Những vỉa hè tràn đầy màu sắc và giai điệu
Vào tối thứ sáu, khi các thanh chắn được kéo ra, đường phố nhập nhoạng lên đèn, cũng là lúc những người nghệ sĩ không chuyên bắt đầu rục rịch chuẩn bị biểu diễn tại phố đi bộ. Họ có thể là các ca sĩ, họa sĩ không mấy tiếng tăm hay những nhóm nhảy sinh viên, câu lạc bộ khiêu vũ. Tất cả đều quy tụ lại, chọn một chỗ riêng ở phố đi bộ hồ Gươm, để biểu diễn trong một hoặc nhiều buổi tối.
Chỉ cần bước đến đầu phố Tràng Tiền, có thể nghe bản hòa âm của ban nhạc dân gian đương đại hay khúc romance lãng mạn, hoặc tiếng kèn saxophone làm mê đắm lòng người. Tại đây, nghệ sĩ là bất kì ai, từ những sinh viên trong Nhạc viện, nghệ sĩ bán chuyên đến các ông, các bà đều có thể đăng ký để trình diễn tại phố đi bộ.
Nghệ sĩ người Anh - Raphel Vangelis đã từng chia sẻ về những tác phẩm hội họa đường phố của mình: “Một tác phẩm nghệ thuật đẹp trong bức tường nhàm chán”. Thực tế, đường phố luôn luôn cứng nhắc, tẻ nhạt, nhưng nó sẽ được thổi hồn nhờ chất “xúc tác” của nghệ thuật. Giống như phố đi bộ hồ Gươm cũng trở nên hấp dẫn, duyên dáng hơn nhờ các bản nhạc, vũ điệu,… được trình diễn vào các ngày cuối tuần.
Dọc theo con phố có thể thấy những nghệ sĩ mặc áo dài đỏ cách tân chơi sáo, đánh đàn, gảy đàn bầu, tạo ra những bản nhạc quen thuộc như “Triệu đóa hoa hồng”, “Kachiusa”,… Cũng có lúc lại tình cờ gặp gỡ ban nhạc sống đang chơi các bản nhạc pop hiện đại. Tùy vào điều kiện mà có người độc tấu với guitar, có những nhóm lại đủ cả hát chính, người chơi bass, keyboard thu hút khán giả vây quanh thưởng thức. Các ban nhạc chơi liên tục như vậy từ khoảng bảy giờ tối cho đến tận đêm. Tiền bạc thu về không được bao nhiêu, chủ yếu là do những người qua đường tùy tâm thưởng cho họ. Nhưng chính khán giả chờ đợi, cổ vũ nhiệt tình đã trở thành động lực để họ chơi nhạc không ngừng nghỉ.
Đi qua những ban nhạc, men theo vỉa hè, xuôi xuống mạn cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, sẽ gặp các xe bán tò he, gánh bán bóng bay. Những người nặn tò he, ngày nay, không chỉ nặn những mẫu hình quen thuộc như hoa hồng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới nữa. Mà họ tạo ra những nhân vật hoạt hình được đầu tư tinh tế về màu sắc, thời gian làm, khiến cho mỗi xe tò he trở nên đặc biệt bằng hình con lợn hồng, chim cánh cụt, siêu nhân, mèo đi hia,.. Các màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng, hòa trộn với nhau dưới ánh đèn lấp lánh, khiến cho bất kì ai cũng phải nán lại nhìn ngắm.
Nhưng đặc biệt nhất là các sạp tranh vẽ chân dung. Mỗi bức tranh của các họa sĩ, đều là những tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo nên từ hai dụng cụ là than chì và giấy vẽ. Anh Nguyễn Bá Hiệp - họa sĩ đường phố chia sẻ trong lúc ký họa chân dung một cặp đôi: “Tôi đang kể một câu chuyện tình yêu”. Dù cặp đôi anh vẽ ngồi song song với nhau, nhưng qua nét vẽ, thì hình ảnh chàng trai trở nên to lớn hơn, bao bọc cô gái nhỏ có đôi mắt bồ câu ở phía trước. Anh nói: “Vẽ giống hệt thì không khó. Nhưng mỗi bức tranh là nghệ thuật, cảm xúc, sáng tạo và thăng hoa của riêng tôi”.
Thực tế, phố đi bộ hồ Gươm trong vài năm trở lại đây đang dần trở thành không gian để rất nhiều người thỏa sức với đam mê nghệ thuật. Không chỉ có nghệ sĩ chuyên nghiệp và bán chuyên tham dự. Đây là “sân chơi” của học sinh, sinh viên và các ông, các bà. Như khi đi đến gần Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, có thể dễ dàng nghe tiếng nhạc từ những điệu Valse. Trong vòng tròn bao bọc bởi lớp lớp người, có những cặp đôi không phân biệt lứa tuổi, quốc tịch đang cùng nhau xoay vòng theo vũ điệu uyển chuyển. Cô Phương (40 tuổi) - một người trong câu lạc bộ khiêu vũ chia sẻ: “Mỗi dịp cuối tuần, tôi thường ra phố đi bộ để khiêu vũ. Đây là không gian tự do giúp chúng tôi thoải mái thả mình theo âm nhạc của phố xá nhộn nhịp”.
Không gian nghệ thuật để “chill”
“Phiêu” cùng nghệ thuật, là cảm xúc rất dễ lan tỏa đến mọi người. Trong không gian của những vũ điệu, lời ca, tiếng hát, con người dường như quên hết mọi âu lo, thỏa sức tận hưởng cảm giác hạnh phúc ở hiện tại. Nghệ thuật đường phố chính là nơi mà bất cứ ai cũng có thể trở thành một phần của buổi biểu diễn.
Như các ca sĩ đường phố không gắn liền với bục sân khấu cao lớn, xa vời, mà đứng ngang hàng với khán giả. Thậm chí, giọng của thính giả còn lớn hơn, mạnh mẽ đến mức “nhấn chìm” ca sĩ. Đó là lúc, một bản nhạc hay không chỉ là âm thanh tròn trịa, kỹ thuật, mà trở thành khoảng không nơi khán giả tương tác nhiệt tình với người trình diễn. Minh Dương (24 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi rất thích ra phố đi bộ vào cuối tuần, đây là không gian giúp tôi hòa mình vào thế giới âm nhạc đường phố tràn đầy cảm xúc và hứng khởi”.
Không gian nghệ thuật đường phố còn là nơi mà người đi đường lơ đễnh dừng lại, nghe ca những khúc bình dị, quen thuộc như “Con yêu mẹ”, “Mai này con lớn lên”, “Đường về nhà”,… từ band nhạc “nhí”. Khán giả dựa vào bức tường phía xa, nhắm hờ mắt thưởng thức, tay cầm que kem Tràng Tiền mát lạnh. Nhưng không chỉ có bài hát quen thuộc, tại phố đi bộ hồ Gươm, mọi người còn bắt gặp những loại nhạc cụ nước ngoài rất độc đáo. Đó là tiết mục của những người nước ngoài, họ thổi chiếc kèn rất lạ, chơi loại trống có hình dạng bắt mắt thu hút người lớn và trẻ con cổ vũ, nhảy nhót xung quanh.
Những hình ảnh nhìn tưởng chừng bình dị, nhưng rất ý nghĩa với mọi người. Khi ngày nay, chúng ta đang sống thời đại nhiều áp lực, mệt mỏi, thì cách vượt qua chính là nở nụ cười vui vẻ, ngân nga vài giai điệu vu vơ hoặc ngắm nhìn những bức tranh độc đáo. Thực tế, hiếm nơi nào, dễ dàng nhìn thấy nụ cười tươi rói, hứng khởi của phần lớn mọi người như ở trong các phố đi bộ, khu vui chơi. Đây là không gian, mỗi người đều tách mình ra khỏi áp lực, để tận hưởng cuộc sống tràn ngập màu sắc. Và nghệ thuật lúc này, không còn bó buộc trong các phòng kín riêng biệt, mà trở nên gần gũi, đơn giản, tồn tại xung quanh mỗi người, khiến họ cảm thấy đẹp và thích thú.
Khi tách bản thân khỏi lo âu hết sức thực tế hàng ngày, để hòa mình vào không gian đầy màu sắc và âm thanh. Đó là lúc, con người bước vào địa hạt của cảm giác “chill” (thư giãn). Tuấn Linh (18 tuổi) hiện đang là thành viên trong một nhóm trượt ván cho biết, Linh đã tham gia được hơn ba năm. Vào cuối tuần em thường lên phố đi bộ, vì tại đây có không gian rất “bụi”, khiến cho em cảm thấy đầy hứng khởi khi lướt mình trên tấm ván trượt. Tuấn Linh chia sẻ về bộ môn này: “Việc học tập liên miên, khiến tinh thần em bí bách, áp lực. Khi trượt ván, trong đầu em hoàn toàn trống rỗng, chỉ còn sự tập trung và hào hứng”.
Chỉ cần lên các trang mạng xã hội, sẽ thấy mọi người lại sôi nổi thảo luận “Cuối tuần này phố đi bộ có chương trình gì không?”. Cho thấy, không chỉ nhờ những trò chơi, các hàng quán, mà bằng những sự kiện, lễ hội âm nhạc, buổi trình diễn nghệ thuật, đã nhận được sự quan tâm hào hứng của rất nhiều người. Họ coi đây là khoảng thời gian thư giãn, xóa bỏ những cảm xúc tiêu cực đã tích tụ trong suốt một tuần học tập, làm việc.