Phim truyện lịch sử cổ trang: Đã có bước chạy đà

Chưa bao giờ trong lịch sử điện ảnh nước nhà lại có một cuộc tập hợp đông đảo phim truyện lịch sử cổ trang như hiện nay. Giờ "G" của phim truyện lịch sử không chỉ là việc hoàn tất để trình lên Hội đồng Duyệt phim Trung ương, hay chuẩn bị công chiếu giới thiệu kịp Đại lễ, mà đây còn là thời điểm đánh dấu sự chuyển mình của một mảng đời sống điện ảnh quan trọng.

Chưa bao giờ trong lịch sử điện ảnh nước nhà lại có một cuộc tập hợp đông đảo phim truyện lịch sử cổ trang như hiện nay. Giờ "G" của phim truyện lịch sử không chỉ là việc hoàn tất để trình lên Hội đồng Duyệt phim Trung ương, hay chuẩn bị công chiếu giới thiệu kịp Đại lễ, mà đây còn là thời điểm đánh dấu sự chuyển mình của một mảng đời sống điện ảnh quan trọng.

Bứt phá từ cơ hội nghìn năm

Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có thể xem như một cơ hội, một cú hích để các nhà điện ảnh, các đơn vị quyết định đầu tư, làm phim truyện lịch sử cổ trang. Bởi lẽ, ở ta mới chỉ có mảng phim lịch sử đề tài chiến tranh cách mạng. Phim lịch sử cổ trang gần như một cánh đồng hoang, ở đó một số tác phẩm từng có dấu ấn như "Đêm hội Long Trì"… cũng không đủ sức làm mát vùng đất khô hạn này của điện ảnh.

Một cảnh quay trong phim “Huyền sử thiên đô”. Ảnh: Vương Anh

Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã gợi lại một mảng đề tài lớn còn bỏ trống với hàng loạt sự kiện, nhân vật, truyền thuyết… từng làm nên niềm tự hào, sự giàu có về văn hóa cho đất Thăng Long văn hiến, anh hùng. Ít nhất trong số những phim đã công bố, đang hoàn thiện, một vài đường nét lớn của lịch sử đất nước, lịch sử Thăng Long - Hà Nội suốt chiều dài 1000 năm qua đã hiện diện. "Tây Sơn hào kiệt" (Hãng phim Lý Huỳnh) và "Long thành cầm giả ca"

tái hiện thời kỳ của vị anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Các phim "Khát vọng Thăng Long", "Huyền sử thiên đô", "Thái sư Trần Thủ Độ"… khắc họa hình ảnh Lý Công Uẩn và bối cảnh thời Lý - Trần.

Nguồn cảm hứng từ lịch sử này cũng kéo một đội ngũ không nhỏ các nhà biên kịch, đạo diễn và cả nhà đầu tư lăn lộn, thử nghiệm cho điện ảnh lịch sử cổ trang.

Để viết được hàng nghìn trang kịch bản "Huyền sử thiên đô", nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn đã có một cuộc về với lịch sử thực sự khi ông nghiền ngẫm 3 cuốn sử trọng yếu. Từ đây, ông thấy càng đọc càng thấm rằng lịch sử đất nước có rất nhiều điều thú vị mà màn ảnh rộng chưa hề chạm tới. Nhiều nhân vật khi khai thác, điện ảnh đã khám phá ra những cái nhìn mới, cho nó một sức sống mới, cho dù có thể ít nhiều còn gây tranh luận. Lê Long Đĩnh dưới ngòi bút Nguyễn Mạnh Tuấn không chỉ là một kẻ tàn bạo mà còn là người biết trọng dụng người tài, không phân biệt đẳng cấp, xuất thân.

Trong những kịch bản phim truyện lịch sử chào mừng Đại lễ cũng có thể tìm thấy những yếu tố mới lạ khác như "Long thành cầm giả ca" của Văn Lê. Có thể xem đây như một dòng riêng bên cạnh dòng kịch bản thiên về phản ánh trực diện sự kiện lịch sử như "Huyền sử thiên đô", "Khát vọng Thăng Long", "Thái sư Trần Thủ Độ"… Ở "Long thành cầm giả ca" yếu tố văn hóa đậm đặc được tải trên nền sự kiện lịch sử thời kỳ Tây Sơn. Kịch bản này cũng là sản phẩm chất lượng nhất của cuộc thi kịch bản hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cuộc chuyển mình dữ dội

TS Lưu Trọng Hồng (Hội đồng Duyệt phim TƯ) chia sẻ với Hànộimới với tư cách một người hoạt động điện ảnh lâu năm rằng: Lúc đầu ông thật sự lo lắng vì thành phố có thể đầu tư kinh phí mà một dự án lớn phim lịch sử kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội lại không thành. Nhưng sau đó, từ nguồn ngân sách nhà nước hằng năm, chúng ta đã có tác phẩm "Long thành cầm giả ca" với chất lượng tốt, được chọn dự LHP quốc tế Việt Nam lần thứ I - Hà Nội 2010. Bên cạnh đó, những phim xã hội hóa như "Tây Sơn hào kiệt" cũng là phim xem được.

Như vậy, mặc dù tiếc là chưa có những phim nhựa thực sự tầm cỡ về đề tài này, song qua đây có thể thấy phim truyện lịch sử Việt Nam đang có những chuyển mình thực sự. Ngoài hai phim "Thái sư Trần Thủ Độ" và "Long thành cầm giả ca" từ kinh phí của Hà Nội và ngân sách nhà nước hằng năm cấp cho hãng, thì các phim khác đều làm bằng tiền túi của tư nhân, mà lại không phải ít, hàng chục cho đến cả trăm tỷ đồng. Xét ở góc độ này, điện ảnh nước nhà phải ghi nhận sự đóng góp của các nhà đầu tư. Cho dù tính toán giỏi thì độ rủi ro và đặc biệt là tính thử nghiệm trong những dự án này luôn ở mức cao. Thành công, thất bại từ các phim lịch sử hôm nay ít nhiều sẽ đặt nền móng cho một nền điện ảnh đề tài lịch sử cổ trang mà chúng ta đang xây dựng.

Quả thật, để bắt lỗi, phim ta có khá nhiều cái "hồn nhiên" như lấp ló chiếc cổ áo sơ mi sau lớp long bào của nhà vua, hoặc phía xa xa sau đoàn quân thấp thoáng một… cần ăngten vô tuyến? Những chuyện ấy dễ gây bực mình, nhưng nhìn đại thể, nếu kịch bản chặt chẽ, trang phục bối cảnh thuần Việt, cốt truyện hấp dẫn… thì vẫn cần ghi nhận những thành công của phim.

Đến nay, vẫn còn một số phim như "Thái sư Trần Thủ Độ", "Khát vọng Thăng Long", "Huyền sử thiên đô" chưa được gửi đến Hội đồng Duyệt phim TƯ song theo đánh giá của các nhà chuyên môn và dư luận gần đây, có thể thấy cuộc chuyển mình của phim lịch sử không dễ dàng chút nào. Đáng chú ý có chuyện một bộ phim vừa lên hội đồng đã buộc phải sửa vì quá đậm đặc yếu tố nước ngoài. Còn một số phim khác chọn giải pháp thuê thợ từ Trung Quốc sang dựng trường quay theo ý đồ của mình, quay ngoại cảnh toàn bộ ở Việt Nam, dùng kỹ xảo của chuyên gia Hàn Quốc để ghép lại… Chưa biết chất lượng tổng thể thế nào, nhưng rõ ràng đa số sự lựa chọn này đều có lý do.

Ra trường quay mới thấy hết cái khó, cái khổ của người làm phim lịch sử cổ trang Việt Nam. Diễn viên, đạo diễn đánh vật giữa trời nắng nóng, phim trường nghèo nàn, dựng lên quay xong buộc phải dỡ. Lãng phí và thiếu thốn trở thành vòng luẩn quẩn. Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) đang thực hiện đề tài về phim truyện lịch sử Việt Nam. Từ đây hy vọng sẽ có những giải pháp triệt để, lâu dài cho phim lịch sử như một chiến lược có lợi cho văn hóa và kinh tế nước nhà.

Với Việt Nam, "giờ G" cho phim lịch sử cổ trang đã điểm rồi!

Đọc thêm