“Phố” cá lóc nướng mía tấp nập ngày vía Thần Tài

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngoài bộ “tam sên”, ngày vía Thần Tài mồng 10 tháng Giêng, người dân Nam Bộ còn có tục cúng cá lóc nướng mía để cầu mong một năm mới được nhiều tài lộc, “đầu xuôi đuôi lọt”.
Ông Nguyễn Trung - chủ một quầy hàng cá lóc nướng cho biết mỗi năm ông bán được hơn 3.500 con vào ngày vía Thần Tài mồng 10 tháng Giêng (Ảnh: Bùi Yên).
Ông Nguyễn Trung - chủ một quầy hàng cá lóc nướng cho biết mỗi năm ông bán được hơn 3.500 con vào ngày vía Thần Tài mồng 10 tháng Giêng (Ảnh: Bùi Yên).

Đường Tân Kỳ Tân Quý (phường 14, quận Tân Phú, TP HCM) lâu nay được mệnh danh là “Phố cá lóc nướng". Mỗi dịp ngày vía Thần Tài, “Phố” này càng trở nên tấp nập người mua, người bán.

Hai bên đường dài khoảng 200m, có đến hàng chục quầy hàng bán cá lóc nướng. Quầy hàng lớn có hàng chục nhân viên với nhiều lò than; quầy nhỏ chỉ có người nướng, người đứng bán.

Từ sáng sớm, người dân ở nhiều nơi đổ về để mua cá lóc nướng. Giá cả tùy từng quầy, từng kích cỡ, từ 180.000 – 240.000 đồng, có tặng kèm rau.

Giá cá lóc nướng dao động từ 180.000 - 240.000 đồng tùy từng quầy hàng và tùy kích cỡ (Ảnh: Bùi Yên).

Giá cá lóc nướng dao động từ 180.000 - 240.000 đồng tùy từng quầy hàng và tùy kích cỡ (Ảnh: Bùi Yên).

Ông Nguyễn Trung – chủ một quầy hàng chia sẻ: “Tôi bán cá lóc nướng quanh năm, nhưng ngày vía Thần Tài thì sẽ bán số lượng lớn nhất. Năm ngoái, tôi bán được 3.500 con. Nếu theo lẽ thường, mỗi năm tôi sẽ tăng thêm vài trăm con. Nhưng do năm nay kinh tế khó khăn, số lượng tôi dự tính bán sẽ bằng năm ngoái. Giá thì cũng như năm ngoái, từ 180.000 – 220.000 đồng”.

Theo đánh giá của ông Trung, năm nay, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng lượng khách đến mua vẫn không giảm. “Đồ cúng mà, có vài trăm ngàn để cúng, tỏ lòng thành với thần tài, thổ địa nên người ta vẫn mua để cầu cho một năm làm ăn thuận lợi” ông Trung nói.

Để có đủ lượng cá bán cho ngày vía Thần Tài, ông Trung nói đã chuẩn bị từ nhiều ngày, từ nhập cá, kho trữ cá cho tươi, mua mía về xiên. Từ ngày mồng 9, quầy hàng ông Trung đã đông khách đến mua.

Chủ một quầy hàng khác cho biết, ngày vía thần tài năm 2023, họ bán được 1.000 con nhưng năm nay, lo sợ lượng khách ít hơn nên đã giảm số lượng cá.

Cá lóc còn sống, xiên khúc mía tươi vào, nướng tại chỗ cho khách đến lựa chọn (Ảnh: Bùi Yên).

Cá lóc còn sống, xiên khúc mía tươi vào, nướng tại chỗ cho khách đến lựa chọn (Ảnh: Bùi Yên).

Một khách đến mua cá chia sẻ: “Ngày này, năm nào tôi cũng đến mua cá. Ông bà truyền nhau cúng thần tài cần bộ “tam sên”, thêm cá lóc nên mình cứ tiếp tục. Cầu mong năm nay được tài lộc nhiều hơn, thuận lợi hơn”.

Theo quan sát, cá lóc còn sống, được xiên vào khúc mía tươi, sau đó cho lên lò than để nướng. Khi lớp vảy bị cháy, người ta dùng dao cạo đi và tiếp tục nướng cho đến khi chín đều, màu vàng xen lẫn những “đốm cháy”. Khách đến mua, có thể lựa chọn cá đang còn trên lò lửa, nóng hổi hoặc cá đã nướng chín được gác trên quầy.

Tuyến đường Tân Kỳ Tân Quý thường ngày đã đông đúc người qua lại. Sáng ngày mồng 10 tháng Giêng lại càng thêm đông vì đường nhỏ, người mua cá “tấp nập”. Dòng người kéo dài, chậm rãi qua ngã tư (Tân Kỳ Tân Quý – Trường Chinh).

Tuyến đường Tân Kỳ Tân Quý thường ngày đã rất đông xe cộ, nay thêm khách ghé mua cá lóc nướng thì càng thêm đông đúc, tấp nập (Ảnh: Bùi Yên).

Tuyến đường Tân Kỳ Tân Quý thường ngày đã rất đông xe cộ, nay thêm khách ghé mua cá lóc nướng thì càng thêm đông đúc, tấp nập (Ảnh: Bùi Yên).

Tục cúng cá lóc nướng cho ngày vía thần tài, hiện nay, còn nhiều tranh cãi và không rõ xuất phát từ khi nào. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tục cúng cá lóc nướng có thể xuất phát từ vùng đồng bằng Nam Bộ. Cá lóc là thứ đặc sản và có rất nhiều ở vùng sông nước, kênh rạch tạo nên nét đặc trưng của Nam Bộ. Người dân dâng cúng cho thần tài – thổ địa để cầu một năm mưa thuận, gió hòa. Cũng có quan niệm, sức sống của cá lóc mãnh liệt, trong môi trường khắc nghiệt vẫn sinh tồn được.

Tất bật nướng cá, cạo vảy để kịp giao cho khách (Ảnh: Bùi Yên).

Tất bật nướng cá, cạo vảy để kịp giao cho khách (Ảnh: Bùi Yên).

Đọc thêm