hữu cơ khác. Về mặt lý thuyết, việc pha trộn dung môi với các hóa chất có thể làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong. Do đó, người làm xăng giả lợi dụng điều này để trộn một phần những chất hữu cơ (dung môi) rẻ tiền hơn vào xăng, trục lợi phần giá thành chênh lệch. “Khối lượng càng lớn thì thu lợi càng nhiều. Điều này cũng giải thích vì sao các vụ làm xăng giả bị phát hiện thường có quy mô rất lớn”, TS Quân nói.
Chuyên gia công nghệ kỹ thuật ô tô, PGS TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM) cho biết, nhiều đoạn hệ thống dẫn nhiên liệu của xe, kim phun, đầu ống gắn với bơm xăng... được làm bằng cao su. Các chi tiết này được tính toán để chịu được xăng thật. Tuy nhiên, khi dùng xăng giả, dung môi nhiều, các gioăng cao su sẽ nở ra gây hiện tượng xì, rò rỉ xăng. “Xăng bị rò rỉ, chỉ cần gặp một tia lửa điện cũng có thể phát cháy, dễ dẫn đến các vụ cháy nổ ở bãi xe chung cư, nơi công cộng”, TS Dũng phân tích.
Quan điểm này, từng được Bộ trưởng Công an - Đại tướng Tô Lâm, nêu ra trong quá trình điều tra đường dây của Trịnh Sướng.
Ngoài ra, xăng giả cũng làm cho tuổi thọ xe máy giảm đáng kể. Mặc dù được “bơm” các chất phụ gia nhưng chỉ số octane của xăng giả cũng không thể bằng xăng thật. Do đó, khi sử dụng xăng giả, xe dễ xảy ra hiện tượng kích nổ, gây ra sóng áp suất mạnh. Các chi tiết về cơ khí như pittong, bạc, dên... dễ bị cong, mòn, hư hại.
Cũng theo PGS Dũng, các ô tô hoặc xe máy đời mới đều có bộ lọc khí thải, có tác dụng trung hoà khí thải từ động cơ, sinh ra các chất không độc thải ra môi trường. Trong khi đó, các chất dung môi, phụ gia được được pha vào xăng giả khi bị đốt cháy tạo ra khí thải làm vô hiệu hoá hoặc làm hư bộ lọc khí thải.
“Điều này sẽ gây ra ô nhiễm môi trường rất lớn, nhất là khi người làm xăng giả sử dụng acetat chì - chất hiện đã bị cấm, để pha vào xăng nhằm tăng chỉ số octane”, TS Dũng nói.