Nhiều phim ngắn, ít phim dài
Cuối tháng 5, bộ phim hoạt hình ngắn “Giấc mơ gỏi cuốn” dài 9 phút của nữ đạo diễn trẻ Mai Vũ đã được trao giải Light on Women Award tại Liên hoan phim Cannes 2022. Tuy nhiên, cần lưu ý, để thực hiện bộ phim này, tác giả Mai Vũ đã được Trường Điện ảnh và Truyền hình quốc gia Vương quốc Anh (NFTS) cấp kinh phí sản xuất khoảng 9.000 bảng Anh, để chi trả cho các khoản mua nguyên vật liệu, dựng nhân vật, chi phí lồng tiếng…
Trường NFTS là một ngôi trường nổi tiếng có bề dày lịch sử đã tạo ra những bộ phim có khả năng tranh các giải quốc tế lớn như Oscar, Cannes, BAFTA,… Tờ BBC từng nhận định NFTS là “trung tâm xuất sắc hàng đầu về giáo dục trong việc làm chương trình phim và truyền hình”.
Chiến thắng của nữ đạo diễn trẻ đã góp phần mang “phim hoạt hình Việt ra thế giới” nhưng nhìn thẳng vào thực tế, ngành phim hoạt hình tại Việt Nam vẫn bị “áp đảo” bởi phim hoạt hình ngoại. Bao lâu nay, vẫn chưa có một phim hoạt hình Việt nào đủ thời lượng và chất lượng để chính thức bước ra các rạp chiếu phim nội địa. Tiềm năng to lớn của nền hoạt hình Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ.
Trong những năm nay, hoạt động sản xuất phim hoạt hình đã diễn ra sôi nổi hơn, ở cả mô hình nhà nước hay tư nhân. Không chỉ khán giả mà ngay cả giới chuyên môn cũng đánh giá sản lượng phim hoạt hình Việt ngày càng phong phú, chất lượng tốt hơn, nội dung sắc bén hơn. Chẳng hạn, Hãng phim hoạt hình Việt Nam mỗi năm cho ra đời hơn chục bộ phim, ngoài ra hãng còn hợp tác với các đối tác như Hi Pencil Studio (loạt phim hoạt hình “Xin chào bút chì”), Colory Animation (phim ngắn “Dưới bóng cây”, loạt phim “Cùng là dũng sĩ”), nhóm Đuốc Mồi (xê ri “Việt sử kiêu hùng”)…
Trong năm 2020, một bộ phận lớn khán giả trẻ đã tích cực chào đón trào lưu phim hoạt hình lịch sử, với các dự án như sê-ri “Loa thành rực lửa” (nhóm Hạc Thần), xê ri bảy tập về các nữ tướng dưới trướng Hai Bà Trưng, “Đại Vương: Xin hãy tiết chế” (DeeDee Animation)… Nhưng, đến nay dòng phim này vẫn chưa thể phổ biến đến đông đảo khán giả đại chúng. Chưa kể, những phim này hầu hết là phim ngắn, thời lượng chỉ từ 15-20 phút, không đủ thời lượng để được phát hành riêng tại các cụm rạp. Do đó, phim hoạt hình “cộp mác” Việt Nam chiếu ở rạp, khai thác thương mại vẫn là một nhu cầu, khát vọng chờ được lấp đầy.
Thậm chí việc phim hoạt hình ngắn ra rạp là chuyện tương đối bình thường ở nước ngoài. Điển hình là trước mỗi bộ phim hoạt hình của hãng Pixar khi được chiếu ngoài rạp sẽ có một phim hoạt hình ngắn mở màn. Phim hoạt hình ngắn sẽ đóng vai trò như một “món điểm tâm” cho khán giả.
Đáng nói, năm 2018, bộ phim “Gia đình siêu nhân 2” (Incredibles 2) được mở màn bởi bộ phim ngắn “Bé bánh bao” (BAO) của đạo diễn Domee Shi. Năm 2019, “BAO” đã “ẵm nóng” giải Oscar lần thứ 91 cho hạng mục phim hoạt hình ngắn. Có thể thấy, tại những thị trường phim hoạt hình phát triển, nhà làm phim có thể tận dụng mọi cơ hội để quảng bá các sản phẩm phim khác nhau, nhằm tối ưu lợi nhuận, cũng như hiệu quả truyền thông.
Dù vậy, điều kiện để những bộ phim hoạt hình ngắn đến được với đông đảo khán giả đến xem tại rạp vẫn là phải có một bộ phim hoạt hình dài đi tiên phong trước. Đến nay, công chúng và người làm nghề đã đặt nhiều kỳ vọng vào những dự án phim hoạt hình như “Hành trình nhân quả” (Karma - The Journey), “Tản Viên phong châu”, “Dưới bóng cây”,… nhưng hy vọng vẫn kéo dài từ năm này qua năm khác, chưa biết bao giờ thành hiện thực.
Ông Đinh Kiều Anh Tuấn – Giám đốc điều hành, người sáng lập Red Cat Motion đã phải thừa nhận trước giới truyền thông rằng, dự án “Hành trình nhân quả” đã gặp nhiều khó khăn nên dự kiến mốc hoàn thành tác phẩm có thể là năm 2025 hoặc lâu hơn.
Còn nhiều khó khăn
Có nhiều lý do để giải thích về việc tại sao việc kinh doanh phim hoạt hình chiếu rạp lâu nay vẫn chỉ là “sân chơi” của các hãng phim nước ngoài. Nhìn vào thực tế, phim hoạt hình từ các “cường quốc” hoạt hình như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc,… đều có những tiến bộ vượt bậc về mặt câu chuyện, cách kể, hình ảnh, cũng như công nghệ làm phim trong một thập kỷ qua.
Dù ngành phim hoạt hình trong nước đã có những cải thiện nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu phần đông người xem vẫn còn tương đối hạn chế. Đặc biệt, những tác phẩm ra rạp thường phải có đầu tư lớn, cùng với đó là tỉ lệ rủi ro cao hơn nhiều so với phim chỉ trình chiếu trên nền tảng mạng xã hội.
Nói đến khó khăn để làm ra một bộ phim hoạt hình chiếu rạp hay, nhiều người trong cộng đồng làm phim có thể chỉ ra ngay các yếu tố: kịch bản, nhân lực, kỹ thuật, tài chính. Đầu tiên, kịch bản phim phải tốt và mới lạ; tiếp theo, nhà sản xuất phải có đội ngũ nhân lực trình độ cao, phối hợp đồng đều; thiết bị hiện đại đáp ứng yếu tố kỹ thuật vì phim chiếu ở rạp; cuối cùng là luôn phải có đủ đầy nguồn kinh phí nhằm tránh tình trạng “đứt gánh giữa đường”, đang làm dở thì đoàn phải bỏ vì hết tiền.
Lại nói, đội ngũ làm phim hoạt hình Việt hiện nay chủ yếu là giới trẻ; dù mang trong mình nhiều đam mê, nhiệt huyết nhưng khi đứng trước những nan đề khó giải quyết, họ vẫn còn nhiều hạn chế về kinh nghiệm và kiến thức để có thể tự “gỡ rối” cho bản thân và “đứa con tinh thần” của mình.
Trước mắt thị trường phim hoạt hình chiếu rạp vẫn bỏ trống cho các hãng phim quốc tế. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là cộng đồng làm phim hoạt hình trong nước, phần lớn là người trẻ tuổi, vẫn đang thể hiện quyết tâm cao độ, nỗ lực vượt khó để giành lại thị phần trên chính “sân nhà” mình, biến giấc mơ phim hoạt hình Việt chiếu rạp thành hiện thực.