Ngày 26/9, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Châu 23 năm 6 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt và lừa đảo gần 1 tỷ đồng.
Móc từ quỹ to đến quỹ bé
Trong suốt thời gian là Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch Công đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2008-2013 và kiêm thủ quỹ, Lê Thị Châu đã không thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được giao. Châu đã lợi dụng sự lỏng lẻo trong hoạt động kiểm tra của Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế để biển thủ số tiền hơn 667 triệu đồng.
|
Bị cáo Lê Thị Châu. |
Theo khai nhận của Lê Thị Châu thì bị cáo bắt đầu chiếm đoạt tiền quỹ công đoàn từ năm 2008 nhưng với số tiền không lớn (mỗi lần từ 3 đến 5 triệu đồng) để chi tiêu cá nhân. Sau đó, mỗi khi có đoàn kiểm tra, bị cáo đã che giấu bằng cách mượn tiền của người khác để “đập” vào khoản thâm hụt đó nên hành vi của Châu không bị phát hiện trong một thời gian dài.
Vì thế, Châu âm mưu biển thủ ngân sách của công đoàn với số tiền ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên, do lượng tiền mặt tồn quỹ không lớn (lúc nhiều nhất chỉ khoảng 100 triệu đồng để phục vụ các hoạt động thường xuyên của đơn vị), nên số tiền Châu chiếm đoạt trong thời gian này nhiều nhất là 25 triệu đồng/lần.
Không dừng lại ở đó, tháng 3/2011 Công đoàn ngành là đơn vị trung gian đứng ra tổ chức, kêu gọi cán bộ, giáo viên, viên chức các công đoàn cơ sở quyên góp ủng hộ nhân dân Nhật Bản sau trận động đất, sóng thần. Số tiền quyên góp được là hơn 539 triệu đồng nhưng khi lập báo cáo tổng hợp thì Lê Thị Châu báo cáo số tiền là 400 triệu đồng, chiếm đoạt hơn 139 triệu đồng mà không bị phát hiện.
Sự tham lam “vô độ” của vị Phó Chủ tịch công đoàn kiêm thủ quỹ này tiếp tục tiến thêm một bước khi chiếm đoạt thêm 19,5 triệu đồng từ số tiền 400 triệu đồng khi đem nộp cho Hội Chữ thập đỏ của tỉnh.
Đến tháng 8/2012, hành vi tham ô tài sản của Lê Thị Châu mới bị phát hiện. Khi Đoàn thanh tra của Liên đoàn Lao động tỉnh về kiểm tra và yêu cầu Châu mở két sắt quỹ công đoàn thì Châu bảo đã mất chìa khóa, đến khi Đoàn tiến hành phá két thì số tiền quỹ biến mất không một dấu vết.
Tháng 12/2012, Lê Thị Châu đã bỏ trốn khỏi địa phương; đến ngày 15/1/2013 bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khởi tố bị can, đồng thời ra lệnh bắt bị can để tạm giam về các tội: “Tham ô tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 18/1/2013 Lê Thị Châu bị bắt tạm giam.
Hứa hẹn “chạy việc”, nuốt gọn 300 triệu đồng
Cũng trong thời gian này, vị Phó Chủ tịch công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Thị Châu tiếp tục lợi dụng chức vụ, địa vị công tác của mình nhận tiền, hứa hẹn xin việc cho 5 cá nhân nhưng không xin việc cho họ, chiếm đoạt tổng số tiền 300 triệu đồng. Số tiền này, Châu đều sử dụng cho việc tiêu xài ăn chơi. Khi có thắc mắc về sự chậm trễ trong xin việc của những người bị hại thì Châu chỉ hứa hẹn cho qua chuyện, lấy lý do là cần phải có thời gian để xem xét hồ sơ hoặc đợi đợt tuyển dụng.
Điều đáng lên án đối với bị cáo Lê Thị Châu, với cương vị là Phó Chủ tịch công đoàn ngành Giáo dục kiêm thủ quỹ nhưng khi được Tòa hỏi bị cáo đã sử dụng số tiền lớn như vậy trong một thời gian ngắn để làm gì thì bị cáo Châu trả lời cụt lủn là để tiêu xài, ăn chơi.
Bị cáo đã không chừa một thủ đoạn nào , kể cả “móc” quỹ công đoàn và số tiền cán bộ, giáo viên ủng hộ nhân dân Nhật Bản có ý nghĩa nhân văn hết sức cao cả. Trước tòa, bị cáo không tỏ ra ăn năn, hối cải đối với những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của mình. Bản án mà TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên đối với bị cáo Lê Thị Châu được dư luận đồng tình.
Điền Quang