Chiều 17/8, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch thành phố Hà Nội họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến. Dự và chỉ đạo có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phụ trách, điều hành hoạt động của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố và UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch thành phố.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biễn phức tạp, số ca nhiễm, tử vong ở mức cao. Nhiều nước có số lượng ca bệnh tăng cao trở lại. Ở Hà Nội, từ ngày 14 – 17/8 ghi nhận thêm 2 ca mắc mới.
Ông Quý dự báo, trong thời gian tới có thể sẽ phát hiện các ca mắc mới trong cộng đồng, nhưng không lây lan diện rộng nếu thực hiện quyết liệt các giải pháp. "Cần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, không tập trung quá 30 người ở nơi công cộng, nếu có biểu hiện ho sốt phải đến cơ sở y tế. Những người có bệnh nền thì không nên ra ngoài", ông Quý nói.
Ông Quý yêu cầu: "Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, công trường nhà máy phải có phương án phòng chống dịch và thực hiện nghiêm. Riêng nhà hàng ăn uống, quán bia hơi, giải khát, cà phê cần thực hiện các biện pháp quản lý phòng chống dịch, cụ thể là giãn cách chỗ ngồi cách tối thiểu một mét, nếu có vách ngăn thì càng tốt; nhân viên đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ, tiến hành đo thân nhiệt cho khách, khử khuẩn, có treo biển hướng dẫn phòng chống dịch.
Đây là những nơi thường xuyên tập trung đông người, đặc biệt quán bia hơi nếu có người mắc bệnh thì dễ lây lan rộng. Các quận, huyện chỉ đạo từ 0h ngày 19/8 tất cả các cửa hàng ăn uống phải thực hiện nghiêm các nội dung thành phố yêu cầu".
Ông Quý cũng yêu cầu làm tốt công tác xét nghiệm, đến 20/8 phải xong các trường hợp trở về từ Đà Nẵng từ ngày 15/7. Nghiên cứu mở rộng các đối tượng xét nghiệm nếu có dấu hiệu ho, sốt. Các bệnh viện phải thực hiện nghiêm việc phân luồng khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế. "Nếu bệnh viện nào không đảm bảo an toàn thì yêu cầu dừng hoạt động", ông Quý nói.
Trước đó, đề xuất tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, ngoài các biện pháp đang thực hiện, các địa phương cần tăng cường kiểm soát công tác phòng, chống dịch tại hàng, quán. Các bệnh viện cần phải kiểm soát chặt người ra vào, thăm thân; thực hiện phân luồng khám, chữa bệnh đúng quy định...
Báo cáo về công tác xét nghiệm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Trương Quang Việt thông tin, với các mẫu xét nghiệm trường hợp F1 của Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng gửi, trong đó có bệnh nhân V.H.C, hiện có 13 mẫu đang chờ kết quả.
CDC Hà Nội đang phối hợp với các bệnh viện thực hiện cách ly các trường hợp liên quan đến bệnh nhân đúng quy định; tăng cường bảo vệ các y, bác sĩ tại các bệnh viện; điều chuyển các ống mẫu xét nghiệp RT-PCR cho các địa phương để hoàn thành việc lấy mẫu cho các trường hợp ở Đà Nẵng về từ ngày 15/7.
Ông Trương Quang Việt cho rằng, hiện nay việc giám sát phòng, chống dịch trong cộng đồng tại các địa phương lỏng lẻo hơn giai đoạn trước, nhiều người dân vẫn không thực hiện giãn cách theo quy định.
Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cũng cho rằng, cần phải nghiêm túc hơn trong việc cách ly các trường hợp F1, không để tình trạng lây lan như trường hợp bệnh nhân 962. Đồng thời, các địa phương cần phải quyết liệt hơn trong việc vận động người dân hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết, tăng cường xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.