|
Hạt dẻ cười là một trong những loại hạt giàu axit béo, trong đó chứa chất chống oxy hóa hàng đầu là axit béo omega-3, omega-6; chứa phylosterol (hợp chất trong thực vật có tác dụng ức chế hấp thụ cholesterol ở ruột); chất xơ và các chất chống oxy hóa.
Ngoài ra, người ta còn khám phá 3 lợi ích cơ bản từ hạt dẻ cười:
- Chống stress: Mùa đông lạnh, thiếu ánh nắng mặt trời làm bạn cảm thấy mệt mỏi? Công việc làm bạn căng thẳng? Khi đối mặt với những điều này, bạn nên nhấm nháp một ít hạt dẻ cười, điều này có thể giúp bạn lấy lại được tinh thần. Theo các nghiên cứu, do đặc tính chứa nhiều chất chống oxy hóa, hạt dẻ cười giúp bạn giảm những phản ứng tiêu cực do stress. Mỗi ngày nhấm nháp một ít hạt dẻ cười có thể làm giảm những tác động của stress lên huyết áp.
Hạt dẻ cười cũng là một loại thực phẩm rất giàu magiê (80mg/10g) - nguyên tố chống stress cực kỳ mạnh bởi nó có vai trò tích cực trong điều hòa huyết áp. Và thực tế là hiện nay, rất nhiều người hấp thụ lượng magiê mỗi ngày thấp hơn yêu cầu hằng ngày. Vậy tại sao bạn không bổ sung thêm magiê bằng cách này?
- Tốt cho tiêu hóa: Chất xơ có vai trò rất quan trọng trong tiêu hóa, giúp hấp thụ nước, kích thích hoạt động co bóp của ruột và tăng cường hoạt động của các vi khuẩn. Và hạt dẻ cười chính là một trong các loại hạt giàu chất xơ nhất: 3g xơ/28g hạt, tương đương với 12% lượng cần hấp thụ hằng ngày, cao gấp hai lần hồ đào và ngang với yến mạch.
- Phòng chống các bệnh tim mạch: Gần 90% các chất béo chứa trong hạt dẻ cười là loại chất béo chưa bão hòa, những chất béo này có thể giúp giảm cholesterol trong máu cũng như giảm các nguy cơ gây bệnh về tim mạch. Loại hạt này còn chứa nguyên tố kali, có tác dụng điều hòa hoạt động hệ động mạch. Và cuối cùng, các chất chống oxy hóa trong hạt dẻ cười (như polyphenol) rất có lợi cho tim.
Vậy thì không có lý do gì bạn từ chối ăn loại hạt vừa ngon lại thật sự bổ dưỡng!
Bích Trâm (st)
Bệnh ưa... chảy máu
Bệnh ưa chảy máu mà chuyên môn thường gọi là bệnh Hemophilia là một bệnh về máu mang tính di truyền. Bệnh chỉ gặp ở nam giới mà không gặp ở nữ giới. Điều này được cắt nghĩa là người mẹ mang gene gây bệnh Hemophilia, nhưng không có biểu hiện bệnh này. Khi sinh con trai, người mẹ đã truyền cho gene này và biểu hiện ra thành bệnh. Về căn nguyên mà nói thì đây là hậu quả của việc thiếu một thành phần protein đặc biệt (trong chuyên môn gọi là thiếu yếu tố 7) cần thiết cho quá trình đông máu bình thường. Nên khi bị va chạm mạnh hay bị vết thương, thậm chí là tự nhiên máu cũng chảy không ngừng. Nếu không được điều trị thích hợp có thể chảy máu đến chết.
Bệnh thường được nghi ngờ lúc còn rất nhỏ, khi bắt đầu biết đi và té ngã. Sau những lần va chạm hoặc bị vết thương nhỏ thì xuất hiện mảng tím bầm hay máu chảy kéo dài. Nếu được thăm khám sớm và làm các xét nghiệm máu sẽ phát hiện được bệnh từ những nghi ngờ trên. Việc điều trị căn cứ vào nguyên nhân như đã nói, bệnh nhân được truyền yếu tố thiếu hụt từ chế phẩm máu.
Mọi người cần hết sức thông cảm và chia sẻ với nỗi khổ bệnh tật mà người bệnh đang mang thường xuyên trong người. Cần chia sẻ những công việc nặng nhọc và tránh cho họ sự va chạm. Bởi mọi sự va chạm mạnh và mọi vết thương dù lớn hay bé cũng sẽ làm cho họ chảy máu mà lại chảy rất khó cầm, bởi vì họ đang mắc bệnh “ưa” chảy máu.
Ths.BsCKI. MAI HỮU PHƯỚC