Phó Giám đốc bệnh viện chế bài thuốc diệt sán xơ mít

Đó là bài thuốc do bác sĩ Nguyễn Hữu Thám (58 tuổi, trú tại phường Thuận Hoà, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), nguyên Chủ tịch Hội đông y tỉnh và hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Thừa Thiên - Huế dày công sáng tạo nên. Bác sĩ Thám khẳng định tẩy sán xơ mít bằng bài thuốc kết hợp Đông - tây y trên sẽ loại trừ dứt điểm "con bệnh".

Đó là bài thuốc do bác sĩ Nguyễn Hữu Thám (58 tuổi, trú tại phường Thuận Hoà, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), nguyên Chủ tịch Hội đông y tỉnh và hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Thừa Thiên - Huế dày công sáng tạo nên. Bác sĩ Thám khẳng định tẩy sán xơ mít bằng bài thuốc kết hợp Đông - tây y trên sẽ loại trừ dứt điểm "con bệnh".

Bác sĩ Thám và những con sán xơ mít được tẩy ra khỏi cơ thể người bệnh bằng bài thuốc do mình bào chế nên

Bệnh nguy hiểm do yếu tố “xấu hổ”

Sán xơ mít tên khoa học là Toenia, trong y học cổ truyền loài kí sinh này còn được gọi với cái tên “rùng rợn”: Bạch thốn trùng hay Bách thốn trùng, do cơ thể chia thành nhiều đốt nhỏ. Bác sĩ Thám cho hay, nhiễm sán xơ mít thuộc nhóm bệnh tương đối phổ biến trong xã hội. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do người dân ăn thịt tái chưa được nấu chín kĩ, từ đó ấu trùng sán thâm nhập và kí sinh trong đường ruột người bệnh.

Biểu hiện bệnh nhân nhiễm sán xơ mít thường gặp như: Đau bụng, rối loạn tiêu hoá, cơ thể sút cân. “Bệnh gây thiếu máu, tắc đường ruột, suy nhược cơ thể do sán hấp thụ hết chất dinh dưỡng cơ thể thu nhận được. Nếu để lâu, sán kí sinh lên não có thể gây ra tổn thương cho cơ quan này”, Bác sĩ Thám nói về tác hại của bệnh nhiễm sán xơ mít.

Cũng theo lời bác sĩ Thám, lí do có phần tế nhị nhưng vô tình khiến bệnh trở nên nguy hiểm là người bệnh giấu giếm, không kê khai bệnh do xấu hổ.

“Tôi từng xổ sán cho rất hàng trăm trường hợp và hầu như tất cả đều đã bị nhiễm nặng do chậm phát hiện. Thậm chí nhiều người kể rằng đang lúc làm việc tại công sở thì con sán tự bò ra bên ngoài qua hậu môn khiến họ xấu hổ không đủ mạnh dạn đến cơ sở y tế khám chữa, tẩy sán mà tự chữa trị ở nhà. Ngoài ra bệnh nhiễm sán xơ mít tuy có triệu chứng nhưng không rõ ràng nên phải thật chú ý mới phát hiện được”, bác sĩ Thám cho biết.

Trong các phương pháp tẩy sán xơ mít, đa số người bệnh dùng thuốc tân dược, nhưng hiệu quả không cao do thuốc gây đứt đoạn cơ thể sán. Từ những đốt này, con sán sẽ tái sinh và tiếp tục “trú ẩn” trong cơ thể người bệnh. Theo lời bác sĩ Thám, điều trị bệnh nhiễm sán xơ mít bằng y học cổ truyền sẽ cho hiệu quả cao.

Tuy nhiên, việc bào chế thuốc phức tạp và những tác dụng phụ như gây nôn, gây cảm giác ớn lạnh người nên người bệnh ngại dùng thuốc. Đó cũng là lý do khiến nguyên Chủ tịch Hội đông y tỉnh Thừa Thiên - Huế, bác sĩ Thám tìm tòi nghiên cứu và bào chế thành công bài thuốc tẩy sán xơ mít cực kì đơn giản nhưng cho hiệu quả cao.

“Bắt mạch” bài thuốc tẩy sán đơn giản, hiệu quả

Trình bày về “bí kíp” diệt trừ sán xơ mít gây bệnh, bác sĩ Thám cho hay bài thuốc chỉ vỏn vẹn gồm ba vị: Hạt bí ngô, hạt cau và rễ cây lựu. Mỗi loại thảo dược được áp dụng theo từng quy trình tẩy sán, liều lượng tuỳ thuộc vào độ tuổi và thể trạng người bệnh.

Theo tài liệu “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập 1, vào năm 1961 S.T.Fang đã chiết tách và xác định một hoạt chất đặt tên là Cucurbitin ở trong nhân hạt bí ngô có tác dụng chữa giun sán. Tác dụng trị sán của hạt bí ngô không độc đối với cơ thể.

Quá trình và cách thức tiến hành tẩy sán được thầy thuốc Thám hướng dẫn tỉ mỉ như sau: Chiều một ngày trước khi tẩy sán, cho người bệnh ăn nhẹ, uống thêm nước sắc rễ cây lựu đã phơi khô nhằm giữ sạch ruột, giúp nhuận tràng (tức đường ruột dễ lưu thông - PV). Sáng sớm ngày sau đó là giai đoạn “tấn công” trực tiếp vào cá thể sán bằng nước hạt bí ngô. 

Cụ thể: “Đem hạt bí ngô phơi khô sau đó bóc lấy phần nhân để ăn, hoặc xay mịn toàn bộ hạt rồi lấy chất bột này chưng cách thuỷ, lọc lấy nước rồi uống. Lưu ý trước lúc uống nước hạt bí ngô phải nhịn ăn nhằm tăng hiệu quả của thuốc. Trong hạt bí ngô chứa hoạt chất có tác dụng làm tê liệt phần thân và đuôi sán”, lời bác sĩ Thám chỉ dẫn.

Khoảng hai tiếng đồng hồ sau khi đã uống nước hạt bí ngô, người bệnh tiếp tục được cho uống nước sắc hạt cau già phơi khô. Thầy thuốc Thám giải thích cụ thể thêm, trong nước sắc hạt cau chứa hàm lượng Arecolin sẽ khiến hệ thần kinh, các cơ trơn của sán bị tê liệt. Hay nói cách khác liều thuốc từ hạt cau đảm nhận “nhiệm vụ” tấn công vào phần đầu của sán.

Bác sĩ Thám trình bày chi tiết hơn: “Cuối cùng là việc đẩy sán xơ mít ra khỏi cơ thể, sau khi uống nước sắc hạt cau chừng 30 phút thì tiến hành giai đoạn này luôn. Đơn giản chỉ là cho người bệnh uống nước sắc rễ cây lựu. Cần lưu ý bệnh nhân nên cố nhịn đại tiện, đến lúc nào bức bí quá mới đi ngoài nhằm đưa toàn bộ sán ra khỏi cơ thể. Lúc này con sán bị tê liệt hoàn toàn nên sẽ dễ dàng trôi ra ngoài qua hậu môn”.

Về tác dụng bài thuốc, bác sĩ Thám khẳng định rất hiệu quả, ông đã từng tiến hành tẩy sán thành công cho hàng trăm trường hợp bằng bài thuốc trên. Nét ưu việt là thuốc không gây tác dụng phụ, dễ bào chế, ít tốn kém và chỉ cần tẩy sán duy nhất một lần sẽ khỏi hẳn. Tất nhiên sau đó người bệnh cần kiêng tránh những thức ăn tái sống, thức ăn chế biến bằng cách thui, nướng, làm gỏi.

Điều cần lưu ý là bệnh nhân cần tuân thủ quy trình tẩy sán như trên, thuốc tẩy sán bào chế xong phải sử dụng ngay, không được để qua ngày khác. Trong bài thuốc trên, bác sĩ Thám cho biết có thể thay thế nước sắc rễ cây lựu bằng hoạt chất Magnesium sulfat đều có công dụng nhuận tràng như nhau. Nói bài thuốc tẩy sán được kết hợp giữa Đông- Tây y chính là ở điểm này.

Trình bày về “lai lịch” bài thuốc tẩy sán xơ mít, bác sĩ Thám cho hay ngày trước ông nội mình từng áp dụng bài thuốc này để giúp dân. Tuy nhiên sau đó bài thuốc bị thất lạc và quên lãng, mãi đến năm 1985 ông Thám lúc này đang theo nghiệp y dược đã lần mò hỏi han, phục chế lại bài thuốc qua lời kể của bố mình.

Nhận thấy bài thuốc hiệu quả ông đã chia sẻ rộng rãi để mọi người cùng áp dụng. “Thực tế xung quanh chúng ta có rất nhiều cây thuốc quý, bài thuốc hay tuy rất đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả đến nay vẫn chưa được khám phá hết. Nếu những bài thuốc này được nhiều người biết đến và áp dụng sẽ tiết kiệm được chi phí chữa bệnh đáng kể không chỉ cho bản thân người bệnh mà cho cả cơ sở khám chữa bệnh”, bác sĩ Thám trải lòng.

Có hai tác nhân chủ yếu gây nên bệnh nhiễm sán xơ mít (còn gọi là bệnh sán dây) là sán dây lợn và sán dây bò . Hiện nay việc điều trị bệnh gặp không ít khó khăn vì đầu sán bám chắc và sống rất dai. Ở Việt Nam tỷ lệ nhiễm sán dây đường ruột chiếm từ 0,5 đến 12%. Tẩy sán xơ mít có thể áp dụng thuốc Tây y hoặc Đông y. Không nên tẩy sán đối với người có thể trạng yếu, phụ nữ mang thai, người bị suy tim, suy thận. Sau 3 tháng tẩy sán không thấy xuất hiện đốt sán bò ra ngoài mới thành công. Qúa trình tẩy sán nên có sự theo dõi của bác sĩ.

(theo suckhoeloisong.vn)

Quảng Thiên

Đọc thêm