Sở hữu lực lượng ca sĩ kiêm diễn viên hùng hậu, các bộ phim được gọi là “phim ca nhạc” lẫn phim ca nhạc không trong dấu ngoặc kép đang thu hút đông đảo khán giả. Đây là mảnh đất hiếm, hấp dẫn, tuy nhiên lại rất “khó xơi”... Trước khi Những nụ hôn rực rỡ ra rạp rồi gây ồn ào vì những lùm xùm và Cho một tình yêu rầm rộ lên sóng, khán giả đã kịp biết đến cái-gọi-là phim ca nhạc Việt Nam qua video clip của nhiều ca sĩ. Những đĩa nhạc kiểu này đã khiến những người am hiểu phải lắc đầu: “Nếu chỉ thế mà cũng gọi là phim ca nhạc thì các ca sĩ nhà ta quả là bạo phổi!”.Đơn giản và… dễ dãi
Cảnh phim "Những nụ hôn rực rỡ" |
Những ai yêu điện ảnh đều biết phim ca nhạc là thể loại không hề dễ nuốt. Ngoài việc phải là một bộ phim với các yêu cầu khắt khe như mọi phim khác, phim ca nhạc còn đòi hỏi diễn viên phải có khả năng hát, nhảy, múa. Bởi phần lớn lời thoại trong dòng phim này đều được hát như trong những bộ phim kinh điển Singin’ in the rain (Hát trong mưa - 1952), West side story (Câu chuyện phía Tây - 1961) hay The sound of music (Giai điệu hạnh phúc - 1965)... Hoặc theo xu hướng của những phim ca nhạc hiện đại, trong kịch bản không thể thiếu bối cảnh sân khấu để nhân vật biểu diễn, điển hình là High school musical, Hannah Montana, Jump in!... Đương nhiên để làm được điều đó thì phía sau mọi phim ca nhạc đều là những nhạc sĩ, đạo diễn có nghề, am hiểu về phim. Thế nhưng, trước đây phim ca nhạc của chúng ta đang có một sự “ép duyên” rất rõ ràng khi các ca sĩ chọn ca khúc cho album xong mới cố nghĩ ra câu chuyện cho phù hợp với ca khúc đó để sản phẩm cuối cùng vẫn chỉ là một video clip có cốt truyện và... độ dài thời lượng. Điển hình là bộ đĩa Trọn đời bên em của Lý Hải, Hồn bướm của Nguyên Vũ hay gần đây nhất là The movie của Song Yến đều không thể là phim ca nhạc bởi chúng chỉ đơn giản dùng hình ảnh để minh họa cho bài hát, lắm khi gữa nhạc và hình chẳng liên quan gì nhau. Sau này, chúng ta được xem những Sài Gòn tình ca, Em muốn làm người nổi tiếng, Vũ điệu đam mê, Giải cứu thần chết... là những bộ phim đúng nghĩa, và bắt đầu mang hơi hướm phim ca nhạc chứ không nhập nhằng với DVD hình - ca nhạc. Nhưng với những phim trên, âm nhạc vẫn chưa trở thành chất liệu chính để dẫn dắt đường dây câu chuyện mà đơn thuần được lồng ghép minh hoạ cho một số cảnh cần thiết. Bắt đầu khai hoang đúng hướng
Mỹ Tâm và Quang Dũng trong phim "Cho một tình yêu" |
Bộ phim truyền hình Cho một tình yêu đang phát sóng trên VTV3 đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Còn ở Những nụ hôn rực rỡ trước đây, những điều nên than phiền là chất lượng giọng hát của các diễn viên (ca sĩ) và những lỗi logic hơn là chuyện tranh cãi ồn ào giữa đạo diễn và một số nhà báo quanh chi tiết nhà báo (trong phim) hỏi chỗ lấy phong bì. Dẫu sao, những bộ phim trên cũng đã cho thấy một tín hiệu đáng mừng, các đạo diễn bắt đầu hiểu đúng tinh thần của phim ca nhạc. Nội dung thoại cho nhân vật trong phim đều được hát lên khá tự nhiên... Cảnh biểu diễn trên sân khấu được lồng ghép không gượng gạo. Đơn cử là nhiều tình tiết thoại trong Cho một tình yêu cũng được “giám đốc âm nhạc” Mỹ Tâm để các diễn viên hát và để âm nhạc gánh vác phần lớn trọng trách chuyển tải nội dung, cũng như sự phát triển tính cách nhân vật trong những cao trào. Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn vẹn khi phim đôi lúc vẫn chưa thoát khỏi kiểu ép nhạc vào cảnh như các video clip. Và có lẽ vì “tham”, mà các bản nhạc “hit” được sử dụng tràn lan theo kiểu bỏ thì thương mà nhiều thì...bội thực. Xa hơn nữa là phần nhảy, múa minh họa trong cả hai phim đôi khi chẳng để làm gì. Nếu bảo rằng để cho có nhảy, cho khán giả có cái mà xem thì dường như các vị đạo diễn đã quá lãng phí những khuôn hình quý giá của mình. Dẫu sao, những nhát cuốc khai hoang đầu tiên bao giờ cũng đáng trân trọng. Còn quá sớm để khẳng định sự phát triển hay khởi sắc phim ca nhạc Việt, nhưng sự đầu tư bài bản và định hướng đúng đắn cho một thể loại phim đặc thù đã là tín hiệu đáng mừng.
Theo Phạm Thành Nhân
Đất Việt
Đất Việt