Phòng bệnh từ vật nuôi trong gia đình

Các con vật được nuôi trong gia đình như chó, mèo  nếu không  được tắm rửa sạch, sẽ  là nguồn gây bệnh cho người.

Các con vật được nuôi trong gia đình như chó, mèo  nếu không  được tắm rửa sạch, sẽ  là nguồn gây bệnh cho người.
Bác sĩ Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Da liễu thành phố cho biết: Từ năm 2009 đến nay, trung tâm tiếp nhận và điều trị 9 trường hợp có biểu hiện sần đỏ nổi cao hơn mặt da, vết đỏ ngoằn ngoèo dài 3-4cm, ngứa, khó chịu như có giun bò dưới da. Nguyên nhân của loại bệnh này là do ấu trùng từ các loại phân động vật như chó, mèo gây ra… Trong quá trình vệ sinh,  người nào không đeo găng tay, đi  giày, dép thì nguy cơ bị ấu trùng xâm nhập qua da rất cao. Ấu trùng xâm nhập vào vùng da gây sần đỏ, ngứa và có biểu hiện lâm sàng giống như bị bệnh Zona. Di chuyển đến đâu ấu trùng sẽ gây đỏ và ngứa đến đó. Đây không phải bệnh lạ mà là bệnh ngoài da lành tính, nhưng hiếm gặp.

Bàn tay có vùng da bị viêm do ấu trùng của một người bệnh ở Lý Học (huyện Vĩnh Bảo).
Bàn tay có vùng da bị viêm do ấu trùng của một người bệnh ở Lý Học (huyện Vĩnh Bảo).

Theo Phó giám đốc Trung tâm Da liễu thành phố Đào Mạnh Khoa, việc điều trị bệnh viêm da do ấu trùng khá đơn giản. Người bệnh có thể đến khám và điều trị tại các bệnh viện đa khoa quận, huyện hoặc Trung tâm da liễu thành phố để được tư vấn và điều trị đúng cách. Những trường hợp bị bệnh viêm da do ấu trùng sau 3 ngày điều trị sẽ hết các biểu hiện sần đỏ nổi cao hơn mặt da, các vết đỏ không lan rộng; sau 7-10 ngày thì khỏi bệnh, không gây biến chứng. Trong quá trình điều trị cần tuân thủ nghiêm chỉ dẫn của bác sĩ, kiêng các loại rượu, bia và chất kích thích. Để phòng bệnh viêm da do ấu trùng, mọi người nên sử dụng các trang bị bảo hộ như găng tay, quần áo bảo hộ, đi ủng khi dọn vệ sinh hoặc tham gia lao động trên đồng ruộng, bãi biển. Không nên ôm ấp các con vật nuôi và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với các nguồn lây bệnh.

PGS-TS Phạm Văn Thức, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hải Phòng cho biết: Những người bệnh bị hen phế quản mãn tính do bị loại bọ nhà có trong không khí, dưới đệm, trong lông chó, mèo xâm nhập đường thở gây bệnh hen. Qua kết quả nghiên cứu, từ năm 1995, PGS-TS Phạm Văn Thức và các cộng sự tách chiết thành công dị nguyên Dermatophagoides Pteronyssinus để điều trị cho nhiều người bệnh hen bằng đường tiêm. Từ năm 2008 đến nay, PGS-TS Phạm Văn Thức tiếp tục nghiên cứu và điều trị cho người bệnh hen bằng dị nguyên Dermatophagoides Pteronyssinus đặt dưới lưỡi. Phương pháp này hiệu quả như đường tiêm,  không xảy ra tai biến, không có phản ứng phụ, dễ thực hiện. Trong 2 tuần đầu, người bệnh được nhỏ thuốc tại các cơ sở y tế và được các nhân viên theo dõi trong thời gian 30 phút. Sau đó, người bệnh có thể tự thực hiện ngay tại nhà. Người bệnh có thể điều trị hen phế quản mãn tại Viện Y học biển hoặc Bệnh viện Trường đại học Y Hải Phòng.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi nuôi các con vật như chó, mèo trong nhà, các gia đình cần vệ sinh tắm rửa các con vật sạch sẽ, tiêm phòng dại đề phòng các con vật lây truyền  bệnh dại.

Khôi Nguyên

Đọc thêm