Philippines đưa tranh chấp ở Biển Đông lên tòa Quốc tế

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết nước này đã đưa vấn đề Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như bao trọn Biển Đông, gồm cả khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền, lên tòa án Liên hợp quốc.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết nước này đã đưa vấn đề Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như bao trọn Biển Đông, gồm cả khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền, lên tòa án Liên hợp quốc.
“Philippines đã sử dụng mọi biện pháp chính trị và ngoại giao để dàn xếp hòa bình trong vấn đề tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc... Chúng tôi hy vọng tiến trình phân xử sẽ đem lại giải pháp lâu bền cho tranh chấp này”, AFP dẫn lời ông Del Rosario phát biểu trong cuộc họp báo ngày 22/1.
Ông Del Rosario cho biết Manila đã thông báo với đại sứ Trung Quốc về quyết định đưa vấn đề này lên tòa án theo Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ông Del Rosario cũng cho biết, đệ trình của Philippines nói rằng cái gọi là “đường chín đoạn” theo tuyên bố của Bắc Kinh, trong đó bao gần như toàn bộ Biển Đông, gồm cả vùng lãnh hải lẫn các đảo gần những nước láng giềng là trái pháp lý.
Đệ trình cũng đề nghị Trung Quốc “ngừng những hành động trái pháp luật xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines theo UNCLOS 1982”.
“Từ năm 1995 tới nay Philippines đã nhiều lần nêu quan điểm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Nhưng cho đến nay, một giải pháp như vậy vẫn là điều khó nắm bắt”.
Động thái này của Manila diễn ra trong bối cảnh những cách tiếp cận ngoại giao nhằm giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh thời gian qua gần như không có kết quả.
Bế tắc hiện nay bắt đầu từ tháng 4/2012, khi các tàu thuyền Trung Quốc tiến hành đánh bắt cá ở đảo bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines. Sau đó, bất chấp một thỏa thuận yêu cầu hai bên rút tất cả tàu thuyền để giảm bớt căng thẳng, Trung Quốc tăng cường kiểm soát và không cho phép tàu thuyền của Philippines ra vào bãi này.
Philippines đã ra sức thuyết phục và kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép, buộc Trung Quốc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của Philippines theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển; tổ chức Diễn đàn Hàng hải đầu tiên của khu vực ASEAN để tập hợp sự ủng hộ chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Philippines cũng khôi phục các mối quan hệ quân sự chiến lược với Mỹ, tăng cường hợp tác hàng hải với Nhật Bản nhằm hiện đại hóa đội tàu của mình.
Theo TTXVN

Đọc thêm