Phong cảnh chiến tranh và "Khúc vals thanh lương trà"

Mùa hè, nội cỏ Nga mênh mông nở đầy hoa…Thấp thoáng những bóng thanh nữ trên đồng cỏ xanh. Họ tìm gì vậy? Hái những bông hoa đồng nội chăng? Không phải, các cô gái đang dò gỡ mìn…

Mùa hè, nội cỏ Nga mênh mông nở đầy hoa…Thấp thoáng những bóng thanh nữ trên đồng cỏ xanh. Họ tìm gì vậy? Hái những bông hoa đồng nội chăng? Không phải, các cô gái đang dò gỡ mìn… Có một “phong cảnh” chiến tranh như thế trong bộ phim của nữ đạo diễn trẻ Alena Semenova – “Khúc vals thanh lương trà”.

Đạo diễn Alena Semenova công chiếu bộ phim nhựa đầu tay của chị trước thềm dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng nước Đức phát-xít. Địa điểm ra mắt của tác phẩm điện ảnh này là miền tây-bắc Nga, vùng Vologodskaya, cũng là nơi dựng phim. Khán giả đặc biệt trong lần công chiếu đầu tiên là các cựu chiến binh Chiến tranh thế giới II – những ông cụ bà cụ cao tuổi khiêm nhường, chính là nguyên mẫu của những nhân vật trong phim “Khúc vals thanh lương trà” cũng như một bộ phim tài liệu song song.

Alena Semenova không chỉ là đạo diễn, mà còn là đồng tác giả kịch bản “Khúc vals thanh lương trà”. Bộ phim dựa trên cơ sở những sự kiện có thật: sau những trận đánh khốc liệt, sau khi Hồng quân đã giải phóng vùng bị bọn phát-xít chiếm đóng và tiến về phía Tây, thì địa bàn còn lại ở hậu phương là những thửa đất canh tác, cánh đồng, rừng cây, đường xá…dày đặc mìn gài. Để có thể bắt đầu lập lại cuộc sống hòa bình, người dân buộc phải tự mình tham gia gỡ mìn. Và bạn hãy thử hình dung: sau khóa “đào tạo” chừng 70 giờ học với chuyên viên công binh, tốp các cô thiếu nữ 17 tuổi tiến ra đồng, “vũ trang” chỉ bằng những cái que sắt thông thường. Các cô gái phát hiện và hóa giải những quả mìn — “tử thần” nham hiểm - hầu như chỉ bằng tay không. Tại vùng ngoại ô Vologda hiện nay vẫn còn những người thuở nào đã từng buộc phải tiến hành cái công việc đầy hiểm nguy và đáng sợ đó. Trả lời phỏng vấn của Đài "Tiếng nói nước Nga", nữ đạo diễn trẻ Alena Semenova tâm sự rằng, chị rất ấn tượng trước số phận của những con người này và thái độ đối với họ.

“Tôi rất khâm phục sự dũng cảm của những con người này. Họ chẳng hề đòi hỏi phải thừa nhận chiến công, chẳng ai đòi phải coi họ là anh hùng. Họ chỉ đơn giản là ngày nào cũng thức dậy vào lúc 6 giờ sáng và ra đi – mỗi người đều bước vào cuộc chiến của riêng mình, hàng ngày đối mặt với cái chết. Tôi không biết cái gì là khủng khiếp hơn: chiến đấu trực diện với kẻ thù mà ta có thể nhìn thấy tận mắt, hay là bước đi trên cánh đồng cỏ nở hoa và biết rằng mỗi tấc đất đều có cái chết giấu mặt. Hơn thế nữa, tôi sẽ nói rằng, những người này chỉ cách đây vài năm mới được công nhận là thành viên Chiến tranh thế giới II. Dù sao chăng nữa cuối cùng người ta cũng đã nhớ đến họ và khen thưởng. Có nghĩa là chiến công của những con người bình dị này từng là chiến công bị quên lãng, điều quan trọng hơn cả khiến tôi thấy cần làm bộ phim tài liệu”.

“Khúc vals thanh lương trà” là bộ phim không dùng những kỹ thuật hiệu ứng đặc tả hiện đại và do vậy có phần hơi không hợp mốt thời thượng. Trong phim không có những ngôi sao màn bạc, phần lớn các diễn viên đều trẻ tuổi và không nổi tiếng. Nhưng toàn bộ các trường đoạn trong phim đều toát lên sự chân thành mộc mạc đích thực, cả tình yêu không thành, cả cái chết bất ngờ của những nhân vật, và cả những số phận đớn đau…”Đây là câu chuyện về các thanh niên, vì thế cũng cần phải do những người trẻ tuổi kể lại” – đạo diễn Alena Semenova tin chắc như vậy.

“Tôi chưa đến 30 tuổi, nhưng tôi hiểu rằng, chiến tranh là không tốt, dù người ta có gọi là cuộc chiến tranh vĩ đại đi chăng nữa. Dù sao thì trong mọi cuộc chiến tranh đều có người chết. Không chiến công nào, không ngôn từ to lớn nào có thể trả lại những người cha, những người con trai cho các gia đình, cho những cô gái đang yêu và chờ đợi trong hy vọng. Khi tiếp xúc với những người từng dự phần vào các sự kiện xưa kia, tôi đã hiểu ra rằng, đó là thời gian của nỗi đau, của niềm bi thương to lớn và nỗi khủng khiếp to lớn. Tôi cho rằng nhiệm vụ của các Chính phủ thời nay là phải đem tất cả sức lực cố gắng chặn đứng bất kỳ hành động chiến tranh, bất kỳ toan tính gây xung đột dân tộc”.

Ngay từ trước khi công chiếu, bộ phim của nữ đạo diễn Alena Semenova đã nhận được những giải thưởng sáng giá của hai diễn đàn điện ảnh quốc tế — đó là các Liên hoan phim mới “Linh hồn của lửa” tại thành phố Khanta-Manski vùng Sibiri và “DetektivFEST” ở thủ đô Matxcơva. Nhân tiện xin nói thêm, trong thành công của tác phẩm điện ảnh này có phần đóng góp đáng kể của nhà soạn nhạc phim bậc thầy Evgheni Dog, người đã tạo nền nhạc chủ đề là bản hoài niệm “Khúc vals thanh lương trà”, biểu tượng về một thời thanh xuân uổng phí vì bị ác hại chiến tranh.

Theo Đài TNNN

Đọc thêm