Theo đó, từ ngày 25/3/2019, thực hiện dán tem chống giả và nâng cao chất lượng giấy in từ giấy Offset In-đô định lượng 80g/m2 lên giấy Offset In-đô định lượng 100g/m2.
Việc thực hiện dán tem chống giả và nâng cao chất lượng giấy in đối với Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 không làm tăng giá bán, không làm phát sinh thêm chi phí mà người dân, Nhà nước phải bỏ ra khi yêu cầu cấp Phiếu LLTP, song lại đạt được yêu cầu, mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, cũng như bảo đảm uy tín, thương hiệu sản phẩm do Nhà xuất bản Tư pháp cung cấp.
Đối với Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn tồn mẫu giấy in Phiếu LLTP không dán tem (mua của Nhà xuất bản Tư pháp trước ngày 25/3/2019) thì tiếp tục sử dụng và đề nghị thống kê, báo cáo số lượng từng loại mẫu Phiếu về Bộ Tư pháp (qua Nhà xuất bản Tư pháp) trước ngày 31/3/2019 để tổng hợp, theo dõi chung.
Trường hợp đến ngày 25/9/2019 mà vẫn chưa sử dụng hết mẫu giấy in Phiếu LLTP không dán tem thì Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống kê lại số lượng, báo cáo số liệu chi tiết về Bộ Tư pháp (qua Nhà xuất bản Tư pháp) để so sánh, đối chiếu và có phương án phối hợp xử lý.
Nhu cầu sử dụng Phiếu LLTP ngày càng tăng, việc quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng pháp luật các mẫu giấy in Phiếu LLTP số 1, số 2 do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp góp phần thực thi pháp luật về bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Do vậy, trong thời gian tới đề nghị Thanh tra Bộ và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm được giao cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết hành vi in, sử dụng mẫu giấy in Phiếu LLTP không do Nhà xuất bản Tư pháp cung cấp theo quy định tại Thông tư số 13/2011/TT-BTP và Quyết định số 1276/QĐ-BTP.