Phim Việt đang bị “thiếu máu”!

"Mỗi năm, điện ảnh Việt Nam (VN) chỉ cho ra đời trên dưới 10 bộ phim. Vậy nên phim nào cũng được xem như hoa hậu, á hậu, được gửi đi thi thố gần xa.

"Mỗi năm, điện ảnh Việt Nam (VN) chỉ cho ra đời trên dưới 10 bộ phim. Vậy nên phim nào cũng được xem như hoa hậu, á hậu, được gửi đi thi thố gần xa. Nhưng có là "hoa hậu" hay "á hậu" phim Việt thì so với phim thế giới, vẫn chỉ là "người đẹp suy dinh dưỡng", cao 1,4m, số đo ba vòng bằng nhau, lắm khi vừa nói lắp vừa nói ngọng..." - cách ví von khá ngoa ngoắt nhưng cũng đầy hình ảnh và không kém phần sát thực của nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã khiến không ít người giật mình trước thực trạng của nền điện ảnh nước nhà. Nhận định trên có lẽ không chỉ của riêng nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm mà còn là mối lo lắng của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh có mặt tại cuộc tọa đàm "Bàn về giải pháp tăng cường sản xuất phim VN" nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế VN lần thứ nhất vừa diễn ra tại Hà Nội. Theo đó, điện ảnh VN hiện nay giống như một cơ thể ốm yếu, còm cõi, thiếu máu trầm trọng và quá tải phim "hoa hậu, á hậu" - tức những phim nặng về mặt thi thố hình thức hoặc để khoe mẽ các dịp liên hoan lễ lạt. Ông Lê Ngọc Minh - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh buồn rầu thừa nhận, số lượng phim do VN sản xuất mỗi năm chỉ được khoảng trên dưới 10 phim. Con số này là quá nhỏ đối với một thị trường điện ảnh có hơn 86 triệu dân. Trở lại cuối thập kỷ trước, có năm điện ảnh VN đã sản xuất được hơn 20 bộ phim, thậm chí năm 1992 là hơn 30 bộ phim.
Phim   		“Trung úy”
 
So sánh với Malaysia, một nước có 25 triệu dân nhưng mỗi năm sản xuất được 25 bộ phim, thì 10 bộ phim của ta quả thật là èo uột. Chưa kể, trong số này chưa có nhiều phim được khán giả đón nhận. Ông Hoàng Nhuận Cầm bức xúc cho rằng đó là sự sáng tạo nhỏ giọt và cầm hơi. Vì sáng tạo nhỏ giọt và cầm hơi nên chất lượng phim Việt chưa cao. Mỗi phim ra đời, dù có dở mấy cũng không ai nỡ chê, vẫn cứ phải gật gù, xuê xoa: "tạm được, cũng hay", để rồi không biết rằng vì thế mà phim Việt không thể hay được. Mà "chừng nào chúng ta chưa cảm thấy phim trong nước đang bị thiếu máu thì điện ảnh VN chưa thể thay đổi", nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm khẳng định.Nguyên nhân do đâu? Theo ông Lê Ngọc Minh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sản xuất phim VN èo uột hiện nay là do VN chưa có một thị trường điện ảnh đa dạng và ổn định, đặc biệt là với phim nội địa. Số phim ngoại nhập hàng năm tăng mạnh với tỷ lệ 150 phim ngoại/10 phim nội, nên thị trường phim nội càng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khán giả. Hơn nữa, lĩnh vực phim truyền hình đang phát triển mạnh, tạo lực hút đối với đội ngũ người làm điện ảnh chạy sang làm truyền hình. VN lại chưa có đủ cơ sở hạ tầng, chưa có sự đầu tư thích đáng thỏa mãn công việc làm phim và nhu cầu sáng tạo của các nghệ sĩ. Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh đưa ra dẫn chứng: "Nếu như năm 1998, với 1 tỉ đồng đã có thể làm được một bộ phim trung bình, thì năm 2008 cần ít nhất 6 tỉ đồng cho một bộ phim cùng quy mô. Vậy mà mức kinh phí Nhà nước đầu tư cho sản xuất phim trong hơn 10 năm qua không hề thay đổi. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt, giảm sút của đội ngũ làm điện ảnh, đặc biệt là đạo diễn, những tài năng mới xuất hiện chậm hơn, số đạo diễn tên tuổi cũng không có nhiều... - Đó là những lý do dẫn đến hiện trạng đáng buồn của điện ảnh VN.Cần liều thuốc tăng lực? Từ kinh nghiệm của các nền điện ảnh láng giềng, TS. Lưu Trọng Hồng - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh VN cho rằng, cần phải có các liều thuốc tăng lực, các giải pháp đột phá mới có thể thay đổi được sự ốm yếu của điện ảnh nước nhà. "Điện ảnh Hàn Quốc nhờ biện pháp xóa bỏ kiểm duyệt khắt khe đã vượt qua được thời khủng hoảng. Điện ảnh Thái Lan từng cứu mình tránh khỏi tụt dốc bằng cách đưa người sang học ở Hollywood. Ở ta, mọi khâu đều thiếu và yếu, vì thế muốn đẩy mạnh sản xuất phim, thúc đẩy điện ảnh phát triển cần phải tiến hành giải pháp đồng bộ trên cả ba khâu cốt lõi là sản xuất, phổ biến phim và nhân lực phục vụ sản xuất và phổ biến phim. Cả ba khâu chặt chẽ với nhau: đầu tư cho sản xuất phim là để khuyến khích đầu tư xây dựng rạp, do đó vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khâu sản xuất phim, đồng thời phải đầu tư cho đào tạo để có đội ngũ làm điện ảnh kế cận có tài và theo được nhịp phát triển của quốc tế. Đối với đạo diễn Lê Hoàng, ông đặc biệt chú ý đến khâu đào tạo nguồn nhân lực sản xuất phim. Bởi đó là yếu tố tiên quyết để tạo nên thành công cho một bộ phim. Nếu như không được chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực thì nền điện ảnh sẽ ngày một đi xuống. Bên cạnh nguồn nhân lực, đạo diễn Lê Hoàng cũng nhấn mạnh đến công chúng - nhóm đối tượng mà phim VN phải hướng đến. Theo đạo diễn Lê Hoàng, phim VN muốn phát triển mạnh hơn, vươn xa hơn trước hết phải thực sự chinh phục được khán giả trong nước, đặc biệt là khán giả trẻ. Nếu phim VN làm ra không thu hút được khán giả, không bán được vé thì nền điện ảnh VN chưa thể phát triển được. Lắng nghe cuộc tranh luận gay gắt của các nhà làm phim VN, ông Philip Cheah, Giám đốc Liên hoan phim quốc tế Singapore, cho rằng, muốn sản xuất được nhiều phim, muốn điện ảnh phát triển thì phải xây dựng được một nền điện ảnh độc lập. "Điện ảnh độc lập tức nền điện ảnh của quốc gia đó phải có bản sắc, không phụ thuộc vào một nền điện ảnh lớn nào. Phim làm ra phải có công chúng của chính quốc gia đó. Singapore hay các quốc gia có nền điện ảnh đang phát triển ở khu vực châu Phi, Bắc Ấn... đều cố gắng xây dựng nền điện ảnh theo hướng như thế. Và đó cũng có thể là kinh nghiệm cho VN lúc này".
Theo Hoàng Linh
SKĐS

Đọc thêm