Bài toán chất lượng phim
Phim hành động “ngốn” kinh phí lớn hơn nhiều so với dòng phim khác bởi phải đầu tư xây dựng phim trường, trang phục, hóa trang, đạo cụ, hiệu ứng cháy nổ, diễn viên đóng thế, diễn viên quần chúng, thuê các thiết bị quay phim chuyên dụng cho phim hành động, đặc biệt là phần hậu kỳ, kĩ xảo. Để làm ra một bộ phim hành động “đạt 7 điểm” trở lên, nhà sản xuất phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng. Nhưng thực tế, số tiền họ thu được nhờ việc bán vé và bán bản quyền lại rất... èo uột!
Ra mắt nhân dịp Tết Dương lịch 2021, sau 6 ngày trình chiếu, "Võ sinh đại chiến" chỉ thu được chưa đầy 1,4 tỷ đồng. Với mức kinh phí sản xuất 25 tỷ đồng, bộ phim thua lỗ nặng nề. Một phim lỗ nặng khác là “Đỉnh mù sương” năm 2020. Sau thời gian công chiếu, bộ phim hành động, võ thuật chỉ thu được 1 tỷ đồng, trong khi kinh phí sản xuất 12 tỷ đồng.
“Huyền thoại bất tử” với 12 tỷ đầu tư cũng lỗ tới mức một khán giả đến mua vé xem phim phải đi về vì "phòng chiếu chưa đủ… 4 người mua vé nên rạp trả lại tiền”. Hay “Lửa Phật” với đầu tư hơn 20 tỷ đồng nhưng doanh thu thảm hại. “Bẫy Rồng” đầu tư gần 20 tỉ đồng, thu về 12 tỷ.
Năm 2016, kinh phí bỏ ra làm “Găng tay đỏ” là 15 tỷ đồng, sau 10 ngày ra rạp, trừ chi phí phát hành, quảng bá, phim thu được 0 đồng, lỗ toàn bộ chi phí sản xuất. Đại diện nhà sản xuất suy sụp: “Chúng tôi buộc lòng phải rút phim về, không chiếu nữa vì nhận thấy việc phát hành không hiệu quả. Chúng tôi lấy làm tiếc vì bộ phim đang chiếu phải ngưng giữa chừng, không thể đến được với nhiều khán giả hơn nữa".
“Làm phim hành động bị lỗ” dường như “lời nguyền” lơ lửng trên đầu những nhà sản xuất. Điều này đã tạo ra một tâm lý lo sợ cho các nhà sản xuất, hiếm ai muốn liều bỏ ra một số tiền khổng lồ để thu lại doanh thu tí hon. Nhất là khi phim hành động Việt chỉ là một "anh chàng mới lớn" so với những “bom tấn” hành động khác của Hollywood. Vì vậy, để tránh thất thu, nhiều nhà sản xuất tìm cách "né" phim hành động. Có nhà sản xuất “liều” thì vẫn canh cánh đêm ngày.
Dù bỏ ra nhiều tâm huyết và đầu tư “khủng” nhưng chất lượng các bộ phim bị lỗ cũng là điều đáng bàn. Có phim nội dung hời hợt, tình tiết dễ đoán, thiếu logic, lời thoại lên gân hoặc nhạt nhẽo, vô bổ. Có phim diễn viên diễn xuất khô cứng, một màu, cảnh hành động không mãn nhãn, âm thanh, ánh sáng không đạt chuẩn. Đặc biệt, đa phần các phim có những cảnh quay, pha hành động phi lý, khó hiểu gây chán nản, thất vọng, bực mình cho người xem.
Ngoài các nguyên nhân trên, chưa kể còn có nguyên nhân khác khiến phim hành động Việt bị “lép vế”. Hầu hết, những phim hành động Việt Nam đều phải gắn mác “dành cho khán giả trên 16 tuổi” trước khi ra rạp. Nhiều người trong nghề còn nhận xét bản phim công chiếu gần như đã được Hội đồng kiểm duyệt “cắt, gọt, xén” ở những cảnh hành động. Nhưng một số ý kiến cho rằng khung kiểm duyệt của điện ảnh nước nhà dường như còn rất mơ hồ, đại khái, cảm tính khiến nhiều tác phẩm điện ảnh chịu “án oan” trong việc kiểm duyệt. Bị cắt xén oan, bộ phim hành động bỗng “không đầu, không cuối”, “dở dở, ương ương”, “nửa nạc, nửa mỡ”.
Thời 4.0, việc dễ dàng tiếp cận với nhiều thể loại phim, chất lượng tốt trên nền tảng trực tuyến đã tạo ra cộng đồng khán giả xem phim thông thái. Để phim hành động không còn cảnh nơm nớp lo sợ doanh thu “10 mất, 1 còn”, lý do kéo khán giả ra rạp chỉ có thể là chất lượng, tiên quyết là nội dung hấp dẫn. Điều này là thách thức không nhỏ đối với các nhà sản xuất phim Việt.
Thấp thỏm phim mới
Ngày 20/5 vừa qua, bộ phim hành động “578 - phát đạn của kẻ điên” vừa được công chiếu tại rạp. Phim chuyển thể từ tiểu thuyết đề tài ấu dâm của đạo diễn Lương Đình Dũng, kinh phí sản xuất 60 tỷ đồng.
|
Bộ phim “578 - phát đạn của kẻ điên” mới công chiếu. |
Câu chuyện xoay quanh Hùng, một người lái xe container và con gái nhỏ. Người cha đau xót tột cùng khi con gái anh bị trầm cảm nặng vì một vụ tấn công tình dục. Anh quyết tâm truy tìm thủ phạm để trả thù, giành lại công lý. Trên hành trình truy đuổi và bị “săn”, người cha nhận ra mình không chỉ đang đối đầu với một kẻ ác mà là cả một thế lực đen tối phía sau với tội ác: ấu dâm và buôn bán nội tạng phụ nữ và trẻ em.
Bộ phim được dán nhãn C18+, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, phim chứa đến 91% các cảnh hành động bạo lực. Được hỏi tại sao không chấp nhận cắt bớt cảnh hành động để phim có thể gắn nhãn 16+, đạo diễn Lương Đình Dũng cho hay: “Tôi đã kiềm chế lắm rồi, thực tế làm một phim bạo lực theo tính chất gào hét, đánh nhau kiểu chợ búa, bầy đàn, người ta hay gọi giang hồ Hongkong ngày xưa chẳng khó chút nào. Nhưng phim của tôi hành động bạo lực theo một cách khác, sâu hơn và điên rồ hơn, vũ khí cũng có thứ quái gở và khó kiểm soát hơn”.
Một trong những bối cảnh hành động lớn của bộ phim là cảng Đình Vũ (Hải Phòng) đã ngốn hơn 3 tỷ đồng ngân sách phim. Diện tích phục vụ cho việc quay phim tại đây lên đến hơn 20 hecta, với 460 thùng container. Chỉ riêng việc di dời, sắp xếp các thùng container để tạo nên một mê cung truy đuổi khổng lồ đã mất đến hơn hai ngày.
Phim có sự tham gia của rất nhiều diễn viên như: Alexandre Nguyễn, Hoàng Phúc, Hoa hậu H’Hen Niê, võ sư Tuấn Hạc, nam vương Ngọc Tình, siêu mẫu Jessica Minh Anh, đô vật nhiều lần vô địch SEA Games Hà Văn Hiếu và hơn 600 diễn viên khác. Đạo diễn Lương Đình Dũng mong “thắng lớn” và dự kiến sẽ mang “578 - phát đạn của người điên” đi “chinh chiến” tại hơn 20 quốc gia.
Lạc quan là thế, nhưng liệu “578 - phát đạn của người điên” có thắng về doanh thu như: “Hai Phượng”, "Lật mặt 48h" để bước qua lời nguyền “muốn lỗ cứ làm phim hành động”? Câu trả lời sẽ sớm có sau thời gian phim công chiếu.