Bộ phim điện ảnh duy nhất chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội mang tên Khát vọng Thăng Long, sẽ ra mắt khán giả đúng vào dịp Đại lễ.
>> Bức tranh thêu kỷ lục mừng Đại lễ 1.000 năm Đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ, làm phim về cuộc đời Lý Công Uẩn là khó nhất trong số các nhân vật lịch sử vì cuộc đời ông quá trầm lặng, không có nhiều tranh giành quyền lực, chiến tranh, âm mưu. Tuy nhiên, bộ phim này vẫn phải đảm bảo được yếu tố hút khán giả, nhờ phần hư cấu kịch bản do Charlie Nguyễn đảm nhận. Vai trò chỉ đạo võ thuật không ai xứng đáng hơn Johnny Trí Nguyễn. Nói về những phân đoạn hấp dẫn trong phim, Johnny cho biết cái khó nhất là cảnh chiến đấu trên ngựa vì các diễn viên vừa phải học cưỡi ngựa, vừa học võ mất khá nhiều thời gian và công sức. Đặc biệt là cảnh lũ trẻ cưỡi trâu đuổi nhau rất khó nhưng gây được nhiều hứng thú và mang đậm chất Việt Nam. Phát biểu trong buổi họp báo sáng 29/8, bà Minh Tâm, Chủ tịch HĐQT công ty Kỷ Nguyên Sáng, chia sẻ thông điệp Khát vọng Thăng Long gửi đến khán giả vào dịp Đại lễ chính là lòng yêu nước có từ ngàn đời xưa và cho đến mãi sau này. Khát vọng Thăng Long được thai nghén trong 12 tháng, trong đó thời gian chủ yếu dành đầu tư cho kịch bản. Dự án trước đây mang tên Chiếu dời đô, do nhà nước đặt hàng các hãng phim quốc doanh. Sau khi được xã hội hóa, phim được Kỷ Nguyên Sáng sản xuất, với sự cộng tác của rất nhiều gương mặt quen thuộc như: Jimmy Nghiêm Phạm, Jenny Trang Lê, Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn… Dàn diễn viên trong phim gồm các diễn viên: Ngô Mỹ Uyên, Quách Ngọc Ngoan, Đình Toàn, Thạch Kim Long, Thu Trang…
>> Phim kỷ niệm cũng hấp dẫn
Phim điểm lại những dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời Lý Công Uẩn, từ khi còn là đứa trẻ bị mẹ bỏ lại trước cổng chùa, sau đó vào cung phò vua Lê Đại Hành, thống nhất đất nước trước nguy cơ loạn lạc cho đến khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, lên ngôi vua, mở ra trang lịch sử mới. Lồng vào chuyện nước còn có chuyện tình giữa Công Uẩn và Dạ Hương.
Cảnh trong phim Khát vọng Thăng Long.
Bối cảnh, phục trang cũng khiến các nhà làm phim “đau đầu” vì ở Việt Nam hầu như không thể tìm thấy bối cảnh phù hợp. Cuối cùng, đoàn phim đã phải dựng trường quay. Phục trang của vua chúa thời xưa cũng cần làm thế nào để không giống như bên Trung Quốc. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết: “Trang phục trong phim không tươi như Trung Quốc mà mang tông màu trầm hơn. Việt Nam là xứ nhiệt đới nên quần áo cũng không tầng tầng lớp lớp mà nhẹ nhàng hơn”.