Phim ’độc lập’ và nỗi lo đầu ra

Khán giả điện ảnh gần đây bắt đầu làm quen với những bộ phim “độc lập” made in Vietnam. Biết là khó khăn nhưng những đạo diễn này vẫn kiên trì theo đuổi, bởi từ lâu họ mang trong mình một niềm đam mê lớn.

Khán giả điện ảnh gần đây bắt đầu làm quen với những bộ phim “độc lập” made in Vietnam. Biết là khó khăn nhưng những đạo diễn này vẫn kiên trì theo đuổi, bởi từ lâu họ mang trong mình một niềm đam mê lớn.
Không chỉ có vấn đề kinh phí, các đạo diễn phim “độc lập” còn phải đối diện với trăm mối lo toan khi bắt tay vào tạo ra “đứa con tinh thần” của mình.Khó khăn trăm bề Các đạo diễn “độc lập” đều phải vất vả xoay sở tìm kinh phí để thực hiện tác phẩm của mình. Ở Việt Nam, những nhà làm phim “độc lập” đều còn rất trẻ, trong đó có số lượng không nhỏ là sinh viên. Họ, hầu hết đều chưa có tiếng tăm nên rất khó để thuyết phục các nhà tài trợ. Vả lại, bản thân hai chữ “độc lập” cũng phần nào thể hiện sự ngang ngạnh của các đạo diễn dòng phim này. Nhà tài trợ không được phép can thiệp vào phần nội dung (dù ít hay nhiều), và đặc biệt “dị ứng” quảng cáo. Rất nhiều đạo diễn trẻ từ chối khoản đầu tư từ các hãng phim lớn chỉ vì muốn được thỏa sức sáng tạo.
Một cảnh trong phim Cắt của đạo diễn Trần Lý Trí Tân.
Một cảnh trong phim Cắt của đạo diễn Trần Lý Trí Tân.
Mặt khác, họ quan niệm: dùng tiền của mình với kế hoạch chi tiêu cẩn thận thay vì dùng tiền của người khác vẫn tốt hơn. Do được làm với kinh phí ít ỏi nên diễn viên thường là nghiệp dư, thậm chí là bạn bè có khả năng diễn xuất. Cũng vì ít vốn nên đa số các phim “độc lập” của các đạo diễn trẻ Việt Nam đều là phim ngắn. Ngoài vấn đề kinh phí, đạo diễn trẻ Lê Quang Vinh (phim Phía trong mặt trời) chia sẻ, một khó khăn nữa khi làm phim “độc lập” là không có nhà sản xuất để hỗ trợ đạo diễn trong những việc ngoài chuyên môn. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới công việc chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn. Việc phổ biến một bộ phim “độc lập” là một vấn đề nan giải không kém. Muốn tác phẩm được nhiều người biết đến, nhà làm phim phải quảng bá, tiếp thị. Nhưng họ lại không có tiền nên đành phải chia sẻ “đứa con tinh thần” qua mạng. Việc chiếu phim ở rạp cũng không đơn giản vì nước ta chưa có rạp nào dành suất chiếu cho phim ngắn. Do vậy, phim sau khi hoàn thiện thường chỉ dành chiếu cho bạn bè xem là chính. Một số ít đạo diễn có quan hệ tốt thì trông chờ vào những buổi chiếu phim do viện Goethe, L’Espace, IDECAF hay hội đồng Anh tổ chức. Hy vọng đầu ra Gần đây, dân mê phim trên mạng quan tâm đến một liên hoan phim ngắn trực tuyến mang tên Yxine Film Festival (YxineFF), một sân chơi mới cho các đạo diễn trẻ nhằm thỏa mãn những ý tưởng điện ảnh của mình. Không dừng ở khuôn khổ một cuộc thi với giải thưởng, ban tổ chức tiệc phim này còn có kế hoạch phổ biến các tác phẩm dự thi xuất sắc tới khán giả bằng việc phát hành DVD. Họ cũng mong muốn làm cầu nối giữa các nhà làm phim với nhau, giữa nhà làm phim với nhà đầu tư hay tạo điều kiện cho các đạo diễn trẻ tham dự các Liên hoan phim ngắn quốc tế. Trước YxineFF, khán giả yêu điện ảnh cũng biết tới Future Shorts Việt Nam thông qua việc chiếu phim ngắn chọn lọc tại các quán cà phê hay trong một số trường đại hoc. Nguyễn Kim Tố Lan, đại diện Future Shorts Việt Nam, cho biết: “Việc chiếu phim ngắn sẽ giúp các bạn trẻ có dịp tiếp xúc với những tác phẩm hay trên thế giới, cũng là cơ hội học hỏi cho những đạo diễn làm phim “độc lập”.
Khái niệm phim “độc lập” (indie film, underground film) ra đời ở Mỹ, chỉ những bộ phim được làm bởi các hãng phim nhỏ bên ngoài đế chế Hollywood. Cho tới nay, dòng phim này đã trở thành đối trọng với những bộ phim có kinh phí lớn do Hollywood sản xuất. Nhiều bộ phim “độc lập” đã đoạt những giải thưởng danh giá tại các Liên hoan phim quốc tế uy tín như Slumdog millionaire, The hurt locker…
Theo Dạ Thương
Đất Việt

Đọc thêm